Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Vai trò của tòa án khi nhân danh pháp luật, nằm ở đâu trong những vụ quy hoạch đất đai như ở Đồng Tâm, Lộc Hưng, Thủ Thiêm và còn vô số nơi khác nữa…
Đặt vấn đề như trên cho các lập luận tiếp theo của bài viết, vì Điều 53, Hiến pháp của Việt Nam quy định đất đai ‘do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý’. Điều 54.1, Hiến pháp ghi, ‘Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.
Tòa án hiện có quyền đến đâu?
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự thường thuộc các quan hệ tranh chấp sau: Tranh chấp đất đai mà trên đất không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.
Tòa án khi giải quyết việc tranh chấp về tài sản gắn liền quyền sử dụng đất, với các nội dung chủ yếu như: Xác định người có quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất; chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tranh chấp liên quan đến các giao dịch về đất, tài sản gắn liền với đất; thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Liên quan tranh chấp đến từ hệ lụy của chính sách quy hoạch nhà nước như ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng, Đồng Tâm…, thì chính quyền vẫn dựa vào quyền lực hành chính để cưỡng chế thay vì ra tòa, hệ lụy dẫn đến nhiều người chết trong vụ Đồng Tâm mới đây, hay trước đó có vụ Thủ Thiêm ở quận 2, TP.HCM, vụ Cồn Dầu ở Đà Nẵng.
Ghi nhận từ nhóm luật sư ở vụ Thủ Thiêm, theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chứng cứ cho Tòa án, nhưng trên thực tế, việc lấy thông tin trong kho lưu trữ của các cơ quan nhà nước về các tài liệu có thể chứng minh cho việc khởi kiện của mình là điều không thể, ngay cả việc thẩm phán trực tiếp đi thu thập thì không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi.
Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, phát sinh những tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm. Và trên thực tế là không diễn ra tại cấp tòa về xét xử nào liên quan đến hành trình ròng rã suốt hai mươi năm khiếu nại, khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm.
Qua trao đổi bên lề với một số thẩm phán hiện chuyển sang hành nghề luật sư, thì phía Tòa án đang bị ‘trói tay’ trong những vụ việc như Đồng Tâm hiện tại.
Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận đất đai thuộc chủ sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Trong đó, Nhà nước phân cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất quá lớn cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, song pháp luật đất đai lại chưa xác lập được cơ chế phù hợp để kiểm soát, giám sát quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của các cơ quan nhà nước.
Điều này dẫn đến tình trạng có sự lạm quyền trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất; thậm chí trong nhiều trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực gây bất bình trong nhân dân.
Chỉ khi Tổng bí thư cũng có thể phải ra ‘hầu’ tòa…
Điều 4.3, Hiến pháp 2013, ghi: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, ví dụ như mai đây nếu bị ai đó thưa kiện với lý do ABC… xoay quanh về chuyện ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất trong vụ Đồng Tâm hôm 9/1 chẳng hạn, thì cả ông tổng bí thư vẫn phải ra ‘hầu’ tòa…
Ví dụ kể trên nhằm muốn nói đến cái gốc của vấn đề ở đây, là những hoạt động của các cơ quan lập pháp và cả hành pháp cần phải đặt trong vòng xét xử của toà án.
Khác với thời kỳ chiến tranh, cũng như thời bao cấp, tư pháp chỉ được xem xét như là một trong các ban ngành như các bộ của hành pháp, vì nó chỉ được hiểu là một trong những lĩnh vực cần quản lý của Nhà nước như các lĩnh vực ban ngành khác mà thôi. Giờ đây, tòa án phải là một ngành độc lập, có khả năng xét xử cả các hành vi của lập pháp và hành pháp. Điều đó có nghĩa cải cách tư pháp cần trao cho tòa án quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến bảo đảm tính độc lập cho thẩm phán.
Yêu cầu bảo đảm tính độc lập của tòa án đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự giao thoa của những mối quan hệ về quyền lợi và tài sản. Bởi chính quyền một thành phố, hay chính phủ của một quốc gia cũng chỉ là một chủ thể trong mối quan hệ bình đẳng mà thôi. Và khi đó sẽ rất phức tạp và phi lý bất công nếu chính phủ hay chính quyền thành phố lấy quyền lực hành chính ra để áp đặt lối xử lý vụ việc liên quan đến mình.
Trách nhiệm này, trước tiên là thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.