Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào ngày 15.06. Sáng nay chúng tôi có cuộc gặp mặt anh chị em Phòng Quang học VVL cũ, sau ba năm Covid tại Quán Bánh Tôm Hồ Tây, từ 9h đến trưa, tha hồ hàn huyên sau mấy năm không gặp. Đến dự được 9 người: TT Tâm, TT Đức, Vinh, Mai, Loan, Huệ, Trung, Hà và tôi. Rất hay là cô bạn L đã chăm chỉ chụp ảnh đưa lên facebook của nhóm cán bộ VVL cũ mà cô mới mở, trước đây (không nhớ kỹ, có lẽ đến trên chục năm rồi chăng, nếu thích, nhờ ông con tìm ra ngay thoi, chính mình làm có thể cũng được nhưng chắc chắn mất nhiều thời gian, m’en fout, tiếng Pháp giả cầy, chỉ nhớ mang máng cách đọc chứ cách viết quên rồi, N.H.T.) tôi tuy mở 2 tài khoản trên đó nhưng hầu như chẳng bao giờ mở sau khoảng thời gian chắc chắn không được một quý. Bây giờ đã có 5 trên 6 cô vừa gặp hôm rồi tham gia, thêm tôi nữa là đấy, hy vọng sắp tới có thêm các bạn bè cũ nguyên cán bộ VVL tham gia chứ tôi là người không kiên nhẫn, chẳng biết sẽ tham gia bao lâu chứ năm thì mười họa mới mở chứ đừng nói hầu như không có bài ở đó, viết comment còn lười nữa là thì sao gọi được là tham gia?
Nhưng cũng may tất cả 9 người chúng tôi đã kết nối zalo với nhau nên cũng tiện khi cần trao đổi. Người ta gọi VKHVN là ‚vườn trẻ TW’ cũng đúng, tôi cứ ngờ ngợ, nay hóa ra TTT cũng có bố nằm trên Mai Dịch, cụ TQK, cả một thời nông nổi nay đã qua, ơn Trời!
Còn nói lại chuyện làm Hồi ký này, may quá VNTB in cho nên cũng có modifier chút đỉnh, biến nó thành gần như nhật ký và thêm mục điểm báo, mong bạn đọc thông cảm cho nhé. Thế mới kéo dài được (bao lâu có Trời biết, chừng nào còn sống và còn minh mẫn còn viết, nhất là khi Tàu cộng và V.C. còn đó, N.H.T.).
Lại nói thời gian làm TS ở Berlin. Phải nói tôi làm khoa học nửa vời, trong thâm tâm cũng biết khoa học Việt Nam biết bao giờ phát triển được, đâu phải trách nhiệm của mình, mình đâu phải ‚sếp’ H. nên dành nhiều thời gian để biết các vấn đề văn hóa chứ không chỉ khoa học, chưa nói cũng đi xăm xoi mua hàng về Việt Nam, tôi rất chăm theo dõi các buổi hòa nhạc của các nước ‚anh em’ tổ chức ở trung tâm Berlin, nhiều khi đi bộ đến nghe vì như đã nói, tôi ở Fischerinsel cơ mà! Bởi thế có quen một anh bạn trẻ, nhà kinh tế học, bọn tôi có lần nhân ngày chủ nhật mua thức ăn ra nhà nghỉ của cơ quan họ ven hồ nghỉ mà.
Tôi cũng chăm theo dõi các đĩa hát mới ra và có đặt mua nên bây giờ mới còn sở hữu ~100 đĩa than, cũng đáng nể đấy chứ? Đời mà không có âm nhạc hay văn học nghệ thuật nói chung thì chán chết!
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 78, cậu con tổ chức cho cả nhà đi xem phim mới „Em và Trịnh“, có mời thêm cậu D và cô N đi cùng, tại cái rạp nhỏ trên tầng cuối Bách hóa Tổng hợp Hà Nội, nay đã đổi tên là Tràng Tiền Plaza. Phim về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có rất nhiều ca khúc của ông trong đó, quá hay. Sao ca sĩ Khánh Ly lại chê và dọa kiện nhà làm phim, bà tự ái chẳng đúng chỗ tý nào.
Nhân đây cũng xin nói thêm, tại sao tôi quý TCS đến thế. Ở Café Thứ Bảy hôm qua, bạn Đ. cũng đặt câu hỏi cho tôi, vì sao anh lại thích nhạc Trịnh đến thế?
Vốn khi đầu tôi cũng chỉ nghe nhạc ông như nhạc vàng nói chung, không ghét nhưng cũng chẳng thích, nhất là với những người quen nghe nhạc cổ điển.
Thế nhưng tôi quay ngắt việc đánh giá ông trong và sau chuyến đi Algeria. Nhạc và lời các bài hát của TCS đều buồn mà. Phải qua trải nghiệm bản thân. Những năm sóng gió nhất cuộc đời tôi. Năm 1990. Mất vợ con sau ly dị đã đành, nhưng rồi còn gặp họ. Cha tôi mất 1991. Rồi cậu con NHĐ đang học đại học kỹ thuật ở Budapest, sang thăm mẹ và em ở Moscow rồi chết đuối vì đi tắm hồ, bị cảm lạnh rồi chuột rút, ngạt thở. Có một bà Nga cứu nhưng đã muộn, đưa đến BV khi đã chết lâm sàng, nằm đó thêm 3 ngày. Đắng ngắt. Tôi như người mất hồn những năm đó. Đêm đêm nằm nghe bài „Nhớ Sài Gòn mưa rồi lại nắng…“, nhớ SG và HN, và VN da diết…
Bây giờ nghe nhạc TCS là nhớ lại những năm đó, buồn nhưng cũng tăng thêm nghị lực sống để mà…vượt qua tất cả, khổ đến thế cũng là cùng mà thôi!
Việc chữa bệnh K ở BV 108 phải đột ngột dừng ít ngày bởi lẽ cơ thể tôi không cho phép xạ trị liên tục. Tôi được nghỉ ít ngày.
Nhân thể tham gia khóa Hội thảo tập huấn về Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã do Hội Du lịch Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Chương trình chống buôn bán các loài hoang dã WWF-Việt Nam, với sự tham gia của WWF-Hoa Kỳ, WWF-Thái Lan và WWF-GM. Có sự tham gia của các tổ chức Quốc tế nên buồi học sinh động và hiệu quả vô cùng. Hết sức lý thú.
Lớp học còn tổ chức dã ngoại một ngày đi thăm Cúc phương, Hoa Lư, Ninh Bình, nhưng do điều kiện sức khỏe nên tôi phải miễn cưỡng từ chối.
Để bù lại, ngày hôm sau tôi tôi dự buổi seminar ở Café Thứ Bảy về mối liên hệ gen giữa người Việt với khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc do GS TS Nông Văn Hải, nguyên Viện trưởng Viện Gen, VHLKH&CNVN, báo cáo. Hết sức lý thú nhưng vấn đề quá ư phức tạp, thảo luận sôi nổi đến cả sau 12h trưa mà cũng chẳng ngã ngũ.
Nhân đây như thường lệ, xin giới thiệu báo Đức. Tờ Spiegel, số 19 ra tháng năm, có mấy bài hay.
Còn tờ GEO tháng năm, có mấy bài hay. Mục bạn đọc cho nhận xét của 7 bạn đọc về bài „Rối loạn trong đầu“ nói về bệnh ADHS mà tên tiếng Việt là bệnh tăng động giảm chú ý, mà trước đây gần chục năm tôi có viết một cuốn sách ở NXB Y học về vấn đề này, sách nằm tại NXB bao năm vì người Việt ta ngại đọc sách. Bạn đọc Đức trái lại lên tiếng hoan nghênh, cám ơn tác giả bởi lẽ họ vốn là bệnh nhân của bệnh này, nay đã được chữa khỏi và lên tiếng cám ơn tác giả, đồng thời cảnh tỉnh mọi người không nên coi thường bệnh chỉ bởi lẽ nó cũng chẳng nguy hiểm đến thế nhưng lại ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sẽ là tất cả cuộc đời nếu là trẻ nhỏ, mà bệnh cũng chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, cháu ngoại tôi mắc mà đã chữa khỏi, vì bọn trẻ thông minh, hiếu động quá, cô giáo ghét, ảnh hưởng cả cuộc đời. Thằng cháu ngoại tôi bây giờ đang theo học trường Trung học Do Thái ở Praha là niềm ước mơ chắc chắn của nhiều người. Nhưng nói tới bệnh ADHS, nếu có hỏi cả ngàn người Việt, chắc chắn chẳng có ai trả lời được, có chịu đọc sách, báo đâu cơ chứ, còn giở điện thoại thông minh ra bấm bấm, điều mà 99% người Việt làm, tôi cho là vô bổ nếu không muốn nói là có hại, là một cách giết thời gian thời thượng nhưng không có nghĩa là hay nhất, chưa nói ở người lái xe để gây ra tai nạn.
Còn chủ đề của số này là Urgewalt aus der Tiefe VULKANE – Núi lửa là sức mạnh gốc từ sâu dưới lòng đất quá hay về khí hậu, dành đến cả 12 trang cho chủ đề. Nhưng để hiểu nó phải hiểu kiến tạo Trái Đất, vấn đề thuộc về ngành địa chất, với vật lý chúng tôi không phải quá xa. Nhưng hay là bài cho biết những vùng bị hại, đặc biệt là cả bản đồ thế giới với các tâm chấn, may là Việt Nam ở xa nên ít xảy ra các trận động đất và nếu có cũng nhẹ mêm mọi người ít quan tâm.
GEO rất hay là quan tâm đến những vùng miền xa vời trên Trái Đất to hay nhỏ là theo quan niệm của mỗi người, nhưng trước hết là hiểu biết. Số này giới thiệu 2 nước mà hôm nay bị lãng quên.
Cuba, giới thiệu một nhiếp ảnh gia mà bài trước tôi cũng có đề cập qua bài Gerhard Richter để nói ngành nhiếp ảnh bị chủ nghĩa xã hội vốn thích phân cấp rất coi thường trong các ngành nghệ thuật. Nhưng các ảnh ở đây, dù đen trắng, lại rất đẹp. Và ở đất nước Cuba đang còn nghèo khó thế, vì sao nghèo khó mà vốn là nước phát triển nhất châu Mỹ Latinh, các lãnh đạo mà phải quy tội cho Fidel Castro đã lái nước này theo CNXH. Nhưng nghèo thì lại hay, các bức ảnh của nhiếp ảnh gia Raúl Cañibano hết sức đẹp, bài tên là „Về nét duyên dáng của con người“ mà, với nhận xét „Raúl Cañibano chẳng tôn vinh gì hết, ông chỉ đơn giản yêu con người. Và những thời điểm không ly kỳ“. Là đám cưới bình dân bên bờ biển, cụ già đưa xe ba gác chở tượng Chúa qua đường, bên chiếc xe cổ lỗ sĩ, chắc chắn là được sản xuất vào những năm 40 của thế kỷ trước, bà mẹ cho con bú, trẻ em tắm ngoài bờ biển… thật sự là cảnh Việt Nam những năm 70, trước đây thế là tròn nửa thế kỷ, ơn Bác Fidel Castro, như người Việt Nam hiện nay đang mang ơn Bác HCM. Lạy Chúa tôi!
Ny-Ålesund, địa điểm cuối cùng trước Bắc Cực, cộng đồng làng xóm gắn kết nhau thế nào trước cái tối tăm, lạnh lẽo thế nào của Bắc Cực, bài cũng rất đáng đọc. Với những bức ảnh hay chẳng kém gì các lời bình và nội dung bài báo. Nhưng làng đó lại là.. trạm nghiên cứu Bắc Cực của các nhà khoa học, trong đó vật lý và khí hậu là chủ yếu và của 2 nước lớn nhất EU: Đức và Pháp là chủ yếu; ở nước ngoài, khoa học được tôn vinh ghê.
Tờ GEO còn có mục cuối hết sức hay là phỏng vấn Weltbürger-công dân Thế giới, mỗi lần công dân một nước, nhất là những nước ít được thế giới quan tâm; lần này GEO phỏng vấn ông Nuwan Dilanka de Silva, 41 tuổi. Ở tuổi 18, thay vì tham gia cuộc nội chiến Sri-Lanca, con của một người đánh cá, lại theo Phật giáo, trở thành thày thuốc chữa bệnh Ayurveda, rồi thày dạy Yoga.
Xin trích dẫn những câu trả lời hay nhất.
„Tôi phải cám ơn cha mẹ tôi đã cản không cho tôi tham gia cuộc nội chiến, không thì cuộc đời tôi đã hoàn toàn khác rồi“.
„Tất cả những gì tôi từng mong ước đều được thực hiện. Tại sao lại phải mơ mộng gì nữa?“
„Tôi chẳng nghĩ đến việc xuất ngoại. Ba lần tôi muốn đến thăm bạn tôi ở CHLB Đức, visa đều bị trả lại bởi lẽ Sứ quán Đức nghĩ tôi muốn ở lại đó“.
„Chẳng có người nào có thể phán xét tôi“.
„Tôi đã giải phóng mình khỏi tức giận và ham muốn“.
„Không, Thần Chết phải sợ tôi, bởi lẽ hàng ngày tôi đều nghĩ đến nó và đang chờ nó“.
„Sau cái chết là sự tái sinh“.
Còn tờ Spiegel số 19 ra ngày 07.05.2022 có chủ đề: Putins Desaster – Wie stark ist Russland wirklich? Thất bại lớn của Putin – Nga thật sự mạnh đến đâu? nhắc ngay đến những thất bại của Putin ở Ucraina vào ngày lễ chiến thắng của Nga 09.05. hàng năm.
Có nhiều bài kể rất kỹ, với nhiều hình ảnh. Các PV C. Esch, S. Koelbl và F. Schaap gọi Putin là Vladimir Potemkin để so y với Potemkin, thầy phù thủy của Nữ hoàng Nga, kẻ nằm trong chăn phán láo mà Putin bây giờ giống hệt, khi đã trở thành tên bạo chúa độc tài, hung bạo.
So sánh 4 nước lớn là Nga, Trung Quốc, Mỹ và EU thì thấy ngay, Nga nhỏ nhất và yếu nhất. Hãy nhìn bảng so sánh tăng trưởng dân số, tuổi thọ trung bình, BIP đầu người và chi phí quân sự 4 nước lớn này thì rõ ngay lập tức.
Cũng còn bài hay phỏng vấn chuyên gia quân sự Hoa Kỳ Michael Kofman „Sẽ sai lầm nếu loại bỏ Nga“, ông hiểu kỹ quân đội Nga nên đánh giá chính xác những sai lầm của Nga trong chiến tranh Ucraina và bài học rút ra cho một xung đột sắp tới rất có thể xảy ra với NATO.
Còn có bài hay, nói về vũ khí hiện đại Nga chẳng ăn nhằm gì: Der Hightech-Bluff Trò bịp công nghiệp cao. Quá hay, bài học cho Việt Nam dựa vào vũ khí Nga để hù dọa Trung Quốc đây.
Tình hình nội bộ nước Đức là do đại dịch và chiến tranh Ucraina mà giá cả tăng vọt. Scholz, Habeck và Lindner phải đứng ra giải quyết.
Bài về lịch sử nước Đức „Keineswegs unsympatisch – Hoàn toàn không phải là không đáng yêu“ nói hết sức ngạc nhiên khi nguyên Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl tỏ ra thông cảm với Chủ tịch CHDC Đức Erich Honnecker, liệu ông có muốn tránh phải đưa Honnecker ra tòa chăng?
Còn có bài „Der Doppelspieler – Người chơi hai mặt“ nói về danh thủ tennis Boris Becker, khi trẻ tài hoa thế mà cuối đời ra tòa ở Anh vì cũng ti toe mở doanh nghiệp – đâu dễ thế – rồi bị ông bạn doanh nhân Ezzedine lừa, chỉ lấy danh của Boris Becker để mở trường dạy tennis duy nhất nhằm kiếm lời chứ hoàn toàn không vì thể thao.
Bài cuối cùng mà tôi muốn đề cập tới ở đây là bài „Herzen für Marcos-Cảm thông cho Marcos“nói về tình hình chính trị phức tạp ở Phillipine, ông bạn láng giềng khối ASEAN của chúng ta. Tuy cũng có dân chủ với tự do bầu cử nhưng nền chính trị nước này bị giới Mafia chính trị gồm (đang là rồi sẽ là nguyên vì hiến pháp nước này không cho làm tiếp) Tổng thống mỵ dân Duterte, con gái y Duterte-Carpio và con trai nguyên Tổng thống Marcos. Nay đã rõ, con trai nguyên Tổng thống Marcos thắng cử. Mà Tổng thống độc tài Marcos và vợ y khốn nạn đến mức nào, các bạn trẻ không biết chứ chúng tôi quá rõ.
Vấn đề cuối cùng vẫn là trình độ dân trí thấp và phải nâng nó lên, bài toán mà cụ Phan Chu Trinh và những người đương thời với cụ đã dặt ra cả thế kỷ nay rồi mà chẳng biết bao giờ dân Việt ta tỉnh ngộ để quay trở lại để lấy đó là mục tiêu tối thượng phải giải quyết sớm nhất có thể.
Xin quay lại tờ Spiegel số 15 ra ngày 09.04.2022 có bài rất hay:
Besuch aus der Zukunft Có khách từ thời tương lai đến thăm.
Xin được phép dịch toàn bộ bài:
Từ bom nguyên tử đến máy tính – chẳng có nhà khoa học nào ảnh hưởng đến thời hiện đại như nhà toán học John von Neumann, thế nhưng hôm nay hầu như chẳng ai biết tới ông. Nhưng nay thậm chí cũng đã có một cuốn tiểu sử về nhà khoa học đặc biệt này.
Kioto? Yokohama? Hiroshima? Vấn đề là phải triệt hạ thành phố nào. Và các tướng Mỹ đã thúc giục phải kéo John von Neumann vào các cuộc thảo luận, chính bởi vì ông không phải là nhà quân sự mà là nhà toán học. Chẳng có ai ở những vấn đề nan giải về mặt đạo đức lại đánh giá sắc sảo và liêm khiết như ông.
Cả buổi sáng Neumann đã tranh luận trong cuộc họp kín về những mục tiêu có thể của quả bom nguyên tử Mỹ. Buổi trưa ông về nhà, nằm lên giường và ngủ lâu như chưa bao giờ lâu đến thế trong đời ông. Ông đã mơ giấc mơ gì vào cái ngày tháng năm này?
Vợ ông Klári kể trong hồi ký của bà rằng, khi cuối cùng ông thức giấc mơ thì bị kích động đến cùng cực, hầu như tới mức điên cuồng. Đầu tiên ông nói về quả bom nguyên tử mà ông đã giúp chế tạo. „Chúng ta đã sinh ra một con quỷ mà nó sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử“, Neumann bảo. Các nhà khoa học sẽ được nhân dân toàn thế giới đồng thời vừa yêu vừa ghét nhất.
Rồi ông bất ngờ thay đổi đề tài. Ông bắt đầu bịa về chuyện có một cái máy trong tương lai còn hùng mạnh hơn cả bom nguyên tử. „Nó sẽ còn đưa chúng ta ra khỏi Mặt Trăng nữa cơ“, ông tuyên bố – để rồi sau đó lại lấp lửng chêm thêm, „nếu như loài người thành công với việc theo kịp bước tiến của sức sáng tạo của chính mình.“
Nhiều khả năng là ở đây Neumann nói về cái mày mà ít lâu sau, chính ông sẽ tạo ra. Đầu hè năm 1945 nhà toán học người Hung đã có đóng góp vào việc kết thúc phát minh ra quả bom nguyên tử và qua đấy là phát minh cho đến lúc đó là có ý nghĩa nhất của thế kỷ 20. Bây giờ ông lại chuẩn bị sắp đẻ ra một phát minh còn quan trọng hơn nữa, đó là máy tính.
John von Neumann không chỉ là một nhà toán học sáng láng và đa tài bất thường. Những hoạt động của ông còn vượt xa ra ngoài biên giới của toán học. Khi vào năm 1957 ông đang nằm chờ chết bởi bệnh ung thư thì đến bên giường bệnh không chỉ có đồng nghiệp, mà còn có cả các quân nhân và chính trị gia. Lúc ấy, có lẽ ngoài Albert Einstein thì John von Neumann là nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới.
Tạp chí khoa học Mỹ „Science“ xác nhận, việc ngày nay thần đồng toán học hầu như biến mất khỏi trí nhớ công luận là điều hết sức bất công. Neumann „có lẽ là người thông minh nhất mà phần lớn mọi người chưa bao giờ nghe đến tên ông ta. Việc Neumann không được mọi người biết tới càng đáng ngạc nhiên hơn khi ở đâu trong thế giới hiện đại cũng thấy di sản ông để lại.
Ananyo Bhattacharya, nhà lý sinh và biên tập viên của tạp chí khoa học Anh „Nature“ vừa cho phát hành tiểu sử nhà khoa học đặc biệt này mà ở đó, ông mô tả Neumann giỏi tới mức người ta phải quy ông về thể loại „siêu nhân“. Ở thế giới của logic thì Neumann hơn tất cả mọi người. Một đồng nghiệp nói về ông như sau: „Chúng tôi chứng minh với các nhà toán học khác những gì chúng tôi có thể, còn Johny trái lại chứng minh những gig ông muốn“.
Neumann là một người đầy mâu thuẫn. Vợ ông mô tả ông là „ngây thơ và luôn có tâm trạng thỏai mái, sáng láng, thông minh ở dạng thần đồng và dữ dội, nhưng lại gần như không có khả năng điều khiển những cảm xúc của chính mình. Dễ xúc động. Đôi khi còn biểu hiện của chứng loạn thần kinh chức năng dạng nhẹ. Klári kể, ông chồng đóng mở ngăn kéo bàn đến bẩy lần, cũng như đóng ngắt mỗi công-tắc đèn điện nhiều lần đến vậy.
John von Neumann lớn lên ở tư cách là con một chủ nhà băng Do Thái trong một căn hộ có 18 buồng của tầng cao nhất một chung cư tại Budapest. Sau đó ông thử để cho thế giới với thói ăn chơi của xã hội thượng lưu thời nhỏ sống lại tại Institute for Advanced Study (IAS, Viện nghiên cứu cao cấp, nơi A. Einstein dành hầu như cả cuộc đời ở đó) ở Princeton (thành phố vệ tinh của Boston). Ông yêu thích tiền bạc, tổ chức những dạ hội cuồng loạn và đi những xe hơi thể thao đắt tiền, mà ông chạy nhiều đến mức phải thay hàng năm.
János Lajos Neumann, tên tiếng Hung của ông, hội tụ đầy đủ tất cả các khuôn mẫu của một thần đồng. Neumann viết công trình khoa học đầu tiên ở tuổi 17. Trong luận án TS ở tuổi 17 ông đã chế ngự được tất cả những bài toán cơ bản của lý thuyết tập hợp, song song ông cũng hoàn thành chương trình đại học ngành Hóa.
Ở tuổi 17 tại thành phố Göttingen ông gặp một người khác đứng trên mình nhưng lại chỉ hơn 2 tuổi: ở đó Werner Heisenberg đang loay hoay với việc giải và đã giải được những phương trình của cơ học lượng tử. Thế nhưng có một vấn đề: gần như đồng thời, Erwin Schrödinger ở Zurich vừa phát minh vật lý lượng tử lần thứ hai. Chỉ có điều là các phương trình của ông này trông hoàn toàn khác. Chỉ có Neumann mới thành công trong việc chứng minh được rằng các công thức của hai nhà tiên phong của lý thuyết lượng tử là một.
Với cơ học lượng tử, Heisenberg đã hoàn thành cú đánh thiên tài của mình. Nhưng với Neumann đó lại là khúc dạo đầu cho cái còn quan trọng hơn nữa. Năm 1933, vừa mới tròn 30 tuổi, ông đã là cán bộ của IAS.
Lẽ ra IAS, được thành lập năm 1930, nổi tiếng ở tư cách là tháp ngà khoa học, nơi các vị khổng lồ tư duy chơi các trò chơi quý phái của họ. Albert Einstein, người đã từng đánh đổ thế giới quan của vật lý học (ở tư cách là triết gia) đang làm việc ở đây, hệt như nhà logic học Kurt Gödel (ở Việt Nam cũng đã dịch nhưng mấy ai biết ông này?), người đã từng làm lung lay nền tảng của toán học.
