Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì Việt Nam ‘đang phát triển’ nên đành sử dụng vắc xin Trung Quốc?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Dù vắc xin Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn … nhưng lại mang đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và đang phát triển

 

Chúng ta không thể so sánh đối đầu vắc xin (head-to-head) do cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế các nghiên cứu, nhưng về tổng thể, mọi vắc xin đã có mặt trong trong Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO đều hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nặng và nhập viện do Covid-19.

Thông tin trên là được trích ở trang web Tổ chức Y tế thế giới, phiên bản Việt ngữ về nội dung tham vấn “Những điều cần biết về vắc xin phòng Covid-19 của Sinopharm”.

Trên trang web Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations International Children’s Emergency Fund – UNICEF), trong thông tin được viết bằng Anh ngữ có nội dung về “UNICEF ký thỏa thuận cung cấp vắc xin Sinovac Covid-19, cho biết có yêu cầu như sau (chuyển Việt ngữ): “Việc giao hàng có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 8 với điều kiện là các quốc gia sẵn sàng nhận chúng. Khung phân bổ Covax sẽ xác định việc phân bổ liều lượng cho những người tham gia Covax có tính đến khả năng tiếp cận, mức độ sẵn sàng của quốc gia, nguồn cung cấp vắc xin thông qua Covax cho đến nay, các khía cạnh vận hành và cung cấp, và các thông số khác”.

Như vậy, tin tức “Bắc Hàn từ chối gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ Covax”, là không gì ngạc nhiên và cũng không liên quan đến thuyết âm mưu về chính trị hóa.

Mẫu câu tương tự ở trên cũng được sử dụng với vắc xin của hãng Sinopharm. Và cho đến nay Việt Nam chưa tiếp nhận cả hai loại vắc xin Sinovac và Sinopharm từ Covax.

Tin tức cho biết Covax dự kiến tổng cộng có khoảng 380 triệu liều vắc xin Sinovac và tổng cộng 170 triệu liều vắc xin Sinopharm có sẵn cho những người tham gia Covax, tính đến nửa đầu năm 2022.

Dường như lựa chọn vắc xin Sinovac được nhiều quốc gia chấp nhận hơn so vắc xin cũng của Trung Quốc là Sinopharm.

Trong bài viết trên Reuters cho biết Bộ Y tế Thái Lan ngày 2/9 loan báo liệu pháp kết hợp 1 liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc với 1 liều vắc xin AstraZeneca của Anh là an toàn và tăng miễn dịch thành công nơi 1,5 triệu người đầu tiên được tiêm.

Từ tháng 7, Thái Lan trở thành nước đầu tiên trên thế giới kết hợp 1 liều vắc xin Trung Quốc với 1 liều vắc xin do phương Tây bào chế trong lúc số ca nhiễm và tử vong vì Covid trong nước tăng cao và chính phủ chật vật tìm nguồn cung ứng vắc xin.

“Công thức cộng gộp đã được tiêm cho hơn 1,5 triệu người và an toàn. Vui lòng đừng tung tin gây hoang mang”, giới chức y tế cao cấp Supakit Sirilak tuyên bố tại một cuộc họp báo. Ông cho biết Thái Lan, nước hiện đang xuất xưởng vaccine AstraZeneca, sẽ không tiêm hai liều vắc xin CoronaVac của Sinovac (Trung Quốc) cho dân chúng nữa.

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Thái kêu gọi các nhà lập pháp chớ chỉ trích Sinovac, bảo vệ công chúng Thái Lan và tránh làm hại các quan hệ với Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề hộ chiếu vắc xin, tin tức Du khách đã được tiêm chủng Covid-19 vào Canada, thì dự kiến từ ngày 7/9/2021, tất cả các công dân nước ngoài khác đủ điều kiện để được miễn trừ cho khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ với cụ thể vắc xin Covid-19 được chấp nhận ở Canada: Pfizer-BioNTech (Comirnaty, tozinameran, BNT162b2); Moderna (mRNA-1273); AstraZeneca / COVISHIELD (ChAdOx1-S, Vaxzevria, AZD1222); Janssen / Johnson & Johnson (Ad26.COV2.S).

Các loại vắc xin hiện không được chấp nhận cho tình trạng đã được tiêm chủng đầy đủ ở Canada: Công nghệ sinh học Bharat (Covaxin, BBV152 A, B, C); Cansino (Convidecia, Ad5-nCoV); Gamalaya (Sputnik V, Gam-Covid-Vac); Sinopharm (BBIBP-CorV, Sinopharm-Vũ Hán); Sinovac (CoronaVac, PiCoVacc); Viện Vector (EpiVacCorona).

Phía Canada cũng lưu ý rằng danh sách các loại vắc xin được chấp nhận có thể mở rộng trong tương lai.

Bên cạnh những bài báo hiện tại trong hệ thống nhà nước Việt Nam có nội dung cổ súy cho việc cần thiết chích ngừa vắc xin Sinopharm (BBIBP-CorV), thì trước đó đã có những bài báo khuyến cáo khi chọn sử dụng vắc xin này.

Ngày 2/8/2021, báo Lao Động, cơ quan thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có bài “Hiệu quả chống COVID-19 của vaccine Sinovac và Sinopharm đến đâu?”. Bài báo có đoạn:

Hiện nay, Sinopharm tuyên bố hiệu quả của vaccine này là 86%, giá thành 29 USD/mũi, chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vaccine chủ yếu đã được tiêm tại các quốc gia Brazil, Pakistan, UAE, Nga và các nước khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về vaccine đã được WHO phê chuẩn của Sinopharm (Sinopharm Bắc Kinh), hiệu quả thử nghiệm của vaccine Vero Cell chưa được chứng minh là có thể chống được bệnh diễn biến nặng ở phụ nữ có thai, những người mắc bệnh nền, người trên 60 tuổi. Đó là những từ ngữ không xuất hiện trong thông tin về vaccine Pfizer, Astra-Zeneca, Moderna hoặc Sinovac” (dừng trích).

Trước đó, hôm 8/6/2021, báo Tuổi Trẻ có bài viết, Vắc xin Trung Quốc hiệu quả đến đâu?, ngay đoạn mở đầu, bài viết đã có kết luận giúp giải tỏa thắc mắc vì sao Việt Nam mua về đến 5 triệu liều vắc xin Sinopharm:

Dù vắc xin Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn 7 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua như Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca… nhưng lại mang đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và đang phát triển”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cập nhật tin tức dịch bệnh virus coronavirus ngày 7/1/2020

Phan Thanh Hung

VNTB – Những kịch bản nào dự liệu cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dịch ở Sài Gòn vẫn chưa ‘đạt đỉnh’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo