Tôn Phi
(VNTB) – Vị trí của Mạc Ngôn- Nobel Văn học 2012 trong lòng công chúng Trung Quốc thiên về lĩnh vực tiểu thuyết. Mạc Ngôn là một nhà văn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, với một phong cách vô cùng độc đáo. Tiểu thuyết lừng danh Ếch là một tác phẩm như vậy. Đây là tiểu thuyết dám kể về sự thật ghê người: nạn phá thai ở Trung Quốc nửa sau thế kỷ XX.
Nhà nước thi hành chính sách nạo phá thai
Trung Quốc, cũng giống như chế độ cộng sản ở mọi nơi khác, lâm vào khủng hoảng.
“Ếch” tái hiện nông thôn Trung Quốc, lấy bối cảnh thôn Đông Bắc Cao Mật. Nhân vật xưng tôi của tác phẩm là cậu bé Vạn Tiểu Bão, sinh ra trong một gia đình có “truyền thống cách mạng”. Cậu bé có người cô ruột tên là Vạn Tâm.
Vạn Tâm học hộ sinh ở trường y khoa và là một thiên tài trong thực hành. Hàng nghìn đứa trẻ ra đời bình an dưới tay cô. Tỷ lệ sống của những ca cô đỡ đẻ rất cao, gần một nghìn ca cô đỡ đẻ chỉ có một hai lần thất bại. Không chỉ đỡ đẻ điêu luyện, cô hộ sinh họ Vạn còn một mình xóa sổ thành công nạn bà đỡ – nguyên nhân chết của nhiều sản phụ. Danh tiếng của Vạn Tâm vang xa khắp huyện, người dân đều gọi cô là Bồ Tát. Cả gia đình họ Vạn vô cùng tự hào về người con gái ấy.
Chủ nghĩa cộng sản thắng cuộc, nhưng cuộc sống của người dân càng không được yên bình. Nạn đói lan tràn khắp nơi, lan đến cả thôn Đông Bắc Cao Mật, nơi sinh sống của các nhân vật chính. Những đứa trẻ trong thôn phải nhịn đói đến trường làng mỗi ngày. Một sự thật bị nhà nước cấm tiết lộ thì nay được tái hiện: những đứa trẻ đói quá nên đã ăn than đá.
Cũng tại thôn Đông Bắc Cao Mật, vì đói triền miên, đàn bà thì không có kinh nguyệt, đàn ông thì trở thành “thái giám”. Nhà cầm quyền đổ lỗi cho dân số đông. Mao Trạch Đông nói rằng một tỷ dân là quá nhiều và việc Trung Quốc có thể làm để “cứu nhân loại” là giảm dân số Trung Quốc. Chính sách một con được ban hành, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Sau khi sinh con đầu lòng, đàn bà sẽ bị đặt vòng, đàn ông sẽ bị thắt ống dẫn tinh.
Chính sách làm đảo lộn tất cả giá trị. Mỗi người Trung Quốc đều được nhà nước bảo vệ, nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc khẳng định rằng đó chưa phải là công dân cho dù cái thai đã bảy tháng. Nếu phụ nữ nào mang bầu đứa con thứ hai sẽ liền bị dân quân cưỡng bức phải “nạo thai”. Đảng Cộng Sản lại dẫn câu nói của Mao Trạch Đông “nhân loại phải biết tự kiềm chế”, từ đó ép các cặp vợ chồng không được sinh con thứ hai. Đó là đại nghĩa dân tộc, là hành động cao cả đối với toàn thế giới. Cô gái Vạn Tâm vốn trung thành vô điều kiện với tổ chức Đảng, thế là từ một nữ hộ sinh trở thành “trùm nạo phá thai”, kiêm luôn việc dẫn đầu đoàn tầm nã những phụ nữ mang thai chui. Vạn Tâm nạo được mười nghìn cái thai trong vẻn vẹn chỉ vài ba năm. Người dân thôn Đông Bắc Cao Mật trước đây gọi người con gái đó là Bồ Tát nay coi bà ta là hiện thân của cái ác, họ đặt tên bà là “Diêm Vương sống” .
Người cháu Vạn Tiểu Bão lớn lên vào quân đội. Tại đây, anh biết cô vợ Vương Nhân Mỹ của anh mang thai đứa thứ hai ở nhà. Cơ quan dọa sẽ khai trừ tất cả danh vị và bổng lộc của người lính, kể cả tư cách Đảng viên. Lo lắng và sợ hãi, Vạn Tiểu Bão tức tốc về nhà gặp Vương Nhân Mỹ bắt vợ phá thai. Cô vợ kiên quyết giữ con, chạy trốn khỏi gia đình nhà chồng. Nhưng trưởng ban sinh nở có kế hoạch, tức là “Diêm Vương sống” vẫn moi ra cho bằng được. Bà cô chồng Vạn Tâm bắt sản phụ phải phá thai, cho dù đó là cháu dâu. Để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa vĩ đại và địa vị trong quân đội của cháu trai, bà thuyết phục được cháu dâu lên bàn mổ. Bà cô bảo đảm rằng cháu dâu sẽ sống sót sau ca nạo thai. Ai cũng tin điều đó vì Vạn Tâm là một chuyên gia hộ sinh cực kỳ xuất chúng. Nhưng không ngờ Vương Nhân Mỹ chết vì băng huyết. Cả gia đình Vạn Tiểu Bão đau khổ đến tột cùng.
