Việt Nam Thời Báo

VNTB – ​Vậy thì cuối cùng Bộ Y tế của Việt Nam muốn nói gì về Covid?

 

Mai Lan

(VNTB) – Bộ Y tế đề xuất F0, F1 có thể được phép đi làm trong thời gian cách ly?!

 

Được phép đi làm việc, nhưng…

Cụ thể, với người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly theo quy định là 7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, nếu tự nguyện tham gia làm việc, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm về 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (F1) nhưng chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc-xin tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng, hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.

Với hai nhóm đối tượng nêu trên đều được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

…Vẫn chưa thể coi đó là “bệnh lưu hành”

Tại báo cáo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế gửi Thủ tướng ngày 5-3, đề cập đến nội dung liên quan đến “bệnh đặc hữu”, Bộ Y tế cho biết “bệnh lưu hành” (endemic) còn được một số chuyên gia gọi là “bệnh đặc hữu” (có lẽ gọi là bệnh thông thường sẽ dễ hiểu hơn!).

Theo đó, đây là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Có 4 tiêu chí để đánh giá bệnh lưu hành gồm: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỉ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Bộ Y tế nhận định do đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2 nên sự cẩn trọng cho mọi quyết định là dễ hiểu.

Phía Bộ Y tế đưa ra bốn vấn đề bàn luận: Thứ nhất, trong nước, SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố, số ca nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả địa phương, tuy vậy dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.

Thứ hai, tỉ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những nơi mới có sự gia tăng mạnh.

Thứ ba, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây. Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ (ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm). Do đó, tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Từ bốn vấn đề trên theo Bộ Y tế trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành”.

Vẫn còn dịch nhưng không thông báo về số ca nhiễm nữa?

Bộ Y tế cho biết trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ 29-1 đến 28-2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc-xin cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc. Như vậy Việt Nam cơ bản bao phủ 2 liều vắc-xjn cho người từ 12 tuổi trở lên.

Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% là cơ bản đáp ứng tiến độ (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý 1-2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1-2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4-2022.

Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ, theo Nghị quyết 128 và căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Từ các viện dẫn trên, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARSCoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang, vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Ghi nhận bên lề đề xuất trên, ý kiến không đồng thuận chủ yếu là việc thông báo thể hiện sự minh bạch cho người dân và thế giới biết. Cụ thể ở Hà Nội khi dịch tăng nhanh, chẳng cần cấm dân tự biết ít ra đường, không tụ tập nhiều nên đường phố tự dưng vắng vẻ, phù hợp với yêu cầu của 5K.

Hơn nữa, niện nay công bố số ca mắc hàng ngày không còn gây hoang mang cho dân chúng, vì tỉ lệ tiêm chủng rất cao rồi, nếu không công bố thì lại dễ bị xuyên tạc lung tung, càng tai hại hơn. Công bố để người dân biết là dịch bệnh còn rất nhiều để tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Ngoài ra kể cả khi coi đó là “bệnh lưu hành” thì khi xác định sống chung với bệnh dịch cũng như sống chung với lũ, với bão, với động đất,.. chúng ta đều phải dự báo, thống kê cho người dân được biết. Nhiệm vụ các bộ ngành đều có công tác tổng hợp báo cáo định kỳ để nhà nước và người dân căn cứ vào đó triển khai các biện pháp phòng ngừa…

“Dù có coi Covid là bệnh ‘đặc hữu’ thì cũng nên giữ nguyên phụ cấp cho nhân viên y tế vì họ quá vất vả. Còn nếu như coi như bệnh đặc hữu mà kèm theo cắt đi phụ cấp nhóm A của bệnh truyền nhiễm thì rất thiệt thòi cho anh em” – không ít bác sĩ ý kiến như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tết này Việt kiều không về…

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngõ cụt trên quê hương(*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn chịu chơi

Phan Thanh Hung

1 comment

Chí Quang 08.03.2022 11:16 at 11:16

Bộ muốn nói “cám ơn covid đã mang lại cho chúng tôi một vụ mùa bội thu: bán kit test và thuốc không kịp nghỉ tay, tiền vô như nước”

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo