Đỗ Văn Phúc
Xin thưa, có cả 1001 cách mà bọn gian dùng để lừa đảo người lương thiện nhằm moi tiền hay thu thập những chi tiết lý lịch cá nhân. Nhất là từ khi có internet với các lập trình tinh vi, ngay cả những người có tri thức, trình độ còn bị gạt, nói chi đến những bình thường khác.
Thời gian chúng tôi mới định cư ở Mỹ (đầu thập niên 1990), mỗi tuần chúng tôi nhận được một phong bì dày cộm với những trang brochure in màu sắc lộng lẫy. Ngoài phong bì có in đậm hàng chữ “Bạn đã trúng thưởng 5 triệu đô la.” Mở phong bì ra thấy có một ô bị che bởi lớp bạc mà nếu mình cạo lớp bạc sẽ hiện ra một dãy số hay vài chữ cái mà nếu nó trùng với hàng số hay chữ cái trong lá thư chính thì xem như mình đã trúng thưởng. Dường như bất cứ ai nhận những phong bì này cũng đều trúng thưởng cả. Nhưng chưa hết, họ sẽ yêu cầu mình tiếp tục trò chơi cho đến ngày chung cuộc (mà chẳng bao giờ có ngày này cả!). Trong lúc đó, họ mời chúng ta đặt mua sách báo. Thấy giá cũng rẻ, nên chúng tôi cũng mua vài tạp chí, chừng vài chục đô la cho một năm. Cuộc chơi cứ thế, kéo dài hết tháng này qua tháng nọ mà chẳng biết bao giờ mình mới nhận được cái giải trúng 5 triệu đô la kia. Nó như kiểu người xà ích treo bó cỏ trước đầu con ngựa, và con ngựa cứ thế tiến tới mãi và chẳng thể nào với miệng tới bó cỏ.
Hiện nay, tổ chức này đã chuyển qua quảng cáo trên truyền hình với giải thưởng là bảy ngàn đô la mỗi tuần cho hết đời mình! Họ mướn cả những người nổi tiếng đóng vai khách hàng trong quảng cáo nữa! Chúng tôi chưa hề nghe biết có ai đã nhận giải. Mà thật phi lý, suy nghĩ cho kỹ đi! Cho dù có dụ bán được cho một số người những tạp chí với giá khá rẻ, họ đào đâu ra khoản tiền khổng lồ cho cái giải thưởng ngon lành như thế
Hình thức phổ biến thứ hai là gửi đến tận nhà quý vị một tấm card khổ 4 x 6 inch hay một lá thư báo rằng quý vị đã trúng thưởng một chiếc xe hay thứ gì đó trị giá 40 ngàn đô la. Trong thư có ghi một số điện thoại để quý vị gọi đến nhận giải. Sau đó nếu quý làm theo lời hướng dẫn của họ, sẽ là cả một chuỗi những cú phôn, hẹn gặp, phỏng vấn ở một địa điểm xa xôi nào đó. Chung cuộc, quý vị sẽ bị khuyến dụ mua bảo hiểm nhà, xe hay bảo hiểm sức khỏe hay những thứ sản phẩm trời ơi mà họ quảng cáo. Thế là toi công, mất thì giờ quý báu của quý vị. Hình thức này cũng đã thấy giảm nhiều thời gian sau này.
Quý vị có email có lẽ không xa lạ với những điện thư từ những người xa lạ, với những cái tên nghe rất Phi Châu. Đúng thế, bọn lưu manh này có những tổ chức lớn hay cá nhân từ các nước Phi Châu. Chúng sẽ tự nhận là con cái chức sắc này nọ thừa kế gia tài hàng chục triệu đô la, nay muốn chuyển qua Mỹ và chỉ tin tưởng quý vị để giúp với một huê hồng rất cao lên tới cả triệu đô la! Chúng sẽ yêu cầu quý vị cung cấp các chi tiết về trương mục ngân hàng của quý vị để chúng chuyển tiền vào. Có khi chúng yêu cầu quý vị gửi cho chúng vài trăm đô la để đóng tiền lệ phí gì đó. Chúng tôi đã được xem một cuốn phim với nhân vật có thật là một cựu chiến binh Mỹ. Ông ta đã bị lừa gạt và còn tin bọn gian trong nhiều năm trời và sau cùng thì mất cả tiền để dành, mất cả nhà cửa nông trang.
Đó là nói về việc cướp đoạt tài chánh. Bây giờ nói qua việc đánh cắp lý lịch cá nhân.
Đôi lúc, quý vị sẽ nhận điện thư của một cơ sở mà quý vị có liên quan như ngân hàng, thẻ tín dụng, Pay Pal, Yahoo, McAfee, vân vân. Trong thư sẽ báo cho là cần quý vị cập nhật chi tiết cá nhân vì có ai đó mạo danh quý vị, hoặc yêu cầu quý vị cập nhật cái lập trình của họ theo một version mới nhất… Họ sẽ cho một vài cái link để quý vị bấm vào mà làm việc nhật tu này.
Thưa quý vị, cái link đó chính là cái bẫy vì nó là một cái malware để đánh cắp tất cả những chi tiết gì mà quý vị đánh vào khi log in, hoặc nó sẽ cài ngay vào hard drive của máy quý vị một spyware nằm chờ theo dõi đánh cắp lý lịch mỗi khi quý vị làm việc như log in vào ngân hàng chẳng hạn. Nó sẽ biết hết tất cả từ tên hiệu (ID), mật khẩu, số account, ngày sinh tháng đẻ, bằng lái xe…
Vì thế, các cơ quan mà quý vị giao dịch về tài chánh, hay ngay cả các account Yahoo, Facebook, Gmail… luôn yêu cầu quý vị thay đổi mật khẩu thường xuyên với những dãy số, chữ và ký hiệu thật phức tạo để kẻ gian khó mò ra được. Các cơ quan này cũng xác nhận là họ không bao giờ gửi email hay điện thoại để tiếp xúc với khách hàng về những lý lịch trên. Họ cũng đặt thêm ra nhiều cách xác định phụ (second verification) sau khi quý vị đã log in bằng ID và mật khẩu. Đó là họ đòi quý vị phải đánh số code mà họ sẽ gửi text message đến số điện thoại hay điện thư vào email của quý vị để chắc ăn rằng quý vị đúng là chủ nhân thật của cái account mà quý vị đang log in đó.
Vì thế, mỗi khi nhận email của người lạ nào chuyển cho quý vị một cái link để xem cái gì đó (có thể là hình hay phim khiêu dâm, có thể là bài vở hay hình ảnh lạ…), xin không nên tò mò. Chỉ tích tắc sau khi quý vị bấm vào cái link là virus hay malware tràn vào trong máy quý vị. Nó không những làm hư máy mà còn làm mất những tài liệu quý báu quý vị lưu trữ trong máy.
Ngay cả các điện thư người quen, cũng phải hết sức dè dặt bằng cách gọi điện thoại hỏi họ có thật đã gửi cho mình cái link hay không. Trước khi bấm vào link để mở, hãy dùng con chuột, rà mũi tên vào cái link. Quý vị sẽ thấy nội dung cái link hiện lên ở góc trái bên dưới màn hình. Nếu là cái link bậy bạ, nó sẽ hiện lên hàng chữ và số kỳ quái, lộn xộn dù cho trong đó có tên của một website đúng đắn.
Ví dụ: http://Yahoo.com/rcxs675$/frghancuei/
Một hình thức lừa bịp xảy ra thường xuyên trên Facebook hay qua email, là những kẻ xấu hack vào account của quý vị, dùng tên quý vị để gửi ra cho bạn bè yêu cầu giúp đỡ, mua giùm hàng hoá… Một nội dung thường thấy qua email là: “Tôi đang du lịch ở Congo bị đánh cắp hết đồ đạc. Xin bạn gửi gấp cho muợn một ít tiền để làm lộ phí trở về Mỹ…” hoặc “Anh A, mua giùm cho em gấp mấy chai thuốc trị ho. Xin gửi tiền trả vào trương mục…” Người cháu của tôi ở Việt Nam cũng một lần bị mượn tên trên facebook gửi message xin tiền trong vòng bà con, thân hữu. May mà khám phá ra kịp thời.
Cũng có tình trạng những kẻ xấu gọi điện thoại mạo danh nào là cảnh sát, nào là FBI, nào là sở An Sinh Xã Hội… Họ thường hù dọa chúng ta để mong chúng ta xì ra những chi tiết về nhân thân.
Nói chung, việc lừa bịp là thông thường ở mọi nơi, mọi lúc mà mỗi ngày mỗi tinh vị. Chỉ có cách hay nhất là hạn chế sự liên lạc trên các truyền thông xã hội, hạn chế tiết lộ về mình (ngày sinh tháng đẻ, số nhà, số điện thoại, công ăn việc làm…), thường xuyên thay đổi mật khẩu, thường xuyên kiểm soát các statement trong account của mình, không trả lời điện thoại hay email của kẻ lạ, không tò mò ham thích những thứ phù phiếm, không tham lam những thứ tiền cho mình một cách phi lý. Nên nhớ rằng có thể có những công ty đã bán chi tiết của khách hàng cho công ty hay tổ chức khác.
Và những vị dùng máy điện toán, xin mua các software chống virus. Mỗi năm chỉ tốn chừng ba, bốn chục đô la. Thường xuyên dùng software này để scan và làm sạch các ổ chứa trong máy mình.