Loan Thảo
(VNTB) – Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ lên tiếng về việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ‘nấn ná’ trước việc báo Phụ nữ TP.HCM đã có hành vi “kích động người dân vi phạm Luật Báo chí”.
Câu hỏi đặt ra: cáo buộc ở trên cho thấy đây là hành vi có dấu hiệu hình sự, vì sao bà dân biểu Nguyễn Thị Kim Thúy không yêu cầu khởi tố vụ án, mà lại muốn dùng mệnh lệnh hành chính để xử lý vụ việc?
Theo văn bản phát hành ngày 8-6-2020, người ký là phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thì chất vấn của bà Nguyễn Thị Kim Thúy tóm tắt như sau:
“Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh online liên tiếp đăng tải các bài viết sai sự thật, có biểu hiện vu khống, quy chụp, xúc phạm chính quyền địa phương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây hoang mang, kích động người dân vi phạm Luật Báo chí. Tuy nhiên đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có động thái nào chấn chỉnh, xử lý hành vi này.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết: Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về các bài viết trên?”.
Có các vấn đề đặt ra từ ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thúy trên cương vị là một đại biểu của người dân Đà Nẵng:
Thứ nhất, nếu một số bài viết đăng trên báo Phụ nữ TP.HCM có hàng loạt dấu hiệu như mô tả là “sai sự thật, biểu hiện vu khống, quy chụp, xúc phạm chính quyền địa phương, xúc phạm Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây kích động dân chúng”, thì về nguyên tắc, trước tiên bà Nguyễn Thị Kim Thúy phải có văn bản yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, căn cứ vào quyền hạn được quy định tại Điều 4 “Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân”, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, thực hiện việc làm rõ hàng loạt dấu hiệu kể trên của báo Phụ nữ TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy là đại biểu Quốc hội chuyên trách cấp Trung ương. Theo lý lịch khoa học đăng trên trang web Quốc hội Việt Nam, thì bà Nguyễn Thị Kim Thúy có học hàm cử nhân luật, cao cấp lý luận chính trị.
Với trình độ “cao cấp lý luận chính trị”, tất yếu bà Nguyễn Thị Kim Thúy hiểu rõ mối nguy cho chế độ khi dân chúng bị kích động, bà cũng hiểu rõ là để xử lý vụ việc được tiếng dân chủ, thì cần đến chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên nội vụ cho thấy dường như bà đã không đi theo trình tự pháp lý tư pháp này.
Thứ hai, vì sao bà Nguyễn Thị Kim Thúy lại yêu cầu việc xử lý những nghi vấn có dấu hiệu hình sự qua một số bài viết trên báo Phụ nữ TP.HCM, bằng các quyết định hành chính? Nếu quả thực ở đây chỉ xét mỗi hành vi “kích động người dân vi phạm Luật Báo chí”, trong bối cảnh chuẩn bị đại hội đảng các cấp trên toàn quốc, đã có thể khởi tố vụ án hình sự. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, bị hại từ một số bài viết trên báo Phụ nữ TP.HCM, còn có cụ thể là “Thủ tướng” cùng dàn nội các Chính phủ.
Như vậy, với việc hành chính hóa một dấu hiệu nghi vấn vi phạm hình sự, cho thấy có quyền ngờ vực ‘động cơ chất vấn’ của bà Nguyễn Thị Kim Thúy với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – một người là đồng hương Quảng Nam của bà Nguyễn Thị Kim Thúy (!?)