Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vị Xuyên& thế sự Việt Trung (kỳ 11): trận 12/7/1984

Đặng Việt Châu

 

Về chiều mưa lại ập xuống ướt sũng…

Tới 23 giờ, tôi mới về được tới sở chỉ huy tiểu đoàn. Trước mắt tôi kẻ ngồi, người năm, tiếng thì thào, mưa rơi lộp bộp trên lá. Hồ Hữu Bính trợ lý tác chiến thấy tôi trở về thì mừng rỡ. Bính báo cáo với tôi tình hình đơn vị rồi dẫn tôi tới hầm của Bính. Trên chiếc cáng đặt trong hầm, trung đội trưởng Phạm Công Đa, chỉ huy đơn vị luồn sâu, đánh trận địa pháo binh địch bị thương rất nặng (lòi ruột). Bính gọi: “Đa ơi!” Trên cáng Đa nằm bất động. Bính nấc lên: “Hắn chết rồi!” Đa trút hơi thở cuối cùng khi biết mình đã về đất mẹ.

Trở về hầm chỉ huy, tôi gọi chỉ huy các đơn vị đến hội báo. Sau thời gian bàn bạc căng thẳng, tôi quyết định:

1/ Đồng chí Nguyễn Trọng Huấn trợ lý tổ chức trung đoàn cùng tổ trinh sát tìm về sở chỉ huy trung đoàn báo cáo tình hình, xin lực lượng chi viện.

2/ Đồng chí Hồ Hữu Bính trợ lý tác chiến tiểu đoàn, tổ chức lực lượng của tiểu đoàn đưa số thương binh, tử sĩ ra vị trí tạm dừng của đơn vị tại bình độ 600, cùng đơn vị nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị.

3/ Tôi, đồng chí Trần Lương Bộ, B trưởng thông tin, Nguyễn Quang Hoan B phó vận tải, Nguyễn Văn Bảo y tá, 1 tiểu đội vận tải, tiểu đội truyền đạt ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ sẽ trở ra sau…

Trời như theo giặc…Những cơn mưa lại trút xuống. Bộ đội thầm gọi nhau. Tiếng chân bước xa dần. Tôi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc…

Hỏi Hoa và Toản, Bính về tình hình đơn vị, họ cũng chẳng nắm được gì nhiều. Mưa lạnh sương giá, thương vong mất mát của đơn vị như đang ngấm dần vào trong tôi. Tôi rùng mình ớn lạnh, biết cơn sốt rừng đang kéo tới. Tôi nói với y sĩ Ba: “Cho mình vài ống trợ sức và thuốc sốt rét”… Rồi nói với anh em: “Ra hết đi”.

Tôi bò vào ngách hang, quơ vội cái màn trùm kín đầu, quấn chặt lấy người, cứ thế để cho nước mắt tuôn trào. Tôi thiếp đi nghe tiếng thầm thì của Thanh đang kể chuyện ngày về phép đi hỏi vợ.

Đã là một tiểu đoàn trưởng, đứng trước nữa ngàn quân đĩnh đạc thế, thế mà trước người con gái yêu thương lại thấy run, phải nhờ cha nói hộ. Trước khi vào trận đánh, cô ấy đã kịp sinh cho anh một thằng trinh sát con chắc là kháu khỉnh lắm. Rồi đồng chí Công B phó DKZ tối qua đang khoe với tôi mới nhận được thư nhà. Vợ báo đã sinh con trai. Tôi bảo Công hãy nhận sĩ quan làm chỉ huy cho con nó hãnh diện. Công hứa sau trận này sẽ trả lời.

Thế mà giờ đây họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Tiếng thì thầm xa dần…Có tiếng loạc xoạc, ai đó nắm lấy chân tôi giật giật. Mở mắt nhìn xuống thì có mấy chiến sĩ đầu quấn băng trắng toát. Hỏi ra mới biết các cu cậu khát nước, rờ được hũ, thấy có nước, mở nắp cứ thế tu vào. Khi biết rõ là hũ đưng tro cốt của người quá cố, sợ ma nên tìm đến nằm cạnh tôi cho đỡ sợ.

6 h tới 9 h 30 ngày 12-7

Nghe tiếng súng nổ ở mục tiêu chính, các phân đội đồng loạt nổ súng. Cụm kho tàng và trận địa pháo địch bị phá hủy. Phân đội của C9 rút về đến đường biên thì gặp địch, ta chủ động nổ súng tiêu diệt 2 tên, số còn lại bỏ chạy, ta bị thương 3 đồng chí.

Phân đội C10 trên đường lui quân gặp địch, C trưởng Nguyễn Văn Xuân cùng một tiểu đội mở đường máu đưa được đồng chí B trưởng Phạm Công Đa bị thương nặng trở về. Số còn lại cản địch đã bị rơi vào trùng vây quân thù, họ đã chiến đấu tới người cuối cùng và anh dũng hy sinh…

C 12 khi được lệnh nổ súng, sau loạt đầu tiên thì bị địch phản pháo. Bốn chiến sĩ hi sinh, sáu đồng chí bị thương. Tại mục tiêu chính (D3), sau khi đặc công nổ súng, thấy thuận lợi. Đồng chí Minh C trưởng dẫn đầu đội hình tràn lên theo hướng cửa mở.

Đồng chí Thanh D trưởng vòng bên phải đánh thốc lên hướng đỉnh Đầu Voi (địa hình ở đây rất dốc, cây cỏ rậm rạp). Ta bám được chiến hào tiền duyên, địch lúng túng chống đỡ rồi lui hẳn về chiến hào phía sau.

Thời gian này từ 6 h 30 – 9 h 30, sương mù dày đặc, cách nhau 3-5 m cũng không thấy nhau. Lúc này địch ở D1 và D2 được củng cố quay lai hợp sức với D3, tổ chức phản kích quyết liệt. Ta sử dụng B40, B41, liên tiếp tiêu diệt các hỏa điểm lộ của địch. Địch tập trung hỏa lực cầu vồng, cối 60, 82…dội vào khu vực ta chiếm giữ. Hướng chính đồng chí Hà B phó bị đạn cắt cụt cánh tay trái, đồng chí Minh C trưởng bị thương được anh em đưa về phía sau.

Hướng cánh phải, đồng chí Thanh D trưởng bị thương nặng, nằm ngay đoạn chiến hào khu vực Đầu Voi. Đồng chí Khanh B trưởng bị thương. Lúc này C10 và Tiểu đoàn bộ cũng vừa vận động lên tiếp tục nổ súng. Ta và địch giằng co quyết liệt, chiếm giữ từng đoạn chiến hào…

Khoảng 9 h 30, sương tan dần, toàn bộ đội hình đơn vị ở khu vực đỉnh và sườn nam D3 lộ rõ. Là mục tiêu cho các loại hỏa lực của địch. Phía cánh phải địch hô hoán phản kích. Hai điểm xạ AK và 1 chùm lựu đạn của một đồng đội… Tiếng nổ, đất đá trùm lên khu vực Đầu Voi đã kịp thời chặn địch để đội hình đơn vị rút xuống chân đồi. Lúc này khoảng 11 h ngày 12/7

Sáng ngày 13/7

Khoảng 8 giờ sáng, Hoan từ trên đỉnh hang tụt xuống giật mạnh chân tôi làm tôi mở mắt. Thằng Hoan vận tải miệng lắp bắp: “Địch bên D3 đông lắm”.Tôi bật dậy xách súng theo Hoan trèo lên vị trí quan sát. Trên Mỏm ba thấy lố nhố quân địch. Bên ấy địch cũng đang thu dọn chiến trường, có cả mấy em quần trắng áo đỏ phất phới. Hoan giương súng đòi bắn, tôi chỉ xuống anh em thương binh tử sĩ ở phía dưới. Hiểu ý, Hoan kéo khóa an toàn khẩu súng, rồi im lặng nhìn sang phía địch.

