VNTB – Vì sao lại yêu cầu ‘bắt khẩn cấp’ đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái?

VNTB – Vì sao lại yêu cầu ‘bắt khẩn cấp’ đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đang tiến hành các thủ tục đề nghị các cơ quan tố tụng bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái.

 

Chiều 30-12, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM xác nhận với báo chí rằng Hội đang tiến hành các thủ tục kiến nghị các cơ quan tố tụng bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985, ngụ quận 1, TP.HCM).

“Suốt một thời gian dài, ông Thái không thể nào nói rằng không biết cháu bị đánh đập dã man như vậy, ông Thái còn chở cháu đi khâu vết thương. Chúng tôi sẽ kiến nghị bắt người cha này để tránh sót người lọt tội” – luật sư Nữ nói.

Một ngày trước đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có văn bản gởi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ vai trò, trách nhiệm của ông Nguyễn Kim Trung Thái, cha ruột bé gái bị bạo hành tử vong ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, đồng thời, làm rõ vai trò trực tiếp của Nguyễn Võ Quỳnh Trang.

Tạm gác qua cảm xúc phẫn nộ đối với những kẻ thủ ác dẫn đến cái chết thương tâm này, đứng về mặt pháp luật, việc yêu cầu ‘bắt khẩn cấp’ ông Nguyễn Kim Trung Thái xem ra đồn đoán về thế lực “con ông cháu cha” ở đây là có thật.

Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định bắt người là một biện pháp ngăn chặn, và không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Theo đó, các trường hợp được phép bắt người bao gồm:

Một, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm, hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm, và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, nếu xét thấy cần thiết, sẽ ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Hai, bắt người phạm tội quả tang. Ba, bắt người đang bị truy nã. Bốn, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Năm, bắt người bị xem xét yêu cầu dẫn độ.

Biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp khác với các biện pháp tố tụng khác ở mục đích áp dụng chúng. Mục đích của biện pháp bắt khẩn cấp này là kịp thời ngăn chặn tội phạm; Tránh các trường hợp việc bị can, bị cáo sẽ gây thêm tội phạm làm khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; Không để cho bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội; Bảo đảm việc thi hành án.

Trong khi đó, các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự khác như khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể có mục đích bảo đảm thu thập chứng cứ; các biện pháp kê biên tài sản, áp giải, tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm có mục đích bảo đảm tiến hành tố tụng.

Biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp không có tính chất trừng phạt, bởi lẽ đối với người bị áp dụng chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật; chúng chỉ mang tính chất bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện thuận lợi.

Những tài liệu, bằng chứng, chứng cứ về việc bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện tội phạm, sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hay có thể trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc sẽ cản trở việc thi hành án đó được coi là cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn. Thêm vào đó những tài liệu, chứng cứ này phải đáp ứng những căn cứ do Bộ luật này quy định.

Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nếu không có cơ sở pháp lý nói trên, thì không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp.

Tất cả vấn đề mang tính lý thuyết ở trên, chắc chắn vị Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM hiểu rất rõ, nhưng bà vẫn đưa đến quyết định yêu cầu “bắt khẩn cấp”, vì rất có thể những đồn đoán đàng sau vụ án này là có thật, khi ông Nguyễn Kim Trung Thái và bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang đều thuộc thành phần “con ông – cháu cha” trong bộ máy cầm quyền của Đảng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)