Dịch vụ đẻ thuê
Sau cái chết của người vợ đầu, Vạn Tiểu Bão lấy vợ thứ hai và chuyển lên sống ở Bắc Kinh. Khi kịch tác gia Vạn Tiểu Bão hồi hương thì quê nhà Đông Bắc Cao Mật của anh đã thay đổi hoàn toàn. Những tưởng cố hương đã thoát cảnh nghèo đói nhưng diện mạo cuộc sống méo mó đến mức đau lòng. Điều anh không đoán ra được là dịch vụ đẻ thuê đã sinh ra.
Chính sách một con quá tàn độc, đàn ông Trung Quốc lẳng lặng đi đến các dịch vụ đẻ thuê. Chủ nhân của dịch vụ đẻ thuê tại thôn Đông Bắc Cao Mật là Viên Tai- người năm xưa giúp cô vợ quá cố Vương Nhân Mỹ của Vạn Tiểu Bão lén lút tháo vòng tránh thai. Nhờ dịch vụ đẻ thuê núp bóng một công ty nuôi ếch, thầy bói Viên Tai bỗng trở nên giàu sụ .
Dịch vụ đẻ thuê này có nhiều mức giá. Những ông giàu tung thật nhiều tiền để chọn những cô gái đẹp làm người mang thai hộ, ăn ở với nhau cho đến khi sinh con. Loại thứ hai, những ông nghèo hơn, dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo nên chỉ phải trả cho người phụ nữ mang thai hộ một số tiền nhỏ. Thế là họ có con trai nối dõi.
Vạn Tiểu Bão có một người bạn cũ, người này có cô con gái bị bỏng trong một vụ hỏa hoạn trong nhà máy, từ đó phải sống bằng nghề đẻ thuê. Người vợ kế của Vạn Tiểu Bão không muốn chồng tuyệt tự nên đã lừa lấy tinh trùng của chồng đem đến dịch vụ đẻ thuê. Bi kịch nối tiếp bi kịch, tinh trùng của Vạn Tiểu Bão không ngờ được cấy vào âm hộ của đứa con gái mà đáng ra phải gọi Tiểu Bão là chú.
Những con búp bê- một hình tượng văn học độc đáo
Có ý kiến cho rằng, muốn hiểu lịch sử Trung Quốc hiện đại thì đừng đọc biên niên sử, hãy đọc trong văn chương. Quả thật, không biên niên sử nào kể rõ về Cách mạng văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông. Cuộc cách mạng đòi tạo ra con người xã hội chủ nghĩa, thật ra là chiêu bài để chế độ muốn tạo ra những con người giống nhau để không ai đứng lên phản kháng.
Một hình tượng trong Ếch là những con búp bê. Thôn Đông Bắc Cao Mật tự hào có hai cao thủ nặn búp bê hình trẻ con lừng danh khắp huyện: Hách Đại Thủ và Tần Hà. Tác giả liệt kê hai loại búp bê để những bạn đọc tinh tường hiểu được thông điệp: Loại thứ nhất là những con búp bê đúc bằng khuôn, một nghìn con giống nhau như một, nhưng vô hồn, và đương nhiên đây là loại giá thành rẻ mạt. Loại thứ hai, những con búp bê được nặn ra dưới bàn tay của các nghệ nhân Hách Đại Thủ và Tần Hà với tất cả tâm tình. Những con búp bê được nặn thủ công bằng một thứ đất đặc biệt, và mỗi con một cảm xúc. Có con búp bê như cười, có con như khóc, có con đang hát, có con làm nũng…. , muôn hình vạn trạng nhưng con nào cũng sống động như là đứa con nít thật sự. Vì vậy, khách hàng trả tiền rất cao.
Qua cách kể này, Mạc Ngôn đã nêu lên quan điểm của mình, đó là: sự khác biệt làm nên phẩm giá con người và làm nên thế giới, nếu nhà nước cứ tiếp tục tuyên truyền để những đứa trẻ lớn lên giống nhau thì các em sẽ là những con người rẻ tiền.
Xuyên suốt tiểu thuyết là những con Ếch, phiên âm là “oa”. Giống như một phần triệu tinh trùng có thể kết hợp với trứng, cũng chỉ có một phần vạn số nòng nọng lớn lên thành ếch. “Oa oa” tượng trưng cho việc đẻ nhiều con. Người tạo ra loài người theo quan niệm Trung Quốc cũng tên là Nữ Oa, “oa” trong “thanh oa” là tô tem của vùng Đông Bắc Cao Mật. Người đọc bắt gặp một Mạc Ngôn âm thầm chống chủ nghĩa duy vật cực đoan, một thứ tư tưởng cố tình xung đột với niềm tin của nhân dân Trung Quốc.
Một lối viết văn mới cho phép nhà văn viết về những đề tài cực kỳ nhạy cảm.