Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào ngày 21.07., chẵn một tháng sau lễ sinh nhật thứ 79. Thời gian cứ vùn vụt trôi đi như thoi đưa.
Xin lỗi bạn đọc là tôi đã đổi tên đề tựa cho ngắn gọn hơn, hơn nữa bạn đọc cũng đã quen với các bài của tôi rồi nên hy vọng không nảy sinh rắc rối gì. Dẫu sao với trên 40 bài, gom lại nó cũng đã là một cuốn sách nghiêm chỉnh, một cuốn hồi ký tự biên theo đúng cái nghĩa ấy. Thế nên nhất thiết tên bài phải ngắn gọn, nhưng đủ nghĩa, tác giả mong nhận được sự đồng tình thật sự nơi bạn đọc.
Còn xin coi đây là phần tiếp cho mảng sau đời tôi, tức 1976 trở về sau.
Trước hết hãy nói về các sự kiện với tôi ở tháng qua. Anh bạn Phạm Việt Hưng ở Sydney trở về nước nghỉ hè 3 tháng đầu tháng 4, nay vào tháng 7 phải trở lại Australia, bây giờ tôi mới nhớ ra.
Australia nằm ở Nam bán cầu, thời tiết ngược với chúng ta ở Bắc bán cầu, anh trở lại với học kỳ mới, có lẽ đã là kỳ hai. Anh Hưng tính rất chỉn chu, khi về có gặp mặt, mà bài trước tôi có nhắc, vụ kết hợp kỷ niệm sinh nhật anh Chu Hảo. Nay trước khi đi anh cũng tổ chức một buổi gặp mặt nữa. Anh Hảo cũng có đến, mang theo một anh bạn trẻ, chắc phải thua tôi dăm tuổi, tên Nguyễn Th., kể trước có làm ở nhóm cố vấn cho nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, nay đã định cư tại Hoa Kỳ, chắc theo con. Hẹn gặp trước khi trở lại Mỹ, nhưng cho đến nay biệt tăm. Những gặp gỡ thoáng qua ở tuổi này là vậy.
Anh Hưng khá thành công, vừa tổ chức thành công hội thảo ngày 23/06/2022 tại Khoa Triết Đại học KHXH&NV: “Từ nguyên lý cơ bản của thông tin đến THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG”. Thế nhưng rất đáng tiếc, hôm đó tôi ốm quá chẳng dự được.
Nay thì anh còn cho đăng một bài dài trên tờ „Thời Báo Văn học Nghệ thuật“ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cũng là tờ báo của „Đảng ta“ kiểu như tờ „Mỹ thuật“ tôi vốn vẫn tham gia, nhưng tờ này thì tôi chưa bao giờ ngó tới. Nay anh cho một tờ xem, cũng vui ra trò. Bài của anh không theo chủ đề thông tin là món „tủ“ của anh, mà lần này có một chủ đề khác mà anh cũng rất quan tâm là thuyết tiến hóa. Bài này tên là „Gặp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, ‚học trò của cụ Pasteur’“. Bài dầy dặn, chiếm cả toàn bộ 2 trang giữa tờ báo, chủ bút trân trọng ra trò. Chỉ xin trích ra ở đây lời dẫn và lời giới thiệu tác giả mà thôi.
Tiếng Anh có một ngữ rất hay: „a nice surprise“ – „một điều ngạc nhiên thú vị“. Hôm nay ngày 25/06/2022, tôi gặp một loạt những „điều ngạc nhiên thú vị“, trong đó điều ngạc nhiên nhất là gặp một‚học trò của cụ Pasteur’. Cụ Pasteur sinh năm 1922, năm nay là dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của cụ. Vậy mà hôm nay tôi lại gặp một‚học trò của cụ Pasteur’ là nghĩa làm sao? Chuyện gì mà lạ thế?
GS. Phạm Việt Hưng đang sinh sống và làm việc tại Australia. Ông từng giảng dạy các môn: Toán kinh tế, Cơ học lý thuyết, Toán học cao cấp, Sức bền vật liệu, Toán luyện thi đại học.
GS. Phạm Việt Hưng là tác giả cuốn „Những câu chuyện khoa học hiện đại“, NXB Trẻ xuất bản năm 2003; đồng dịch giả cuốn „Định lý cuối cùng của Fermat“- „Fermat’s Last Theorem“ của Simon Singh, NXB Trẻ năm 2004; dịch giả cuốn „Phương trình của Chúa“-„God’s Equation“ của Amir Aczel; NXB Trẻ năm 2004, dưới tiêu đề của sách là „Câu chuyện về Phương trình thâu tóm cả vũ trụ“; dịch giả cuốn „Từ xác định đến bất định“-„Fromm Certainty to Uncertainty“ của David Peat, NXB Tri thức 2011; thành viên kỷ yếu „Đại học Humboldt 200 năm, kinh nghiệm giáo dục Thế giới & Việt Nam“, NXB Tri thức 2011. Bài „Nền khoa học và giáo dục Australia: một Kim tự tháp vững chắc“; thành viên kỷ yếu „Hạt Higgs và mô hình chuẩn, cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học“, NXB Tri thức 2014; Bài „Câu chuyện ‚hạt của Chúa’ đã kết thúc?“; tác giả cuốn „Định lý Gödel- Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại“, NXB Tri thức xuất bản năm 2019.
Anh Hưng ca ngợi doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, quân nhân giải ngũ biết làm giàu và chăm lo cho cộng đồng. Thế thì càng nên cổ súy cho quân nhân giải ngũ MHTân, người thậm chí còn tham gia chiến trường Quảng Trị, biết làm giàu và hơn nữa còn biết lo cho ngành xuất bản vì là cháu nội người từng „tay hòm chìa khóa“ cho nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Vĩnh nên rất hiểu ngành này.
Tờ báo còn bài hay nữa: „Một lớp sinh viên trưởng thành cùng đất nước“ giới thiệu sinh viên khóa 8 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra đi phục vụ „sự nghiệp chống Mỹ cứu nước“ thế nào. May quá anh Hưng và tôi, tuy cũng là sinh viên ĐHTHHN nhưng ngành khác và chỉ hơn, kém một khóa, cũng tìm được những con đường khác để phụng sự đất nước chứ không chỉ „làm theo lời Bác“ như thế!
Còn một bài nữa phải nêu là bài „Dịch văn học và tiêu chí của dịch văn học“ của Lê Bá Thự. Tôi biết anh là dịch giả văn học tiếng Ba Lan có tiếng nên hết sức tâm đắc với anh, và nhất là với bài này, nói lên được tất cả giá trị của nghề dịch nói chung và dịch văn học nói riêng. Cá nhân tôi tham gia dịch văn học từ khá lâu, tự cảm thấy thua xa anh, nhất là ở ba tiêu chí anh nêu, thôi đành tự an ủi là ở tiêu chí cuối cùng: đam mê dịch thuật văn học thì là khá mung lung về ai hơn ai, và…danh đua để làm gì, sân chơi cho các khả năng và khát vọng là vô cùng rộng kia mà?
Còn phải nhắc thêm một sự kiện nữa. Anh Dương Thụ có tổ chức một cuộc gặp mặt, nhưng không phải thứ bảy mà là chủ nhật, tuy cũng tại địa điểm của Café Thứ Bảy, nhưng bây giờ là địa điểm mới, nay không còn ở trung tâm nữa mà đã tít ra Times City, coi như buổi khai trương, tri ân bạn bè của Café Thứ Bảy. Với tôi là gần hơn trước, bởi vì đi xe bus chỉ có ~ 3 km. Nhưng tôi không đi xe bus vì dị ứng với lơ xe, rất lưu manh, có hôm tôi đã lên đứng được vào thành xe rồi mà còn đóng cửa lại cho xe chạy. Mọi người bảo, chúng vẫn thế vì các „cụ“ đi xe miễn phí, chúng không có thu nhập thêm mà. Tôi đi xe đạp đâm ra rắc rối quá, khóa để cạnh tòa nhà nhưng rồi sợ bảo vệ khênh đi vì trái quy định. Đâm ra phải xuống tầng hầm chung cho cả khu. Xa và rắc rối vì khu này rộng mênh mông, với khách ít đến thật sự là một cực hình.
Lần sau xin cạch. Tuy vẫn phải công nhận, anh Dương Thụ cũng tổ chức Café Thứ Bảy công phu thật. Mong cho anh tiếp tục gặp hái thành công.
Với cá nhân tôi thì tháng qua là một thành công lớn. Tôi đã hoàn thành đợt xạ trị 20 mũi tại Viện Quân Y 108, mà có lúc tưởng phải bỏ dở giữa chừng vì cơ thể phản ứng dữ quá, các phản ứng phụ hầu như làm tê liệt hoạt động bình thường của tôi. Tôi phải xin nghỉ một tuần, may quá sau đó quyết tâm trở lại được. Nay thì yên chí lớn để quay trở lại Bệnh viện Hữu Nghị tiếp tục điều trị bằng hoocmon. Coi như đã vượt qua được cơn hiểm nghèo.
Bây giờ về lại Bệnh viện Hữu Nghị, tôi đã là „ma cũ“ rồi, chẳng còn gì phải bỡ ngỡ như trước đây nửa năm nữa. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi đến Khoa U bướu, sao mà lạ lẫm thế. Hơn nữa tôi là bệnh nhân trung thành của BVHNVX cơ mà, tham gia đóng bảo hiểm từ 1978 khi tôi bắt đầu làm „Phá“ Phòng Quang học VVL, VKHVN, kia mà!
Ôi những kỷ niệm xưa sao mà quý thế. Làm sao quên được những ngày tháng đó. Vừa sang Berlin năm trước thì năm sau ở trong nước hừng hừng khí thế „giải phóng“ Miền Nam, quân ta tiến như vũ bão, như „chẻ tre“. Nhớ thày König khi thấy tôi, chẳng hỏi „wie geht es mit der Untersuchung der DFG-Làm thí nghiệm tần số trừ đến đâu rồi?“ mà cứ lăm le: Bao giờ quân các ông tiến đến Sài Gòn?“. Thế mà nhanh thật, vèo cái đã đến 30.04.1975. Đâu đâu cũng có chúc mừng, tán tụng, hoa hoét…, mà mình có đóng góp gì, thơm lây của cả một dân tốc, cả một cuộc chiến hàng chục năm.
Lại nhớ Việt Nam thắng Mỹ 1975, Nga thắng Đức 1945, tôi tình cờ nói „..Việt Nam cũng từng thắng rồi gần như đồng hóa Chiêm Thành những thế kỷ trước, tức là một nền văn minh thua kém lại thắng một nền văn minh có trình độ cao hơn rất nhiều…“, thì ông bạn Dr. Bernd Voigt, đồng nghiệp cùng tuổi & cùng nhóm thản nhiên tiếp lời…“bình thường mà, trong lịch sử lòai người biết bao lần xảy ra như thế, dẫu cho là chẳng phải quy luật!“
Còn về chuyện đi dịch, sau „giải phóng“ Miền Nam, các đoàn liên tục từ trong nước được cử sang, tôi lu bù đi dịch, nhất là đã nổi tiếng ở VHLKH CHDC Đức về mặt dịch thuật thì tin đó lan rất nhanh nên Bộ Văn hóa..và nhiều cơ quan khác ở Berlin cũng lần lượt mời đi.
Thế là ngoài những lần dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệmUBKHXH Nguyễn Khánh Toàn mà tôi đã có lần kể, tôi còn có lần đi dịch cho Phó Chủ nhiệm UBKHXH Phạm Như Cương. Lúc đó vừa „giải phóng“ Sài Gòn xong, những thông tin từ đó hết sức nóng hổi.
Tôi nhớ mấy lần ông Cương được mời đi giảng giải tình hình ở đó, ở nhiều Viện KHXH&NV, vì lẽ CHDC Đức không như Việt Nam bắt chước Trung Quốc tách khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ra khỏi nhau. Ông Cương huyênh hoang: „Phương Tây nói chúng tôi sẽ cắt móng tay phụ nữ, cắt cổ tù binh… Nào có chuyện đó, chúng tôi sẽ đối xử hết sức nhân đạo với đồng bào mình…“ Cán bộ VHLKH CHDC Đức nghe xong rất khoái.
Nào ngờ chỉ ít lâu sau là đi học tập cải tạo, cả tướng tá và thậm chí các chuyên viên kinh tế, kỹ thuật, y tế …cũng không loại trừ, miễn là có dính dáng chính quyền cũ. Mà cả ông cậu ruột tôi NĐG, đại tá tỉnh trưởng Cần Thơ mà con cái – có người trong không quân lái cả máy bay chạy đi – giục đi, vì yêu nước và quá tự trọng nhất quyết không đi để sau này bố tôi phải vất vả can thiệp với Bộ Công An, chỉ đưa bà ngoại và mẹ tôi đi thăm đã khó và mãi sau 7 năm mới về lại Sài Gòn với mợ tôi được. Con cái đã chạy hết cả.. „thuyền nhân“, mà tôi cũng đã có dịp kể một lần trước.
Cũng nên kể một lần tôi có dịp dịch cho Lâm Tới và đoàn Văn Nghệ Giải phóng, hết sức thú vị vì phép tính cách Miền Nam rất phóng khoáng, tôi rất thích. Cả một ngày ở Xưởng phim DEFA, Potsdam cách Berlin cả gần 100 km.
Một lần khác đi dịch cho đoàn Cục Điện Ảnh dự Liên hoan Phim Tài liệu và Thời sự ở thành phố Leipzig cũng rất thú vị vì như đã nói, ngoài vật lý tôi còn đam mê nhiều thứ, nhất là điện ảnh thì đã đến thăm Xưởng phim DEFA từ khi còn nhỏ, và có đến hàng tuần làm việc ở Xưởng phim Hoạt hình Dresden.
Sau đó còn có đoạn đi thăm thú, tôi được đưa đoàn đến thăm thành phố Görlitz nằm ở đường biên giữa ba nước Đức, Ba Lan và Séc, hết sức thú vị, vì thành phố tuy nhỏ nhưng lại rất cổ kính và rất đẹp, độc đáo do có hương vị văn hóa và kiến trúc của 3 dân tộc.
Để tạm kết thúc phần hồi ký của bài này, xin đăng lại 2 bài tôi đã viết vào các năm 1995 và 2016, cũng mang tính tổng kết cuộc đời (vào thời điểm đó cho tôi). Có lẽ bạn đọc cũng quan tâm chăng?…
MỘT VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN VĂN HÓA – TRIÊT HỌC
Ở tuổi 52, nếu có thể gọi là đã chín về tuổi đời, sự nghiệp đã hình thành, cuộc sống gia đình đã tạm ổn dịnh, tôi đã có đôi chút thảnh thơï để suy nghĩ về những bước ngoặt, những sóng gió trong cuộc đời mình.
Dĩ nhiên ai cũng có những điểm dừng trong hàm liên tục của cuộc đời, một dòng chảy đầy thác ghềnh và mấy ai đã ví được dòng đời mình như dòng sông Elbe, Danub hay Seine hiền hoà.
Tôi cũng đã trải qua những thăng giáng trong cuộc đời ngắn mà dài của mình.
Cũng có thể là còn quá sớm để lấy một cái tích phân, làm một phép tổng để cộng trừ những cái mất cái được cho cuộc đời mình, vì cuộc đời là được mất song song, là sự chung sống của cặp mâu thuẫn này. Vả lại làm việc đó làm gì?
Tuy nhiên, để làm kim chỉ nam cho những năm tháng còn lại của cuộc đời, ngắn lắm nhưng cũng có thể dài lắm – thì việc nhìn lại những trải nghiệm đã qua là hết sức quan trọng, vì không có gì quý bằng kinh nghiệm sống, và kinh nghiệm sống thì không thể học ở bất cứ trường nào được, mà chỉ có chính mình sống, chính mình trải qua thì mới có thể đúc kết lại được.
Trước khi cho phép mình được nghỉ ngơi – cũng có thể lúc nào đó tạo hóa bắt mình phải nghỉ ngơi – tôi muốn được làm một việc gì đó có ích cho những năm tháng còn lại. Tôi cho rằng thời gian còn lại quá ít – dù còn ít, và chính vì còn ít như vậy nên mới quí, tôi vẫn cho rằng đó là những ngày quan trọng nhất của tôi, khi tôi đã khẳng định về nghiệp của mình, và sẵn sàng “tử” vì nó. Chỉ có những người say mê, hết mình vì nghề nghiệp mới có thể nói câu đó.
Tôi càng phải nói điều đó khi mà sinh viên các trường đại học đổ xô đi học tin học, kinh tế… và không còn sinh viên nào còn muốn học vật lý nữa. Phải chăng những năm tháng ở Maxim-Gorki-Heim, sau đó về Jugendwohnheim “Mitsos Paparicas”, đã trước tiên cho tôi niềm say mê ngôn ngữ Đức, rồi mới đến yêu vật lý, vì làm sao nói đến vật lý mà lại không biết ngôn từ của Einstein, của Schrödinger, của Max Planck?
Vì nếu những năm tháng ở Đức là thời gian đi học, thời gian nhận, thì đối với tôi, nay là thời gian dạy, thời gian cho ở đời, dù cho đó là hai việc song song, rất khó phân rạch ròi được…
… Đã 32 năm trôi qua từ khi tôi chính thức đi học vật lý ở Trường Đại học Tổng hợp Hà nội. Nhưng trước đó, vào những năm cuối của thập niên 50, đồng thời với việc cùng một người bạn rất thân ganh đua nhau đọc các tác phẩm kinh điển văn học bằng tiếng Đức, tôi cũng đã bắt đầu say mê đọc để hiểu nguyên tử là gì? Cơ sở của thuyết tương đối, thuyết lượng tử là sao? Vậy cái cơ sở cho niềm say mê, tác phong làm việc khoa học, sự chăm chú tới sách vở đó là ở đâu?
Chính là 6 năm ở Dresden – trước tiên ở Maxim-Gorki-Heim rồi sau đó chuyển về ở Schillerstraße, gần Körnerplatz và Blaues Wunder – nhờ các thày cô Tea và Werner Reinhardt, Piroch, Sinner, Lossin… ở các trường này mà tôi đã đi vào con đường khoa học. 40 năm trôi qua, ngày nay tôi đã trưởng thành về mặt học thuật, đã từng nhiều lần đi làm việc ở Đức, ở Pháp, đã hai lần đi dạy ở các trường đại học Algérie, tham gia giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà nội và săp tới sẽ tham gia giảng dạy cao học ở Đại học Tổng hợp Huế. Nếu chỉ nói với thày cô lời cám ơn của mình tôi nghĩ có lẽ chưa đủ.
Dĩ nhiên cái tác phong rất “Đức” đó làm chúng tôi, những người đã đi học ở Đức dưới bất cứ hình thức nào: công nhân chuyên nghiệp, học sinh, sinh viên, thực tâp sinh, nghiên cứu sinh… – bất cứ ai đã thấm được vào người ngôn ngữ Đức, văn hóa Đức… đều trở thành những con người thẳng thắn, trung thực, chính xác, cẩn thận, nghiêm túc khoa học…, khác biệt với những người Việt Nam khác và khác ngay với những người tuy cũng đi học và làm việc ở nước ngoài, nhưng là ở Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Quốc, hay Irắc, Algérie hay thậm chí châu Âu như Nga, Pháp, Ba Lan, Tiệp, Rumani…
Nếu nói thế hệ bố mẹ chúng tôi – 350 người đã học từ nhỏ ở Đức – đã hấp thụ văn hóa Pháp và đặc biệt hơn là chỉ kể riêng các ông bố của số s6 mườí người ở lớp toán 9 Maxim Gorki Heim chúng tôi – đã hội tụ các nhà trí thức đại diện cho văn hóa Việt Nam mang dấu ấn văn hoá Pháp như các nhà văn hóa tư tưởng: nhà sử học Lê Tư Lành, nhà triết học Trương Tửu, nhà thơ Phạm Huy Thông, các nhà văn Bùi Hiển, Lương Văn Cúc, nhà phê bình văn học Nguyễn Lương Ngọc, nhà y học Hoàng Sử, bác sĩ Vũ Kim Vinh, nhà vật lý hoc Ngụy Như Kon Turn, họa sĩ Lê Quốc Lộc, luật sư Đỗ Xuân Sảng… Họ là những trí thức Việt Nam đã làm cái cầu cho mối giao lưu văn hoá Việt-Pháp phát triển.
Thì ở thế hệ chúng tôi, 350 người này cũng tự hào là đã được đi học ở Đức từ lúc còn ở tuổi thiếu niên, đã được tắm mình trong ngôn ngữ và văn hoá Đức.
Chúng tôi tự hào là những người đóng góp phần nhỏ bé của mình cùng với hàng vạn người đã được học, làm việc và sống ở Đức, làm cho nền ván hoá Việt Nam cũng có mang một dấu ấn của nền văn hóa Đức. Đây là qui cách chung của văn hóa thế giới trong thời đại bùng nổ thông tin này, khi mà với một cái ăngten cực nhỏ người ta cũng có thể bắt được hàng chục kênh TV khác nhau của các nước khác nhau, khi mà chỉ trong ít giờ, người ta có thể đến bất kỳ điểm nào trên Trái Đất.
Ba trăm năm mươi người chúng tôi công tác trên tât cả các lĩnh vực văn hóa và kinh tế của đất nước, trên tât cả các vùng của đất nước này. Bạn đọc chỉ cần lướt qua phần giới thiệu chức danh của riêng 18 người lớp chúng tôi đã thấy chúng tôi đã đại diện cho khá đủ các lĩnh vực văn hoá – xã hội, kinh tế, công nghiệp, quản lý nhà nước, văn hóa, quân sự, khoa học – công nghệ, hội họa, âm nhạc…
Cùng với thế hệ các đàn anh của chúng tôi: các nhà y sinh học Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Đức Trạch, các nhà hoá học Nguyễn Quỳ, Châu Diệu Ái, Phan Tông Sơn, Đào Đình Thức, Nguyễn Hữu Khôi… chúng tôi đã và sẽ góp phần không nhỏ cùủa mình vào sự nghiệp phát triển ngành mình đang hoạt động. Đồng thời với vốn hiểu biết sẵn có về văn hóa, ngôn ngữ Đức, chúng tôi đã truyền bá và giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam của mình có thêm hiểu biết về nước Đức văn minh có lịch sử, văn hóa lâu đời và hiện tại có nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cực kỳ tiền tiến.
Mặt khác chúng tôi, qua thời gian học tập ở Đức và lại liên tục sang Đức công tác, cũng làm cho bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân Đức nói chung hiểu biết thêm về Việt Nam, về một dân tộc ở xa Đức hàng vạn dặm, có phong tục tập quán văn hóa và ngôn ngữ rất khác Đức nhưng cũng có nhiều phẩm chất đáng để cho bạn bè quan tâm và kính trọng.
Một đặc điểm nổi bật của lứa chúng tôi – những lưu học sinh học ở Moritzburg và Dresde- Việt n – đó là các thiếu nhi Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh Đức ngữ ngay từ đầu và trưởng thành trong môi trường văn hóa Đức – Việt. Chắc chắn đấy là một đề tài lý thú cho nhiều nhà dân tộc học, xã hội học… như Mariam Freytay, Dr. Hans Haubenschild.
Trước đây đã có sự giao lưu Pháp – Việt. Chắc chắn sắp tới đó là sự giao lưu Mỹ – Việt, Anh – Việt, Úc – Việt. Mối giao lưu Đức- Việt đã, đang và sẽ phát triển, trong đó có sự đóng góp của chúng tôi.
Tuy là các trí thức Việt Nam với đầy đủ phép tính cách và phong thái của nó, nhưng những dấu ấn của văn minh Đức cũng đã in đậm trong phong cách làm việc và tư duy của chúng tôi.
Bây giờ ở lứa tuổi đã chín chắn, chúng tôi càng thấy quý giá những gì đã thu được nhận ở nước Đức.
Chúng tôi không tách rời bất cứ thành công nào trong sự nghiệp với những năm tháng đã học tập và làm việc ở Đức.
Vì chính là ở nước Đức, chúng tôi đã thành người với đầy đủ cái nghĩa của nó.
Ngụy Hữu Tâm
Sài Gòn 12/1995
Hà Nội 01/1996
(trích từ „Kỷ niệm 40 năm Việt Nam đến hai trường Moritzburg và Maxim Gorki Heim, Dresden“, ấn phẩm ra năm 1996)
*****
CẢM NGHĨ MÙA XUÂN
Ngụy Hữu Tâm
Tôi nói Cảm nghĩ mùa xuân vì muốn ôn lại những năm tháng đẹp nhất cuộc đời mình. Chứ thực ra bây giờ đang mùa thu Hà Nội nắng vàng, và với đời tôi có lẽ cuối đông rồi, chẳng mấy lúc mà được sang thế giới bên kia. Nếu ví cuộc đời con người với thời khắc một năm thì mùa xuân là tuổi trẻ, những năm tháng đẹp nhất trong đời. Trước đây 60 năm, chúng tôi là những đứa bé giữa 10-15 tuổi đang háo hức học hỏi, tìm kiếm để biết đời là gì? Tôi đang học lớp 5G trường Phổ thông 3, bây giờ là trường Phổ thông Trung học Việt – Đức ngay giữa trung tâm Hà Nội, đến hè thì bố bảo có đi học Đức không, sướng quá còn gì
Thế là sang Đức học. Sau 3 năm tại trường nội trú “Maxim Gorki Heim”*) tai thành phố Dresden, từ lớp 6 đến hết lớp 8 với các cô thày Tea và Werner Reinhardt, Hanke, Hinke, Koppratsch, Grabowski.., các Erzieher Piroch, Sinner, Hempel, Lossin… với giám đốc Krause. Nhưng Đức theo hệ 12 năm thì như thế mới hết cấp 2, hè 1959 về nghỉ để rồi tiếp tục 3 năm nữa cũng tại Dresden, nhưng không phải trường phổ thông mà là trường dạy nghề: Betriebsberufsschule des VEB Kamera- und Kinowerke Dresden. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Facharbeiter – công nhân chuyên nghiệp ngành cơ
__________________________
*) Thực ra nhóm chúng tôi gồm 350 thiếu niên Việt Nam đầu tiên sang Đông Đức vào hè các năm 1955-56, một người Đức nay gọi chung là Moritzburger vì nhóm đầu tiên 150 người sang 1955 được nội trú tại trường nội trú Käthe-Kollwitz-Heim tại làng Moritzburg ở cách thành phố Dresden 16 km. Nhóm 200 người chúng tôi sang sau được nội trú tại trường nội trú “Maxim Gorki Heim” ngay tại thành phố Dresden như nói ở đây.
khí chính xác 5/8, về Hà Nôi tôi được phân về Ủy ban Khoa học Nhà nước, ở Viện mới thành lập là Viện Đo lường và Tiêu chuẩn. Viện mới thành lập, chúng tôi có làm được gì nhiều cho cam, nhớ có các “sếp” là các anh Viện phó Lê Tâm quá nổi tiếng vì từng học École des Ponts et Chausseés Paris, rồi Cục trưởng Quân giới Nam Bộ, rồi Chủ nhiệm Khoa Xây dựng Đai học Bách khoa, và anh Võ Hồng Thanh, cựu trung tá quân đội. Còn các anh thế hệ đàn anh vừa tốt nghiệp kỹ sư khóa 1 Đại học Bách Khoa như anh Nhuận, Nhị,.. Lý Tổng hợp như các anh Chung, Hồ, Kính, Long… Tôi về Nhóm Quang làm việc với anh Nhị và chị Mộng Hà. Tôi chỉ còn nhớ có mấy tháng cùng chị Hà xuống thực tập ở Nhóm Đo lường thuộc Nhà máy Cơ khí Hà Nội do Liên Xô mới xây dựng, rồi về tham gia lắp những máy đo quang học đầu tiên, tôi nhớ nhất là máy so chuẩn bằng phương pháp giao thoa. Với tôi rất may mắn là hồi học cơ khi ở Dresden tôi có được thực tập lắp Zeitlupe-zoom thời gian, nay quá ư đơn giản với công nghệ điện tử, nhưng thời đó gian nan thế nào, nhưng nó cho tôi đam mê vật lý, điều mà tôi phải cám ơn cuộc đời cho tôi theo đuổi ngành này. Rồi các anh chị đi thực tập Đức, chúng tôi lại có dịp giúp các anh các chị. Đông thời chúng tôi theo lớp học buổi tối, thế là trong 2 năm tôi học hết phổ thông để tháng 9/1964 vào học Lý, Đại học Tổng hợp, ngành mình say mê.
Tốt nghiệp vật lý đại học THHN cuối 68, dĩ nhiên tôi về lại Ủy ban Khoa học Nhà nước, nhưng lần này về Nhóm Vật lý của Viện Khoa học Tự nhiên đang sắp thành lập, cùng lứa với các anh Minh, Khôi… sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo khoa học nước nhà. Vì vẫn trung thành với ngành Quang, tôi về Phòng Quang phổ, rồi vì trong ngành này laser đang phát triển, tháng 4/1974, tôi lại được đi làm nghiên cứu sinh ở Zentralinstitut für Optik und Spektroskopie, Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức ở Adlershof, Đông Berlin. ,
Đầu 1978 tốt nghiệp TS của ĐHTH Humboldt, Berlin, tôi về lại Viện Vật lý, nơi tôi vốn ra đi khi đang làm cán bộ nghiên cứu tại đó. Trong thời gian này, tôi có may mắn nhiều lần trở lại Đức nên một mặt đỡ quên tiếng Đức, lại có dịp qua thực tập tại Laboratoire de Spectroscopie Moléculaire d’Orsay, Université Paris-Sud để dùng tiếng Pháp tàm tạm. Để 10 năm sau, 1988, tôi lại có dịp đi dạy học tại các trường Đại học ở các thành phố Constantine và Tiaret bên Algérie tận châu Phi, may mắn cũng biết thêm được một dân tộc, một nền văn hóa mà thời nay lại đặc biệt quan trọng là Hồi Giáo… Bắc Phi.
Đầu 1995 từ Paris về nước, tôi về lại Viện Vật lý, bây giờ đã hẫng hụt với nghiên cứu khoa học, cũng tự thấy mình không có nhiều năng khiếu về giảng dạy. Nên tôi chuyển qua làm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, dịch thuật và viết lách tý chút cho báo chí và nhà xuất bản khi buồn, thế mà ngót nghét đến nay cũng đã 20 năm tròn rồi. Vì sức khỏe còn cho phép mà những công việc này cũng không tốn sức cho lắm nên vẫn lai rai tiếp tục được và vì cũng đã có đôi chút kinh nghiệm, nên khi vào mùa du lịch vẫn còn có công ty lữ hành nhớ đến mình và các nhà xuất bản vẫn hợp tác ra sách. Ở tuổi này, tôi tạm nghĩ không thể kỳ vọng hơn thế.
Xét cho cùng, tất cả những gì tôi đã học được, những bằng cấp mà không phải ngẫu nhiên kiếm được, và trên hết là những kiến thức và những trải nghiệm mà bấy nhiêu năm
mình thu được, sẽ là gì nếu không có 6 năm ở Dresden đó. Lại nói về 3 năm đầu học tiếng Đức, nếu không được thầy cô dạy một cách cơ bản, chính xác, đúng phương pháp sư phạm như thế thì làm sao sau 12 năm tôi mới có dịp trở lại nước Đức mà vẫn dùng thoải mái như thế, nhất là tiếng Đức không phải tiếng dễ học vì ngữ pháp khá là phức tạp, phát âm lại “xì xồ nhiều” vì có nhiều âm gió. Và có lẽ trên hết, những năm tháng đó đã để lại một dấu ấn quá đậm trong tôi nên cho đến bây giờ là đã 2 năm vào tuổi “cổ lai hy xưa nay hiếm” rồi mà mình không chỉ không quên và vẫn thấy nó sống động như vừa mới xảy ra… hôm qua. Không chỉ ngôn ngữ, mà ngôn ngữ gắn liền với văn hóa rồi, tôi nghĩ cả cái tác phong kỷ luật, lối sống cần cù, tiết kiệm đó đã ăn sâu để cho đến nay, tôi vẫn luôn thực hành và tự hào về nó. Nếu được kể về quê hương thứ hai của mình thì tôi không chần chừ gì mà không kể nước Đức, dẫu cho cũng còn mấy nước mà mình cũng đã ở dăm ba năm cả rồi. Nếu được phép làm lại cuộc đời thì tôi cũng không ngần ngại mà nói, trước hết làm người Việt, nhưng kế ngay sau đó, có khi ngay sát đó, là nước Đức.
Nhưng lại cũng phải nói về may mắn. Mình đã có quá nhiều cơ may mà chuyến đi Đức đó là sự khởi đầu rất may mắn. Sau này còn nhiều may mắn nữa, đi Pháp, đi Algérie, rôi tiếp tục … Nhung cũng có nhiều bạn bè không có may mắn như mình mà tôi xin phép không nêu ở đây. Có lẽ để kể kỷ niệm sâu sắc nhất, có giá trị nhất với cả cuộc đời tôi thì đó là: 1. Những đêm chong đèn đọc “Faust“, „Die Leiden des jungen Werthers’’, „Der Leidensweg“,“Krieg und Frieden”,… cùng với bạn Thọ ở Jugendwohnheim Mitsos Papparikas, Schillerstr. 4, ngay sát Standseilbahn lên Luisenhof. 2. Thời gian thực tập lắp Zeitlupe-zoom. 3. Học nghề cơ khí.
Bởi lẽ có 2 thì tôi mới có say mê học vật lý và theo đuổi nó để thành nghề nghiệp cho đến khi về hưu. Có 1 để có say mê ngôn ngữ nói chung và văn học nói riêng để sau khi về hưu vẫn say mê làm việc và vì vậy mới có việc làm chứ ở tuổi “xưa nay hiếm” lẽ ra mấy ai còn thích làm việc và được giao việc, về 3. tôi phải nhắc lại kỷ niệm dạy học ở Tiaret. Đây là một trường nhỏ ở xứ mà chúng tôi hay gọi đùa là “Mù cang chải” vì vùng núi heo hút nước bạn. Trường đủ giáo viên vật lý nên 3 giáo viên chúng tôi là thừa, chạy đi khắp Algérie không tìm được việc, mà về thì… chết. Bạn gợi ý có dạy được vẽ kỹ thuật cho sinh viên đại học kỹ thuật không? Tôi nhận lời vì may quá vốn đã có học vẽ kỹ thuật khi học nghề ở Dresden chứ không thì sờ vào mấy cuốn sách của Pháp bạn đang có ở thư viện thì cũng ngán lắm đây!
Chỉ cần nêu 3 kỷ niệm đó, đã thấy những năm tháng sống ở Đức thời nhỏ quý giá và vì vậy để lại dấu ấn cho cuộc đời tôi như thế nào! 60 năm sao đi nhanh thế, nhưng 60 năm ấy lại để dấu ấn cho cả cuộc đời mà nay đang đi chặng cuối dù bao nhiêu kỷ niệm khác xen lẫn vào, vẫn không bao giờ phai nhạt!
Ngụy Hữu Tâm
(Cựu HS Toán 9 – MGH)
(trích từ cuốn sách
„Ban Liên lạc và tổ chức Kỷ niệm năm Việt Nam đến trường Maxim Gorki Heim, Dresden
Một thời để nhớ
Nhà xuất bản Dân Trí “, Hà Nội 2016)
Xin như thường lệ, để kết thúc, giới thiệu những bài báo trên 4 tờ Spiegel, số từ 21 đến 24, mới về Viện Gớt Hà Nội, mà thời gian vừa qua tôi đã được đọc: Số 21 mới ghê răng làm sao với cover-tờ bìa các chân dung những siêu giàu thế giới và tiêu đề: Die Gesetzlosen-những kẻ chẳng hề theo luật, thế giới phong kiến chủ nghĩa của những kẻ siêu giàu. Trong bài dài 10 trang theo chủ đề chính là giàu: cuộc sống điên loạn của những kẻ siêu giàu – và mưu mẹo để chúng tự vệ và nghèo: giá cả tăng vọt, an sinh cơ bản không còn đủ cho sự tồn tại tối thiểu.
Sao báo chí nước ngoài hay thế, nói trúng ý người đọc thời hậu covid, còn ở nước ta, có chỉ dẫn của Ban Tuyên giáo TW, sao cứ như những con vẹt, nói những chuyện tào lao?
Mà là có số liệu cụ thể: nhóm nhỏ những siêu giàu càng ngày càng tập trung được những tư hữu lớn hơn. 520000 người giàu nhất thế giới (có bao nhiêu người Việt, chắc cũng lên hàng chục rồi?) đã chiếm hơn phần mười của cải của toàn cầu. Sao có thể bất công đến thế? Chỉ gần đây mới công khai xuất hiện trên công luận, nhưng những xe hơi, tàu du lịch, lâu đài, khu đất sang trọng… đã hé lộ, giới siêu giàu đã khéo léo cướp tài sản và che dấu chúng thế nào ở những ngân hàng kín, ở những hòn đảo xa vắng…
2668 tỷ phú có hơn 12 ngàn tỷ Đôla, nếu cộng thêm tất cả các triệu phú vào thì chúng có 165 triệu tỷ Ơrô, gấp gần 50 lần sản phẩm quốc nội CHLB Đức.
