VNTB – Vì sao không thẳng thắn tranh luận? 

VNTB – Vì sao không thẳng thắn tranh luận? 

 

Thạch Hãn 

 

(VNTB) – Phía cáo buộc tội trạng theo điều luật hình sự 117 thường không chấp nhận yêu cầu sòng phẳng tranh biện một cách tử tế về những nội dung bài viết từ phía đương sự bị buộc tội. 

 

Đấu tranh để hạn chế được thấp nhất rủi ro thì cần phải tìm hiểu pháp luật trong nước và quốc tế, nắm bắt tình hình kinh tế – chính trị quốc tế. Nếu không sòng phẳng, không minh bạch nó sẽ bị biến thành công cuộc ô hợp, “đổi vỏ dưa” lấy “vỏ dừa”. 

Luật sư chuyên về án chính trị ở Hà Nội, ông Hà Huy Sơn đã có ý kiến như trên khi bàn về nhu cầu dân chủ. Ông Sơn cho rằng, “mọi sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần từ bên ngoài đều là rất quý nhưng sự giúp đỡ đó có lớn đến đâu đi chăng nữa thì “chi phí” cho nhu cầu này vẫn chính là người dân trong nước. Luật chơi “Ai bỏ tiền thì người đó gọi nhạc” về cơ bản không bao giờ thay đổi. 

Đa số người dân cho dù sống ở thể chế dân chủ hay độc tài thì cũng coi đó chỉ là phương tiện, mưu cầu hạnh phúc mới là mục đích”. 

Ông nhận xét không sai, nhưng đã cố tình lãng tránh một sự thật là phía cáo buộc tội trạng theo điều luật hình sự 117, thường họ không chấp nhận yêu cầu sòng phẳng tranh biện một cách tử tế về những nội dung bài viết từ phía đương sự mà họ buộc tội. 

Xin dẫn chứng ở đây về cá nhân ông Nguyễn Tường Thụy, người đang thụ án tại tỉnh Bình Dương. Trong hai lá đơn được ông Thuỵ viết từ trại giam An Phước vào ngày 14-9-2021, ông Thuỵ cho biết nội dung đơn xem xét giám đốc thẩm đề cập đến chín nội dung, trong đó có các nội dung chính là: Ngụy tạo vật chứng: Kết luận điều tra viết có thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà. Tuy nhiên, ông Thuỵ cho biết khi công an khám nhà, cán bộ không thu giữ được bộ hồ sơ nào. Tài liệu đó là do họ tự lên mạng tải về. 

Bản án phản ánh không đúng với diễn biến của phiên tòa: Theo bản án, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ khai nhận toàn bộ hành vi, nhưng lại có đoạn Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ đề nghị trả hồ sơ điều tra lại. Theo ông Thuỵ, đây là hai việc mâu thuẫn nhau, vì đã khai nhận toàn bộ sao lại đề nghị điều tra lại?. 

Về đơn tố cáo, ông Thuỵ nói Cơ quan An ninh điều tra đã làm sai lệch nội dung các lời khai, nguỵ tạo vật chứng, gán ghép hành vi… Ngoài ra, còn có việc cưỡng bức lấy dấu vân tay, gây thương tật bên bàn tay trái. 

Phiên xét xử vụ án trên, phía luật sư bào chữa lẫn các đương sự đều yêu cầu triệu tập phía giám định tư tưởng để cùng tranh biện mà những viên chức này đã cáo buộc, thế nhưng đã không được đáp ứng. 

Như vậy thử hỏi nhu cầu dân chủ trong các trường hợp như vậy phải chọn cách ứng xử ra sao? 

Tin rằng không chỉ ông Nguyễn Tường Thụy, mà với một trí thức được đào tạo khoa bảng như ông Phạm Chí Dũng, hay một người đang theo học ngành luật ở bậc đại học như ông Lê Hữu Minh Tuấn, họ rất am tường chuyện quy định của pháp luật ở xứ sở – nói như nhận xét đề đời thuở sinh tiền của nữ luật sư Ngô Bá Thành, “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. 

Theo đó thì những yêu cầu của ông Nguyễn Tường Thụy đều năm trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, với việc đối đáp, tranh luận được bắt đầu sau khi kết thúc giai đoạn thẩm vấn, xét hỏi công khai.  

Đầu tiên, kiểm sát viên phải trình bày luận tội (Điều 321); tiếp theo, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận về luận tội của kiểm sát viên. Dưới sự chủ trì của chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (Điều 322)… 

Thế nhưng thực tế về những phiên tòa “một chiều” của cáo buộc theo án chính trị cho thấy dường như tất cả đều phải “theo định hướng chỉ đạo án”, chứ không phải là sự tường minh đến từ pháp luật dân chủ. 

Thay lời kết ở đây bằng một ví von hơi dài dòng chút so với ngắn gọn kiểu như cố luật sư Ngô Bá Thành: Pháp luật là công cụ. Nhà nước là người làm vườn thuê. Nếu công cụ hư hỏng kém hiệu quả, thì ta sửa đổi, mua mới cái pháp luật ấy. Còn nếu công cụ ‘ô-kê’ mà cỏ vườn vẫn bao la thì do gã làm công ảnh lười, ảnh kém năng lực. Lúc đó thì ta nên đuổi việc, kêu thằng khác lên làm…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Muốn vậy phải có bầu cử tự nhiên, tam quyền phân lập.