VNTB – Vi phạm pháp luật thì cần phải đưa ra tòa để xử

VNTB – Vi phạm pháp luật thì cần phải đưa ra tòa để xử

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Đảng viên cũng cần phải bình đẳng với quần chúng, khi đã là “nghi phạm” thì cần xét xử ở các cấp tòa án thật tử tế, vì nguyên tắc công dân luôn được mặc định là vô tội.

 

Hồi trước thềm Hội nghị bất thường của Bộ Chính trị vào ngày cuối cùng của năm vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương có tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu gọi là “chỉ đạo”, trong đó đưa ra yêu cầu, “từ chức cần xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức.

Phát biểu được gọi là “mang tính chỉ đạo” này về sau được cho là “dọn đường” cho việc ‘trảm’ hai phó thủ tướng, nhưng không công bố trước quốc dân về sai phạm của hai “đồng chí” đó.

Tư cách là một đảng viên cùng ‘thờ phụng’ chung đảng cộng sản như ông Thường trực Ban Bí thư, người viết cho rằng ở đây ông Võ Văn Thưởng đã làm méo mó hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam.

Theo ông Thưởng, thứ nhất trong nội bộ Đảng đánh giá thấy chức trách, nhiệm vụ đó chưa hoàn thành thì có sức ép để đề cao tinh thần nêu gương, tự giác của người lãnh đạo đó. Thứ hai ngay cả xã hội có những lĩnh vực mà sai phạm xã hội người ta không đồng tình nếu mà để một người A, B, C cụ thể với những sai phạm mà vẫn còn ở cái vị trí công tác đó” – ông Võ Văn Thưởng diễn giải.

Có một thắc mắc mang tính nguyên tắc ở đây: Thường trực Ban Bí thư căn cứ vào đâu để cho rằng một người vi phạm pháp luật, và thay vì xử trí bằng một phiên tòa tương ứng, đàng này lại yêu cầu “nghi phạm” đó “phải từ chức”?

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 1, Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Xin nhắc lại với ông Võ Văn Thưởng về 5 nội dung cụ thể của nguyên tắc này mà tin rằng ông phải được biết khi giữ quyền cao chức trọng là “Thường trực Ban Bí thư”:

Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.

Như vậy việc ông Thưởng kêu gọi “tạo sức ép trong nội bộ Đảng” để buộc một quan chức nào đó phải từ chức, là hành vi vi hiến. Lưu ý, điều 4.3 Hiến pháp 2013 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.

Quy định trên có nghĩa không phân biệt nghi phạm là đảng viên, hay quần chúng. Và như vậy, nếu thực thi theo kêu gọi “tạo sức ép trong nội bộ Đảng”, hóa ra ở Việt Nam vấn đề gọi là cải cách tư pháp chỉ là một chính sách mang tính hình thức của thái độ cầu thị giả tạo từ Bộ Chính trị.

Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do luật tố tụng hình sự quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,… và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.

Các nội dung trên có nghĩa “tạo sức ép trong nội bộ Đảng” cho yêu cầu “từ chức” là những mệnh lệnh cảm tính của Thường trực Ban Bí thư, không tuân thủ về cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu “tạo sức ép trong nội bộ Đảng”, hóa ra đây là “gợi ý” để phe nhóm quyền lực triệt nhau một cách êm đẹp mà trên thực tế chưa biết ai sai phạm hơn ai; đặc biệt là vì sao lại có các sai phạm đó?

Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Nếu “suy đoán vô tội” như nội dung trên được thực thi, vậy tại sao lại phải “từ chức” khi “nội bộ Đảng” đang cố tình “tạo sức ép” theo yêu cầu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)