VNTB – Vì sao vẫn chỉ là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

VNTB – Vì sao vẫn chỉ là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

Hồng Dân

 

(VNTB) – Trưa 17-2-2024, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn công tác đã đến nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

 

Gần như năm nào cứ đến mùa này là người ta lại thấy đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc giữ gìn biên giới phía Bắc tổ quốc.

Tại mặt trận Vị Xuyên, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu, giành giật với giặc xâm lược Trung Quốc từng chiến hào, từng cao điểm với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”, quyết tâm chặn đứng quân xâm lược, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Cuộc chiến đấu đã giành thắng lợi oanh liệt, nhưng tổn thất, hy sinh vô cùng to lớn; hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; trên 9.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương, hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa được tìm thấy và quy tập, hàng ngàn hec-ta đồi núi vẫn còn sót lại bom mìn, vật nổ.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được khởi công xây dựng năm 1990 hoàn thành năm 1991. Qua nhiều lần tu bổ và cải tạo, nay đã khang trang, quy mô hơn để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh cho tổ quốc. Tuy nhiên tới nay, sau 40 năm, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên chưa được tìm thấy, chưa được cất bốc, quy tập các anh trở về với đồng đội, quê hương.

Quân sử Việt Nam kể rằng phía Trung Quốc đã âm mưu vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5 km. Theo đó, biên giới Việt Nam – Trung Quốc sau sự kiện tháng 2 năm 1979 vẫn luôn căng thẳng. Trung Quốc thường xuyên dùng pháo, cối bắn vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi phía bên kia còn đưa lực lượng biên phòng hoặc bộ đội địa phương tấn công vào một số đồn biên phòng và trận địa phòng ngự của Việt Nam. Vì thế, đòi hỏi quân và nhân dân Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh trả tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm biên giới, những hành động gây hấn, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, ngày 28-4-1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc vào Việt Nam. Trung Quốc đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu với hơn 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 3 sư đoàn pháo binh và các đơn vị pháo binh của các sư đoàn bộ binh (tổng cộng hơn 400 khẩu pháo lớn các loại), trên 1000 xe cơ giới phục vụ cho chiến đấu… tiến công toàn diện vào Vị Xuyên từ năm 1984 – 1989.

Lần này, Trung Quốc không tấn công trên chính diện rộng mà tập trung tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang). Với một chính diện khoảng 20km, sâu khoảng 10km; mục tiêu là lấn tới bắc suối Thanh Thủy để vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5km.

Một câu hỏi được đặt ra là, trên tuyến biên giới dài cả nghìn ký lô mét, tại sao Trung Quốc lại chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tiến công lấn chiếm sau cuộc chiến tranh tháng 2-1979 mà họ gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học” đã kết thúc?

Thứ nhất, biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang) là địa bàn hẻo lánh, xa Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… hơn 300 km; duy nhất chỉ có quốc lộ số 2 chạy từ thị xã Hà Giang tới Hà Nội. Khu vực Vị Xuyên phần lớn là núi đá, cao từ biên giới, thấp dần vào nội địa Việt Nam. Địa hình phía Trung Quốc là vùng núi cao nguyên rộng, thuận lợi cho việc triển khai đội hình lớn để tấn công Việt Nam. Còn địa hình phía Việt Nam rất khó cho việc triển khai đội hình lớn để phòng thủ và phân công; việc vận chuyển, chi viện các mặt từ phía sau lên mặt trận cũng rất khó khăn.

Thứ hai, mục đích của quân Trung Quốc lúc đó là thu hút càng nhiều càng tốt binh lực của Việt Nam trên tuyến biên giới, tác động tới công cuộc tái thiết kinh tế, làm cho Việt Nam suy yếu. Vị Xuyên là địa bàn “lý tưởng” để thực hiện ý đồ cũng như âm mưu này.

Thứ ba, bản thân phía Trung Quốc rất sợ chiến tranh lan rộng và bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng đến chương trình “bốn hiện đại hóa” của họ. Mặt khác, đánh vào Vị Xuyên, Trung Quốc cho rằng, họ sẽ chủ động được về thời gian, không gian, quy mô, lực lượng cũng như cường độ để thực hiện các cuộc tiến công. .

Ngoài ra, một trong những lý do mà Trung Quốc chọn địa bàn Vị Xuyên để tập trung lực lượng tấn công là nếu như đánh ở Lạng Sơn, Trung Quốc sẽ khó giấu được cuộc chiến tranh xâm lược với dư luận trong nước và quốc tế. Còn ở Hà Giang (khi đó là Hà Tuyên) là tỉnh hẻo lánh ở biên giới phía Bắc của nước ta, chỉ với một đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở nên tạo điều kiện thuận lợi để tấn công từ trên cao. Nếu chiếm thành công Hà Giang, quân địch có nhiều cơ hội để lấn sâu hơn vào biên giới nước ta.

Để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc đó, trong 5 năm (từ 1984 đến 1989), Việt Nam đã lần lượt huy động tới hàng chục sư đoàn chủ lực, các trung đoàn bộ binh địa phương, đặc công; một số trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, công binh, hóa học… hàng vạn dân quân, du kích tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên, hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ cho mặt trận Vị Xuyên.

…Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, Việt Nam đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đó là “lò vôi thế kỷ”. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới.

Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất cũng rất to lớn. Hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…

Trong bối cảnh lịch sử ấy, đáng tiếc thay trong suốt thời gian gần 3 nhiệm kỳ trong vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, người ta chưa chứng kiến lần nào về sự hiện diện của Tổng bí thư ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 5 months

    “Vì sao vẫn chỉ là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?”

    Một tác giả khác cũng trên VNTB đã chỉ ra Trương Tấn Sang là Cộng Sản thoái hóa, đi chùa cúng bái tá lả . Thoái hóa nên làm những chiện chời ơi đất hỡi này thui