Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao ông bộ trưởng đề nghị thay đổi bia mộ liệt sĩ ‘vô danh’?

Chi Lăng

(VNTB) – “Gươm anh linh đã bao lần vấy máu/ Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình/ Rừng trầm phai sắc/ Thấp thoáng tàn canh/ Hỡi người chiến sĩ vô danh” – trích lời ca khúc “Chiến sĩ vô danh” của Phạm Duy.

Bài hát “Chiến sĩ vô danh” được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 1945 – 1946. Bài hát nói lên vẻ hào hùng anh dũng của những chiến sĩ lên đường bảo vệ tổ quốc thời gian đó. Lời và nhạc đầy ma lực của bài “Chiến sĩ vô danh” khó có thể nói đó là bóng đoàn quân hay bóng những linh hồn tử sĩ vẫn hành quân trên chặng đường cứu quốc dù xác đã tan vào đất mẹ.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra lập luận thế này cho yêu cầu thay các mộ bia “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”: “Những người đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước đều có danh tính cụ thể, như họ và tên, năm sinh, quê quán. Vì những điều kiện khác nhau, chúng ta chưa xác định lại được thông tin của các liệt sĩ. Do vậy cần thống nhất tên trên những tấm bia này là liệt sĩ chưa xác định được thông tin, không nên để là “vô danh”.

Phát ngôn trên được ông Đào Ngọc Dung chỉ đạo tại cuộc họp chuẩn bị cho Chương trình Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ, diễn ra ngày 4-6-2020 tại Hà Nội. Về ngân sách, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trương dùng một phần nguồn kinh phí có sẵn và nguồn kinh phí từ các địa phương để sửa toàn bộ các bia mộ còn ghi chữ “vô danh” theo đúng quy định đã hướng dẫn.

“Việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, thống nhất tên trên những tấm bia này là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không nên để “vô danh” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đúng là hàng trăm ngàn những tấm bia mộ chưa xác định được thông tin trong các nghĩa trang không thể nói cho thân nhân đang mòn mỏi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ biết người nằm dưới mộ là ai.

Nỗi đau khi nhìn những dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”, “Chưa biết tên”, “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”… của của gia đình các liệt sĩ cũng chính là nỗi đau chung của mọi người dân Việt Nam. Bởi vậy, “trả lại tên” cho những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm của các các cơ quan chức năng, mà còn của tất cả những người hôm nay đang sống trong hòa bình.

Trong bối cảnh đất nước vẫn đang gượng dậy sau dịch giã Covid, có lẽ phần ngân sách dùng để “thay bia mộ”, nếu thật sự vì quyền lợi của thân nhân người nằm xuống, thì hãy dùng số tiền đó cho công việc nghiên cứu khoa học trong việc xác định tìm lại tên cho người lính đã ngã xuống ấy, như qua phân tích mã di truyền ADN, qua rà soát các dữ liệu điện tử về lập mã số định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu đang tiến hành lâu nay…

Nếu quan tâm về chuyện chữ nghĩa của “liệt sĩ vô danh”, thì ở đây đúng là có các vấn đề cho thấy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dường như đang tìm cách tiêu tiền ngân sách hơn là công việc thực chất. Bởi nếu là “chưa xác định được thông tin” thì làm sao biết được hài cốt ấy có phải là người lính “bộ đội cụ Hồ” để rồi thay bia mộ?

Có ý kiến là dường như ông Đào Ngọc Dung đang bị chứng “hậu Covid” nên ông quên mất rằng trước đây trong những lần theo đoàn công tác của Quốc hội, của Chính phủ sang Liên bang Nga, ông đã cùng đặt vòng hoa viếng ngôi mộ liệt sĩ vô danh Liên bang Nga được đặt tại bức tường Điện Kremlin trong Vườn Aleksandrovsky.

Năm 1966, vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày đánh tan đội quân Đức Quốc xã bao vây Moscow năm 1941, hài cốt của một chiến sĩ Hồng quân (không rõ danh tính) hy sinh khi tham gia trận chiến đẫm máu này (trên xa lộ Leningrad, cách trung tâm Moscow 41 km), đã được đưa về chôn cất dưới chân tường thành Kremlin.

Ngay bên trên nơi chôn cất người chiến sĩ vô danh, chính quyền Liên Xô đã lập một ngôi mộ bằng đá hoa, bên trên đắp nổi ngôi sao 5 cánh. Bên cạnh ngôi mộ, trên bờ thành cao chừng nửa mét có lá cờ Chiến thắng, cành nguyệt quế và một chiếc mũ sắt Hồng quân (tất cả đều được làm bằng đồng). Hàng ngày, luôn có hai quân nhân túc trực bên mộ.

Ngày 08-5-1967, ngọn lửa vĩnh cửu đã được thắp sáng lên trên mộ Chiến sĩ vô danh để ngàn đời tưởng nhớ những người lính Hồng quân đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941 – 1945. Kể từ đó, ngọn lửa vĩnh cửu bên chân tường Điện Kremlin chưa bao giờ tắt trong suốt hơn 50 năm qua.

Ở Mỹ, trong Nghĩa trang Quốc gia, trên một khu đồi yên tĩnh vùng phụ cận thủ đô Washington nhìn xuống dòng sông Potomac lịch sử, nơi an nghỉ cuối cùng của một số chính khách và hàng trăm ngàn quân nhân nam nữ Hoa Kỳ đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước cũng như cho lý tưởng tự do và hòa bình trên khắp thế giới, có một ngôi mộ mà hàng năm có hàng triệu người đến thăm viếng. Đó là Ngôi mộ Chiến Sĩ Vô Danh, tượng trưng cho các chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, Cuộc chiến Triều Tiên, và Chiến tranh Việt Nam.

Sự hình thành ngôi mộ này đã bắt nguồn từ khi có nhiều tử sĩ của Mỹ trong Thế chiến thứ nhất không thể xác định được lý lịch trong khi quốc gia muốn có một hình thức nào đó để nói lên lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì tổ quốc và lý tưởng tự do trên thế giới…

Bên trên ngôi mộ Chiến Sĩ Vô Danh này có khắc hàng chữ: “Đây là nơi an nghỉ trong vinh quang và danh dự của một chiến binh Hoa Kỳ mà chỉ có Thượng Đế mới biết được lý lịch của người nằm trong hầm mộ”.

Người cộng sản Việt Nam có thể không tin vào Thượng Đế, nhưng nếu chỉ là “thay bia mộ” thì điều đó quả là cần lý giải qua lăng kính của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trung ương.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quảng cáo sâm Ngọc Linh

Trương Thế Tử

VNTB – Tỉnh ủy có phải đền bù giao kèo vì hủy mua vào giờ chót?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng đã xướng tên Bộ trưởng “quay cóp” Đào Ngọc Dung

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Văn Bảo 08.07.2022 7:18 at 07:18

Với tình hình này sẽ nảy nòi ra Đại dự án :”LÀM MỚI BIA MỘ LIỆT SỸ”, Bộ Lao động thương binh xã hội sẽ làm chủ đầu tư dự án để vinh danh các anh hùng liệt sỹ-Kiếm chác trên thân xác của người đã khuất.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo