Phương Thảo
(VNTB) – Hận thù không làm người ta lớn lên, hận thù chỉ làm cho người ta yếu hèn.
Bob Kerry: ”Tôi sẽ rút lui nếu đặt trường vào thế khó”
Chuyến công du của Obama vẫn còn chưa nguội, người dân vẫn ngất ngây với các bài phát biểu đầy tính nhân văn một vị tổng thống đầy năng lượng, gần gũi và tươi cười, đi kèm với những cam kết hợp tác giữa hai nước về giáo dục, quân sự, thương mại, nhân quyền là việc Đại Học Fullbright được chính thức thành lập. Niềm vui con em nước Việt rồi đây sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt ngay trên chính quê hương mình do người Mỹ đảm nhận lại không còn được trọn vẹn. Bóng ma quá khứ vẫn ám ảnh cho dù hai bên đã đồng ý gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Nhũng cựu binh Mỹ đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh cho người Việt bằng cách nay hay cách khác. Thượng Nghị Sỹ bang Arizona John McCain đã tích cực thúc đẩy quá trình bình thường hóa, cùng với Ngoại trưởng John Kerry, hai vị này đã góp phần không nhỏ vào việc lệnh cấm vận vũ khí được gỡ bỏ hoàn toàn trong chuyến công du của Tổng Thống Obama mới đây ở Việt nam. Cựu Nghị Sỹ Bob Kerry đã miệt mài từ năm 1991 vận động và chuẩn bị cho đại học Fullbright. Hay như cựu chiến binh thường dân như David Edward Clark đã đến và sống ở Việt nam để trợ giúp những người dân nghèo Miền Trung. Cho dù bằng cách nào đi nữa, động cơ của những cựu chiến binh này là nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh, hàn gắn lại những hố ngăn cách để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng Bob Kerry đã bị chỉ trích nặng nề sau khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của Đại học Fullbright bởi ông đã tham gia vào cuộc thảm sát 21 dân thường ở Thạnh Phong ngày 25 tháng 2 năm 1969. Những người chỉ trích cho rằng Bob Kerry – không đáng làm gương mặt đại diện cho Đại học Fullbright và rằng Hoa Kỳ tại sao không chọn một gương mặt xứng đáng hơn. Theo đó là hàng loạt những người ủng hộ ý kiến Bob Kerry phải từ chức và được thay thế bằng một nhân vật khác. Nhiều người trong số những cư dân mạng ví Bob Kerry như một tên đồ tể phát xít đã tàn sát người Do thái trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Thế nhưng liệu có đạt được gì khi xoáy sâu vào quá khứ ngoài khơi dậy sự hận thù khi sự việc đã trôi qua gần 50 năm?
Không đánh người chạy lại
Chiến tranh vốn tàn khốc, không ai có thể phân định đâu là chiến tranh chính nghĩa và đâu là chiến tranh phi nghĩa khi sinh mạng của những người vô tội bị tước đi một cách vô lý khi những người tham gia chiến trận chỉ còn một chọn lựa hoặc sống hoặc chết. Người ta có quyền không thích Bob Kerry, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông đã dũng cảm đối diện với những sai lầm quá khứ và tìm cách làm những điều tốt đẹp hơn cho người dân nước Việt. Kerry có quyền không làm gì, bỏ mặc những gì trong quá khứ để đổi lại một cuộc sống “ít song gió hơn” nhưng Kerry đã không chọn con đường dễ dàng ấy. Bob Kerry có lẽ đã phải trải qua nhiều sự dằn vặt cá nhân để có thể đi đến quyết định vận động tài chính và các bước chuẩn bị cho việc thành lập Đại Học Fullbright ở tại Sài gòn nơi mà người Mỹ đã phải tháo chạy khỏi Việt nam gần nửa thế kỷ trước đây.
John McCain đã từng là tù nhân trong nhà tù Hỏa lò những năm chiến tranh leo thang và không có gì là lạ về những trận tra tấn tù binh của các quản giáo Việt nam với sự cố vấn của chuyên gia Cuba. John McCain có quyền căm thù người Việt, nhưng ông đã vượt qua sự hiểm khích để kéo hai nước cựu thù lại gần với nhau. John McCain đã làm được dù ông là nạn nhân trực tiếp. Những nạn nhân của Bob Kerry không còn sống để lên án ông ta và đồng đội nhưng cũng không cần phải có một lực lượng hùng hậu những người khác lên án thay và phẫn nộ thay. Cả John McCain, Bob Kerry và Jhn Kerry tin rằng cho dù có nhiều khác biệt thì với ý chí và những nỗ lực cần thiết đều có thể vượt qua và một trong các bằng chứng đó chính là nhiệt huyết của Kerry với đại học Fullbright.
Quá khứ đúng không thể xóa bỏ, nhưng cũng không ai có thể thay đổi quá khứ, quá khứ không thể lãng quên nhưng cứ bám vào quá khứ để khơi dậy nỗi đau của cả hai bên cũng không thể làm cho tương lại tốt đẹp hơn. Hận thù không làm người ta lớn lên, hận thù chỉ làm cho người ta yếu hèn. Người Việt vẫn hay nói đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại. Lòng vị tha là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi đau, người phạm lỗi vẫn có thể trở lại làm người tốt. Cả một thế hệ Hận thù đã đủ dài, hãy để cho thế hệ thứ hai, thứ ba trở được tự hào về lòng vị tha và sự nhân bản của người Việt cùng với việc được hưởng một nền giáo dục tốt ngay trên quê nhà.