Thế nhưng trong khi Einstein uổng công vô ích đi tìm kiếm nhằm sinh ra một công thức cho thế giới và Gödel mắc chứng bệnh luôn bị theo dõi và đe dọa, thì John von Neumann lại là một người có đầu óc thực tiễn, là người xắn tay áo lao vào các vấn đề của thế giới hiện thực. Theo đánh giá của những người biết cả ba người này thì với sự sắc sảo của mình, Neumann thậm chí còn vượt trội hai người kia.
Đặc biệt tính phụ, trội mà với nó Neumann đạt được những cú đột phá toán học của ông, làm các đồng nghiệp phải khiếp sợ. Trong lúc ông đang giải một câu đố, thì trong suy nghĩ của mình, ông thường đã tìm hiểu câu tiếp theo. Lúc này ông đang tìm ra điều gì đó trừu tượng, lúc khác ông đã lại hướng sang những vấn đề thực tiễn. Từ rất sớm ông chẳng tiên đoán ra cuộc chiến tranh ở châu Âu và ông sẵn sàng phục vụ giới quân sự Hoa Kỳ. Đặc biệt là ông tính toán sóng nén mà các vụ nổ bom gây ra, với mục tiêu tối ưu hóa sức phá hủy của nó. Việc nắm bắt cái chết và sự hủy hoại bởi các công thức chẳng làm ông sợ hãi.
Tháng 7.1943 ông cảm nhận được lá thư mời tới Los Alamos, nơi giới tinh túy ngành vật lý của thế giới đang thúc đẩy việc chế tạo quả bom nguyên tử. Robert Oppenheimer (nhà vật lý chịu trách nhiệm chính ở dự án này, dự án tối mật quân sự ‚Manhattan’) thiết tha đề nghị ông: „Chúng tôi hết sức lệ thuộc vào sự giúp đỡ của ông“.
Thật vậy, Neumann đã mở ra con đường cho những người đang chế tạo quả bom nguyên tử thóat ra khỏi vòng luẩn quẩn. Ông đã nghĩ ra implosionmechanism-cơ chế phá hủy nội tâm mà nhờ nó, khi mồi quả bom plutoni thì phản ứng dây chuyền hạt nhân mới giữ được liên tục.
Neumann hoàn toàn ý thức được rằng, ông đã đóng góp vào việc hoàn thiện hóa một phương tiện giết người hàng loạt. Có vẻ như lương tri đã mách bảo ông phải dùng những vũ khí đó, bởi lẽ chỉ có bằng cách này mới tránh được những cái còn tồi tệ hơn.
Chiến lược gì là đúng ở một thế giới mà ở đó ai ai cũng luôn muốn tối ưu hóa lợi ích của riêng bản thân mình cao nhất có thể? Neumann thích thú với những toan tính thuộc loại này. Khi rỗi với công việc ở việc chế tạo quả bom nguyên tử là ông lại cắt gọt ý tưởng của mình cho đề tài này. Năm 1944 cùng với bạn đồng nghiệp Oskar Morgenstern, ông công bố cuốn sách dầy 800 trang „Spieltheorie-Lý thuyết trò chơi“.
Neumann đã thành công với điều có vẻ như là không thể: ông đã tóm lược những ước vọng và nhu cầu của con người thành những con số và quá trình đi tìm quyết định thành các công thức. Vậy là ông đã dịch cái thế giới những cảm xúc con người mà ông khó tiếp cận thế ra thành toán học – thành cái ngôn ngữ mà ông làm chủ hơn bất cứ người nào khác.
Những người đầu tiên nghĩ ra Chiến tranh lạnh cũng là những người đầu tiên biết vận dụng kho tàng tư duy của Neumann. Tập đoàn RAND Corporation, một trong những trung tâm sức mạnh tư duy của Chiến tranh lạnh, đã gọi Lý thuyết trò chơi của Neumann là „triết thuyết chủ đạo“ của họ. Tác giả của thuyết được mời làm cố vấn và nhận mức lương hậu hĩnh khi đồng ý để dành thời gian hàng ngày gọt giũa tư duy cho RAND.
Lạnh như băng và bằng một cách siêu hợp lý, Neumann khuyên nên tiến hành chiến tranh phòng thủ hạt nhân, chừng nào mà Mỹ còn mạnh hơn Liên Xô. „Nếu như Ngài bảo, tại sao chúng ta không nên đánh vào ngày mai, thì tôi bảo, tại sao không ngay hôm nay?“, ông từng giải thích như thế. „Nếu như Ngài bảo, hôm nay năm giờ, thì tôi bảo, tại sao không một giờ?“. Không có gì ngạc nhiên khi Neumann gợi ý đạo diễn Mỹ Stanley Kubrick lưu ý đến nhân vật „Doktor Seltsam“ của ông.
Sau này thì Lý thuyết trò chơi của Neumann cũng tỏ ra là mang tính dẫn đường cho các ngành khoa học kinh tế. Ngay từ năm 2011 nhà kinh tế học giải Nobel Daniel Kahnemann đã gọi nó là „lý thuyết cho đến ngày hôm nay là quan trọng nhất ở các ngành khoa học xã hội“. Các công trình của chính bản thân Kahnemann cũng dựa trên đó, cũng như của hàng nửa tá những người được nhận giải Nobel.
Ngoài quả bom nguyên tử và Lý thuyết trò chơi, còn có một đề tài nữa mà trong những năm chiến tranh, Neumann dành sự quan tâm của ông cho nó. Ông viết thư về Princeton, ông mắc chứng bệnh „có mối quan tâm thô lậu đến các môn kỹ thuật tính toán“, ngay khi đang trên đường thực hiện những sứ mệnh quân sự.
Thực vậy, các môn kỹ thuật tính toán đã trở nên một vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Các phép tính về sự phá hủy nội tâm quả bom plutoni phức tạp đến mức, ngay một thiên tài như Neumann cũng không thể giải được mà không cần sự trợ giúp của máy móc. Ông chỉ thành công khi nhờ vào sức mạnh tính toán nhân tạo. Bởi vậy nên Neumann hết sức say mê chiếc máy Eniac, chiếc máy tính số điện tử đầu tiên khi đó vừa mới được đại học University of Pennsylvania sáng chế.
Đóng góp đầu tiên của Neumann cho đề tài này là năm 1944, ông bảo đảm sự tài trợ tiếp tục cho nó. Neumann đã có mối liên hệ tốt nhất đến Washington cơ mà. Sau đó ông phát triển một dự án cho Eniac thứ hai. Ông vội vã viết „Dự án đầu tiên cho một báo cáo“ còn thiếu sót về cái máy tính mới này mà ở đó ông phác họa những nguyên lý cơ bản của nó.
Bản công bố „Dự án đầu tiên“ này mà chẳng bao giờ Neumann hoàn thành được, ngày hôm nay được coi như là thời điểm khai sinh cho chiếc máy tính hiện đại. Mỗi cái PC, mỗi cái laptop, mỗi cái handy đều dựa trên thiết kế được mô tả ở báo cáo này. Vì thế cho nên John von Neumann phải được coi như là cha đẻ của thời đại số.
Thế nhưng sức sáng tạo của „người đàn ông từ thời tương lai“ chưa kết thúc ở đó. Năm 1948, 5 năm trước khi James Watson và Francis Crick phát hiện ra cấu trúc của phân tử ADN, trong một buổi thuyết trình, Neumann mô tả những nguyên lý cơ bản của sự sống. Và năm 1955, trong một bài viết sáng láng như có ma ám, Neumann cho chúng ta một tầm nhìn về tương lai.
Dưới tựa đề: „Liệu chúng ta có thể sống sót sau kỹ thuật chăng?“, ở bài viết ấy ông thấy trước được, 24 năm trước hội nghị khí hậu toàn thế giới đầu tiên, sự nóng lên toàn cầu do bức xạ CO2 , ông tuyên bố phải có những cuộc đàm phán về khí hậu và khuyến cáo geoengineering.
Lời kết của Neumann cho bài viết là: „Đối với tiến bộ sẽ hoàn toàn không có việc chữa lành bệnh. An toàn duy nhất có thể có lại là tương đối, và nó nằm ở việc hàng ngày sử dụng phán quyết thông minh“.
Còn cuốn tiểu sử về nhà khoa học đặc biệt này, John von Neumann, có tên là : „The Man from the Future: The Visionary Life of John von Neumann“, NXB
W.W. Norton&Company
Tác giả là Ananyo Bhattacharya.