Nay thi các nhà báo phát hiện ra được các dữ liệu thuế vốn được giấu hết sức kín của giới siêu giàu. Và rõ ràng là, chúng hầu như chẳng nộp thuế. Giữa 2014 và 2018, Elon Musk, 218 tỷ USD, giàu nhất thế giới, chỉ nộp 3,3% thuế. Jeff Bezos, 133 tỷ USD, giàu thứ 4 thế giới, thậm chí chỉ nộp …con số nực cười là 0,9% thuế, còn Michael Bloomberg, 88 tỷ USD, cũng chỉ 1,3% thuế. Không lạ khi các thành phố lớn thế giới luôn tắc đường, trong khi trên trời… tắc nghẽn vì máy bay trực thăng các siêu giàu đi mua sắm, về nhà nghỉ hay đi ăn tối. Chưa nói tới các oligarch của các nước độc tài cướp đất hay các tài nguyên khác của nước nơi chúng sinh ra. Chỉ xem giới siêu giàu Nga hay Trung Quốc là rõ. Việt Nam chưa được các nhà báo của tờ Spiegel nhăc tới.
Trong khi giới trung lưu kêu về giá xăng dàu, nhà đất hay chung cư thì giới siêu giàu kêu thiếu nơi neo đậu cho thuyền du lịch ở các cảng tàu nghỉ mát nằm giữa Monaco và Cannes ở Địa Trung Hải cho giới siêu giàu thế giới. Trong lúc người lương thấp vùng quanh San Francisco kêu không mua được nhà thì ông chủ fb Mark Zuckerberg một lúc mua luôn 10 tòa nhà. Năm 2019 ở Silicon-Valley, chỉ sau 6 lượt bán chứng khoán lớn nhất, một lúc sinh ra 6 ngàn triệu phú mới, chỉ nửa tá công ty này chia nhau 230 tỷ Đô. Thế nên 200 kinh tế và luật gia hàng đầu Mỹ gửi thư ngỏ yêu cầu đưa mức thuế mới cho các siêu giàu vào luật. Các nước khối EU và OECD cũng đang mạnh mẽ xúc tiến vấn đề này. Đầy là các nước dân chủ đã có nền luật pháp chắc chắn chức các nước độc tài đang còn phải đấu tranh mệt mỏi với tham nhũng và thực thi luật pháp và những vấn đề …chưa được nêu thành luật.
Vấn đề nghèo khó được số này nêu trong 2 trang, xin miễn nhắc lại.
Về mặt địa chính trị, ở cuộc phỏng vấn 2 trang, Norbert Röttgen-chính trị gia đối ngoại của Đảng CDU phê phán chính sách sai lầm của đảng ông (gián tiếp thời Merkel) đối với Nga, mức sống giảm đang đe dọa nội tình và nêu ý tưởng mở rộng EU sang phía đông.
Còn về nội tình nước Đức, có vài bài nói về giới siêu giàu Đức và tài che giấu của cải của họ, những kẻ đạo đức giả.
Nhưng nhìn chung, người dân có vẻ hài lòng với chính phủ mới, ít nhất theo số liệu công khai ở bài Team Leidenschaft-Đam mê làm việc nhóm, dài 4 trang.
Số 23 đặc biệt kêu ca về cái vé 9 Ơ đi khắp nước Đức bằng xe lửa, kể cả tàu cao tốc lẫn tàu chợ vào dịp cuối tuần mà Bộ Giao thông nước này đưa vào thử nghiệm nhân dịp hè hậu covid. Bài báo nói đây sẽ là sự hỗn loạn cho ngành giao thông đất nước. Chỉ có công khai và cởi mở như thế mới hòng giảm thiểu ách tắc chứ ở nước độc tài như nước ta hy vọng gì với Bộ trưởng NV Thể, người được Đảng cử chứ dân nào bầu?
Còn có bài rất hay về Cảnh sát Thụy Sĩ phải hết hơi lo bảo vệ tính mạng cho Boris Bondarew, cố vấn Đại sứ Nga tại nước này, khi ông này lên tiếng công khai phê phán các chính sách của Điện Cremlin và nhất là cuộc xâm lăng Ucraina.
Số 24 chủ yếu nói về tình hình nội bộ nước Đức là chính. Chính phủ mới, liên hiệp Đèn Đỏ, nói tới cuộc thay đổi trong chính sách, nhưng hóa ra chỉ là những lời nói suông. Ucraina thiếu vũ khí hạng nặng khi luật cung cấp vũ khí Đức lẽ ra phải chặt chẽ hơn, nhưng thế thì đâu ra „màu“ cho giới sản xuất vũ khí, một trong những sức mạnh lớn nhất của nền công nghiệp Đức là công nghiệp chế tạo máy, và ngay sát đó là ở công nghiệp hóa chất – cho chất nổ trong một cuộc chiến tranh thông thường, khi chưa là chiến tranh hạt nhân như chiến tranh Ucraina-Nga hiện nay?
Chính vì thế mà chính phủ CHLB Đức vẫn giấu kín trước công luận là trong tương lai, nước này sẽ bán vũ khí hạng nặng cho những nước nào. Năm 2001 khi tôi sang ở thành phố cảng Kiel ba tháng, tôi đã chứng kiễn xe ăng chạy rầm rập trên đất, còn trước mắt là cảng (nước sâu, chắc chắn chẳng thua Cam Ranh của Việt Nam) với công nghiệp đóng tàu ngầm thì các tàu ngầm nổi trên mặt nước hầu như hàng ngày!
Thế nên ở số này, bài dài 2 trang Gute Waffen, böse Waffen rất đáng xem. Nó cho số liệu cụ thể con số bằng tỷ Ơ và tỷ lệ xuất khẩu vũ khí của Đức cho các nước thuộc NATO và các nước thứ ba ngang với NATO. Xinn trích ra đây con số mà chắc chắn bạn đọc sẽ quan tâm: Ai Cập 4339, Hoa Kỳ, 1014, Hà Lan 821, Singapor 630, Australia bảo đảm, Anh 226, Nam Hàn 186 (triệu Ơ), còn về mặt tỷ lệ thì từ 2010 đến 2021, so nước thứ ba với NATO thì từ một phần ba, sau 11 năm, vai trò đã đảo ngược. Bạn đọc có thể tưởng tượng ra ngay, chính phủ liên minh Đèn Đỏ của Olaf Scholz phải xoay trục thế nào?
Ở đây bài rất hay là bài Nỗi sợ hãi trước sai lầm, phê phán trực tiếp cả Merkel và Scholz (luôn hiện diện, ngày càng cao trong chính phủ) những yếu kém đôi nội và đối ngoại 16 năm qua và nói, khi Merkel (vừa có phát biểu công khai) phủ nhận những sai lầm (ai chẳng mắc, trừ khi là Bụt hay nằm im không hoạt động thì cũng thế) chỉ có hại cho chính bà và cho nền dân chủ. Sao ở phương Tây và ở các nước dân chủ có thể hay thế được nhỉ. Còn ở các nước độc tài có nằm mơ cũng sẽ chẳng thấy, buồn thay!
Thể hiện rõ ràng nhất của sai lầm này là mối liên hệ với Nga, mà Đại sứ Ucraina tại Đức Andrij Melnyk nay phải thừa nhận, 16 năm qua nước ông „gần như mù quáng tin vào“ Merkel.
Thế cho nên bài hay nhất ở số này là Widerwillige Weltmacht-Siêu cường miễn cưỡng, dài 8 trang.
Thời gian vừa qua, CHLB Đức quên mất vai trò này vì quá dựa vào Hoa Kỳ và để cho Nga và Tàu qua mặt. Theo tôi, Merkel đã bị Putin và Tập lừa! Chiến tranh Nga-Ucraina làm tất cả thế giới sáng mắt ra, nhưng trước tiên là Đức! Chủ nghĩa cộng sản nói chung và chủ nghĩa đế quốc Nga và Tàu nói riêng! Tôi sợ còn rất, rất lâu nữa, dân hai nước này mới thoát khỏi được giấc mộng bá chủ thế giới.
Số tôi hết sức quan tâm là số 22 (xem hình minh họa) với trang bìa là bộ mặt phèn phẹt của họ Tập một bên, bên kia là những cảnh khủng bố rùng rợn người dân Tân Cương và lời bình: Nhà nước nhục hình Đối tác khủng khiếp của nước Đức Chúng ta đã tự phó mặc mình cho Bắc Kinh như thế nào.
Một bài tự phê không thể hay hơn, mang tính mẫu mực cho nền báo chí tự do dân chủ mà các nhà báo „quốc doanh“ của không một nước độc tài nào trên thế giới, từ Nga qua Tàu, đến Bắc Hàn, Cuba hay Việt Nam dám mơ viết được qua hệ thống kiểm duyệt ngặt nghèo của Ban Tuyên giáo cùng sự tự kiểm duyệt chặt chẽ để chính mình hay „sếp“ của mình bị bộ máy công an trị nghiền nát.
Đấy là một chuỗi các bài trên 15 trang khổ lớn
Khoe sức mạnh Những sự tiết lộ về các cuộc tra tấn cho thấy người Trung Quốc (của họ Tập) hành động vô lương tâm đến thế nào Đã đến lúc chúng ta phải đương đầu lại họ – chừng nào mà chúng ta còn có thể
Dẫu cho phương Tây có thể là đã sáng tạo ra chủ nghĩa tư bản, thế nhưng nước Cộng hòa Nhân dân (Trung Hoa) lại tạo dấu ấn cho hiện tại và tương lai của nó với tế bào accu cho xe hơi điện, với chip máy tính, bộ test nhanh corona, hầu như tất cả. Giá trị nhập khẩu của CHLB Đức từ Trung Quốc kể từ 2009 tăng hơn hai lần.
Hai thập niên, cứ tưởng như các mối liên hệ của Đức với Trung Quốc chỉ mang lợi (một phía). Các công ty Đức như VW, Bosch hay Siemens có thể sản xuất rẻ ở đấy mà bán ra đắt. Người tiêu dùng vui sướng vì giá hạ: giá một chiếc TV năm 2021 chỉ bằng nửa năm 2015.
Vậy người Đức có liên quan gì đến việc ở xa hàng ngàn cây số, ở một miền xa vắng có tên là Tân Cương, hàng ngàn người Hồi giáo bị bỏ tù, đưa vào trại cải tạo?
Hay quá cái nền đạo đức Tin lành.
Bị rơi vào cái bẫy Từ nhiều thập niên nước Đức chỉ hưởng lợi từ cuộc làm ăn với nền độc tài Trung Quốc – bây giờ thì nền kinh tế còn phụ thuộc vào Bắc Kinh nhiều hơn là vào Moscow. Những sự tiết lộ mới đây về các cuộc tra tấn đặt nền chính trị, các công ty và toàn bộ xã hội trước những câu hỏi mang tính cơ bản: chúng ta cam chịu những tội phạm nào cho nền thịnh vượng (của chúng ta)? Và những nguy cơ nào đang rình rập? Không có một nước nào thuộc khối EU lại gắn kết với Trung Quốc như nước CHLB Đức. Kể từ khi Tập lên nắm quyền thì nước này đã bị rắn hơn nhiều. Thế nhưng đối với nhiều doanh nghiệp Đức thì Trung Quốc lại là hình mẫu chính trị. Những nhà tù và các trại cải tạo Trung Quốc chẳng khác gì gulag thời Liên Xô.
Ein Eremit der Daten-Một nhà tu hành ở ẩn về các dữ liệu Nhà nghiên cứu Adrian Zenz hầu như một mình phát hiện ra các tội phạm về quyền con người của Trung cộng tại Tân Cương.
Vốn là nhà Hán học ở một trường đại học Đức (Đại học Thiên Chúa giáo Stuttgart), ngày nay Adrian Zenz, đồng thời là chuyên gia IT, là chuyên gia về các tội phạm của nhà nước Trung cộng và bị họ coi là „tên cực đoan cánh hữu người Đức“, năm 2021 bị coi là kẻ thù nhà nước và bị đưa vào danh sách bị trừng phạt.
Tội lớn nhất của Trung cộng mà ông phát hiện ra là không cho dân tộc này sinh con. Trên những số liệu cụ thể, ông đã chứng minh được điều đó và dĩ nhiên, tội đó là tội diệt chủng và chính phủ Trung Quốc cứng lưỡi trên trường quốc tế.
Bị giam hãm ở Urumqui Dẫu bị Quốc tế lên án, hãng xe hơi Đức Volkswagen vẫn cho một nhà máy hoạt động tại trung tâm khu vực bất ổn Tân Cương. Nhà máy này càng ngày càng trở nên nguy cơ lớn cho hãng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu. Năm 2021 sản xuất 3,3 triệu xe ở Trung Quốc. Trên toàn thế giới con số ấy là 8,9 triệu.