VNTB – Pin năng lượng mặt trời ‘hết hạn’: ai xử lý?

VNTB – Pin năng lượng mặt trời ‘hết hạn’: ai xử lý?

Thới Bình

 

(VNTB) – Những tấm pin mặt trời  sẽ được xử lý theo đúng các tiêu chuẩn về môi trường, nhưng… hiện chưa có tiêu chuẩn xử lý những tấm pin này

 

Một chiếc ghe tạp hóa bán hàng rong ở Đồng Tháp với những tấm pin năng lượng mặt trời phủ rộng trên mui rong ruổi khắp vùng sông nước miền Tây tạo nên hình ảnh lạ, thú vị trong thời công nghệ.

Người nông thôn đang dần làm quen với những bộ đèn năng lượng mặt trời được thiết kế gọn nhẹ, xinh xắn; một mặt lắp pin năng lượng mặt trời bằng chất liệu được quảng cáo là không bám bẩn và không thấm nước, mặt còn lại lắp đèn chiếu sáng. Chỉ cần sạc pin dưới ánh sáng mặt trời vào ban ngày, đèn có thể thắp sáng suốt 8 giờ, hoàn toàn linh động, dễ di chuyển và chiếu sáng mọi góc trong nhà.

Với các dự án trang trại điện năng lượng mặt trời thì việc quản lý về chất thải từ pin năng lượng mặt trời khi hết hạn sử dụng là không khó, thế nhưng những tấm pin này sử dụng ở các nhà dân, các ghe xuồng rong ruỗi thương hồ thì quả là vấn đề không hề dễ dàng cho yêu cầu kiểm soát nguồn thải gây độc hại môi trường.

Giám đốc một công ty đã lắp hàng chục MW điện mặt trời nhìn nhận việc xử lý tấm pin khi hết vòng đời đơn vị này vẫn chưa tính. “Có thể là doanh nghiệp bán sản phẩm sẽ thu hồi hoặc nếu yêu cầu thì mang đi tái chế bởi về bản chất, các chất liệu trong tấm pin này đều có thể tái chế được” – vị này nói.

Sở hữu hơn 2,5 triệu tấm pin điện mặt trời đang hoạt động, Tập đoàn Trung Nam cho biết khi hết vòng đời, những tấm pin ở các dự án của doanh nghiệp này sẽ được xử lý theo đúng các tiêu chuẩn về môi trường, nhưng… hiện chưa có tiêu chuẩn xử lý những tấm pin này.

“Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải “thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật” tức chủ đầu tư có trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng. Thế nhưng xử lý cụ thể ra sao, chi phí thế nào, có được tính là khoản phí để khấu trừ thuế thu nhập của nhà sản xuất tấm pin này… Tất cả điều đó vẫn là chưa rõ ràng” – luật sư Trần Thành, ý kiến.

Vẫn theo quan sát của luật sư Trần Thành, hiện nay, các nhà sản xuất bán thiết bị pin năng lượng mặt trời vào Việt Nam không bắt buộc thu hồi, song nếu muốn bán vào thị trường Mỹ hay các nước tiên tiến, nhà sản xuất phải cam kết thu hồi sản phẩm khi hết hạn sử dụng.

Nhìn từ việc các loại pin quen thuộc lâu nay vẫn đang thải ra môi trường, người ta sẽ dễ dàng đồng ý rằng những tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn dù được thu hồi cũng rất khó xử lý. Sản phẩm này không chỉ khó phân hủy trong môi trường tự nhiên mà còn chứa các kim loại nặng, nên nếu để nó trong môi trường sẽ rất nguy hại.

Cần nhìn nhận không phải tấm pin năng lượng mặt trời nào cũng có thời hạn sử dụng 15 – 20 năm. Sẽ có những tấm pin hỏng sớm, hỏng ngay. Đặc biệt, với thực tế hiện tại chưa có cơ sở chuyên sâu về xử lý pin năng lượng mặt trời hỏng, hành lang pháp lý về việc này cũng chưa rõ ràng.

Người dân hiện rất dễ tìm mua các bộ pin năng lượng mặt trời, từ hầu hết những tiệm bán đồ điện tới các trang bán hàng online. Đa số là sản phẩm từ Trung Quốc đóng rõ là “Made in China” lẫn loại “không tên”. Giá cả các loại pin năng lượng mặt trời đang ở mức khá bình dân, hiện một bộ sản phẩm năng lượng mặt trời thương hiệu Việt Nam, gồm 1 tấm pin, 1 quạt bàn và 1 đèn LED bán online có đăng ký nhãn hiệu, giá chỉ 850.000 đồng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)