Việt Nam Thời Báo

 VNTB – VASEP tiếp tục đề nghị giảm phí công đoàn, bảo hiểm

Hàn Lam

 

(VNTB) – Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục kiến nghị cần xem lại quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đang quá cao.

 

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Theo VASEP thì cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với doanh nghiệp, để ‘sức khỏe’ doanh nghiệp được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao, và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại.

Từ nhìn nhận trên, VASEP cho rằng các mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn càng tăng thì thu nhập của người lao động càng giảm do quỹ lương của doanh nghiệp không thể tăng, trong bối cảnh các chi phí khác như điện, nước, nguyên liệu, bao bì, … đều tăng hoặc chuẩn bị tăng, trong khi giá bán sản phẩm gần như không tăng, thậm chí có sản phẩm còn giảm.

Phía VASEP đề nghị bãi bỏ việc thu phí công đoàn từ doanh nghiệp để bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mức đóng bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam tiếp tục đang cao nhất trong khu vực ASEAN, lên tới 32% mức lương tháng; trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10%. Theo tính toán đơn giản của doanh nghiệp, với một công nhân làm việc 10 năm, đóng bảo hiểm 100 triệu nhưng khi lĩnh ra chỉ được hơn 40 triệu.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành, lao động trong ngành thủy sản hầu hết không chờ để được hưởng lương hưu, vì chỉ khoảng gần 40 tuổi là họ nghỉ vì công việc không còn phù hợp với sức khỏe của họ.

Bình luận về kiến nghị trên, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận, “Chúng ta có 6 tổ chức chính trị – xã hội gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn Việt Nam.

Tất cả các tổ chức này đều cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên; tuyên truyền, vận động thành viên lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng tại sao chỉ có công đoàn thu kinh phí công đoàn của người sử dụng lao động 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, còn 5 tổ chức chính trị – xã hội khác không thu?

Chưa kể phí công đoàn thực chất chỉ là hội phí do hội viên đóng góp cũng cao hơn rất nhiều với 1% mức lương đóng bảo hiểm xã hội so với hội phí của các tổ chức khác”.

Cũng theo phân tích của vị luật sư trên, về cơ bản, các mức thuế suất của Việt Nam khá hấp dẫn, thấp hơn nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, nếu cộng các khoản mà doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp, trong đó có kinh phí công đoàn thì mặt bằng thuế suất của Việt Nam không hề thấp, làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nản lòng doanh nghiệp nội địa.

Theo quy định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có việc người lao động được tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể.

Điều đó có nghĩa là bên cạnh tổ chức công đoàn, người lao động có thể tham gia tổ chức tương tự, có thể tham gia cả 2 tổ chức hoặc chỉ tham gia một trong 2 tổ chức mà họ thấy phù hợp, thực sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

“Chính vì vậy, không thể quy định cứng nhắc là người lao động phải đóng bao nhiêu, doanh nghiệp phải đóng bao nhiêu vào quỹ công đoàn, vì nếu ấn định, người lao động có thể không tham gia vào công đoàn mà tham gia vào tổ chức khác”, vị luật sư ý kiến.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Về lá thư "tha thiết kiến nghị hoãn phê chuẩn EVFTA

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp ngành thép ở Việt Nam ‘tắt lò’

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nhà đầu tư Việt rút tiền để chơi Tết?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo