VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần đàm phán với Tổng bí thư Tập Cận Bình về ‘ngoại giao vắc xin’

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần đàm phán với Tổng bí thư Tập Cận Bình về ‘ngoại giao vắc xin’

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại điều này trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Sáng ngày 1-9, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2021). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ kỷ niệm tại trụ sở Chính phủ, và được tổ chức trực tuyến tới các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước, tổ chức quốc tế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không tham dự.

Diễn văn của Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều đoạn nhắc đến vắc xin và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế:

“Việt Nam hết sức trân trọng cảm ơn các quốc gia, bạn bè, tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; trong đó phải kể đến khối lượng lớn vắc xin, thuốc và trang thiết bị y tế mà Việt Nam đã nhận được.

Đồng thời, cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên khắp thế giới được an toàn, mạnh khỏe.

Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao những nghĩa cử vô cùng cao đẹp này, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc, sự đoàn kết bền vững giữa Việt Nam và bè bạn khắp năm châu.

Đại dịch sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hợp tác chặt chẽ rồi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa! Đã gắn bó rồi phải gắn bó hơn nữa! Đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa! Cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch.

Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. (dừng trích).

Đáng chú ý là trong diễn văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có đoạn nhắc đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với GDP bình quân đầu người hơn 3.500 USD. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Dễ nhận ra sự ẩn ý có chủ đích: nếu quả thực “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, thì sẽ không có chuyện Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục kêu gọi “ngoại giao vắc xin”.

Ở đây có thắc mắc lớn nhất: vì sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không hưởng ứng “ngoại giao vắc xin”, qua việc có các xúc tiến kêu gọi sự hỗ trợ của Tổng bí thư Tập Cận Bình, để nhập về những vắc xin như Sinopharm tới đơn vị cả vài triệu liều mà một tập đoàn đã ‘biếu không’ cho chính quyền TP.HCM?

Theo như những gì mà báo chí nhà nước tuyên truyền, thì cho đến thời điểm hiện tại, vắc xin Sinopharm của Trung Quốc vẫn được đánh giá là một trong những loại vắc xin hiệu quả trong việc phòng bệnh Covid-19, góp phần giảm thiểu thiệt hại mà dịch bệnh gây ra trên quy mô toàn cầu.

Rất có thể ở đây cản trở việc “ngoại giao vắc xin” giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng bí thư Tập Cận Bình là từ Bộ Ngoại giao, lúc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng.

Ở bài báo trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 25/2/2021, “Việt Nam nói gì về khả năng mua vắc xin COVID-19 của Trung Quốc và Nga?”, tường thuật như sau:

“Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện nay Việt Nam cũng tiếp tục tập trung nguồn lực cao để có thể triển khai, nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước. Các nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin trong nước đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam mong muốn tiếp cận nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, mức giá hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bà nói thêm.

Trong khi đó, nhận câu hỏi tương tự về việc Việt Nam có mua vắc xin Trung Quốc hay không, người phát ngôn Thu Hằng trả lời: “Ngoài những nguồn vắc xin như đã nêu ở trên, hiện nay Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với các đối tác khác trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước”.

Theo bài báo thì, “Thời gian qua Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vắc xin trên thế giới, trong đó có COVAX Facility, AstraZeneca, Pfizer, và Sputnik V của Nga, để có thể triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất”.

Có nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang đàm phán với nhiều nhà cung cấp, trong đó có Nga, và không đề cập đến Trung Quốc – một quốc gia đồng minh bậc nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phải chăng ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không dám mạo hiểm đặt niềm tin vào vắc xin của Trung Quốc đang được chích cho đồng bào của mình ở ít nhất là các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, Hải Phòng?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)