Nó cũng căng như mình, đang thu dọn chiến trường. Rời vị trí quan sát, tôi đi một vòng kiểm tra khu vực, mặt đối diện với Mỏm ba, cây cối gãy đổ trống hoác. Rừng cây măng đắng bị đạn như bị ai cầm dao chặt gãy gục ngang đầu gối. Không gian bang bạc sương giăng. Mưa lép bép, lành lạnh…

9 giờ sáng, thiếu úy Phan Văn Long C phó C16 súng 12,7 ly tìm đến. Mắt Long đỏ hoe, bơ phờ mệt mỏi, báo với tôi tình hình đơn vị của Long: hy sinh hai đồng chí, bị thương ba đồng chí. Pháo hỏng một. Đã cho bộ đội rút quân. Đề nghị tiểu đoàn giúp chuyển tử sĩ và pháo hỏng. Tôi bảo Long, tối nay tôi sẽ cho người đi cùng. Long chào tôi rồi lẫm lũi đi về trận địa.

Tôi tụt xuống đến hầm của Bính. Lúc này, Bính đang ngồi cạnh võng của Đa B trưởng C10 bị thương ở bụng, được băng bó nhưng ruột cứ trào ra. Đa quằn quại, thở rất mệt nhọc. Tôi cho dùng bát ăn cơm đậy và tiếp tục băng lại. Quá trưa thì Đa tắt thở. Ở hầm thông tin, có chiến sĩ bị thương phần bụng dưới ngày càng phình to lên, đau đớn quằn quại, cứ xin được chết. Tôi nói với Bảo y tá: “Có thể chọc xi-lanh vào mà hút nước tiểu ra”. Bảo lắc đầu quầy quậy: “Chưa được học”.

Đau đớn, mệt mỏi, đói khát. Tôi không đành lòng nhưng cũng không làm gì được…Tôi gọi Hoan em có gì ăn được không? Hoan chạy đi một chốc mang đến cho tôi một túi gạo sấy. Tìm nước thì thấy tất cả bình toong không còn giọt nước nào. Tôi bảo Hoan xuống suối lấy nước. Hoan chỉ sang phía cử điểm của địch và lắc đầu. Tôi gật đầu, thôi thì đành vậy…Chúng tôi nhón từng hạt nhai tạm…

Thằng Hoan khệ nệ bê ở đâu về một cái hũ, miệng gắn kín mặt tươi tỉnh khi lắc lắc cái hũ thấy có nước: Báo cáo anh, nước. Tôi trừng mắt: Tổ cha mi, đây là hũ đựng tro cốt người chết… Bộ đội đưa mắt nhìn nhau rồi khạc nhổ, nôn ọe…

16 giờ, thằng Long C phó hỏa lực tới. Tôi hỏi Long đã ăn uống gì chưa? Long lắc đầu. Tôi nói với Hoan: Chi cho đại đội phó một túi gạo sấy. Rất may là Long có bình tong nước. Chúng tôi đổ nước đến ngang vạch chỉ định, một lúc sau đã có cơm ăn ngon lành.

Tôi và Long lần theo sườn dốc tìm về trận địa 12 ly 7. Trời vẫn mưa rả rích. Sương giăng mịt mùng, trên mỏm 3 chốc chốc chớp lóe sáng. Rồi tiếng lựu đạn nổ. Cuối cao điểm pháo sáng được bắn lên, ánh sáng lập lòe mờ mờ tỏ tỏ như ma trơi. Đâu đó vài loạt súng bắn vu vơ rồi chìm nghỉm trong đêm tối. Chúng tôi thận trọng dò đường. Tới bờ suối thấy một thi thể nắm ngửa, hai tay giang ra, khẩu AK để trên bụng. Tôi ra hiệu cho Long dừng lại, nghe ngóng động tĩnh. Không thấy gì khả nghi. Chúng tôi gỡ súng ra khỏi tay tử sĩ. Dọn dẹp chỗ đặt nằm ngay ngắn, ngụy trang và đánh dấu rồi đi tiếp. Đến giữa lòng suối lại thấy 1 tử sĩ nằm úp, tay phải giữ chặt khẩu AK, gỡ mãi mới ra được. Chúng tôi đặt tử sĩ lên bờ che đậy rồi lại đi tiếp. (Hai đồng chí này anh em cho biết là trung đội trưởng ĐKZ Nguyễn Văn Công và tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tiến). Long kéo tôi ngồi xuống và chỉ tay vào sườn đồi trước mặt và nói: “Đến rồi”…

Trận địa súng phòng không 12 ly 7 bị pháo địch xới tung. Khẩu 12 ly 7 bị queo nòng nòng chỏng chơ giữa đống cây cối gãy đổ. Tôi hỏi Long: Tử sĩ đâu? Long chỉ vào căn hầm được phủ ni lông, miệng lắp bắp: “Anh cho em vác súng thôi…” Người Long run lên lập cập. Nhìn vào tử sĩ, nhìn Long, tôi rùng mình… Tôi nói với Long: “Về thôi!” Tôi móc túi đưa cho Long hộp dầu cù là. Tôi lặng lẽ tìm đường trở về sở chỉ huy tiểu đoàn…

Phía ngoài chỗ tiếp giáp giữa 772 và 685, địch bắn pháo sáng, sáng rực. Khoảng nửa đêm, chúng tôi quay trở về hang thì bộ phận cáng thương của trung đoàn do đồng chí Hồng, đồng chí Vị của Tiểu đoàn tới. Đồng chí Tình bí thư đoàn, đồng chí Châu trợ lí hậu cần cũng vừa đến. Lúc này anh em mới tin rằng tôi còn sống…

Tối 17/7

Tối nay mưa tạnh. Lực lượng vào khá đông. Đội của Bùi Hồng đưa nốt số tử sĩ tại khu vực sở chỉ huy. Đội của tiểu đoàn do đồng chí Hồ Sĩ Hoa chỉ huy cùng tôi vào hầm phẫu địa điểm xuất phát xung phong. Khu vực này vừa bị pháo chần đi chần lại khiến cho cây cối gãy đổ ngổn ngang. Rất may căn hầm không trúng thêm cối pháo.Sau khi khiêng hết số tử sĩ ra khỏi hầm phẫu, tôi lần theo hẻm núi tới một bờ ta luy, trong ánh sáng lờ mờ, trước mắt tôi là một thân hình quấn băng trắng, nằm dài bất động. Nhẹ nhàng tiếp cận, tôi nghe tiếng thở khò khè. Tôi khẽ hỏi: “Ai?” Thân hình cựa quậy, tiếng khan khan: “Trường thông tin đây”…rồi òa lên khóc. Tôi lấy khăn mặt bịt miệng Trường, tôi nói khẽ: “Có địch”…Trường khóc ục ục trong cổ. Tôi hỏi tiếp: “Có thấy ai quanh đây nữa không?” Trường ngơ ngác lắc đầu.

Hai chiến sĩ trinh sát khiêng Trường ra ngoài. Lần theo bờ ruộng bậc thang, tới bụi lách gãy đổ. Phía bên kia bụi lách có tiếng động. Nhẹ nhàng gạt đám lá, trước mắt tôi là một cái đầu trọc đang ngồi ngước mặt lên trời. Đặt súng lên bờ vai tôi quát: “Tên gì?” Tiếng trả lời khe khẽ: “Sao đỏ!” ( Mật khẩu trận đánh: hỏi sao vàng, đáp sao đỏ…) Rồi có tiếng kêu: “Đích, đột kích 1 C11 đây…” Gần sáng 18/7, chúng tôi về tới đầu bản Nậm Ngặt. Bỗng phía trước có tiếng mở khóa nòng, và tiếng quát khẽ: “Ngồi im!” Rồi có tiếng nói yếu ớt: “Bắn đi, bay cứ bắn đi”! Tôi vượt lên, trước mặt tôi. Minh C trưởng C11 đang vừa ngồi vừa nằm, miệng nhai trệu trạo gốc mía non chống đói”. Tôi gọi: “Minh“. Rồi nhào đến ôm lấy hắn.

Trước mắt tôi một thằng người méo mó, máu me bùn đất, vừa nằm vừa ngồi, miệng trệu trạo nhai gốc mía non. Cúi xuống nhìn rõ hơn, tôi kêu lên mừng rỡ: “Minh, C11”. Hắn ngả vào lòng tôi, kêu hai tiếng: “Anh ơi”! Rồi ngất đi…Tôi gọi y tá Thực tiêm ngay trợ sức, rồi cử bốn đồng chí khỏe nhất, tôi dặn anh em: “Bằng cách nhanh nhất đưa Minh về phẫu thuật càng sớm càng tốt”. Vậy là suốt sáu ngày đêm, trên mình đầy thương tích, vừa bò vừa lết, Minh đã tìm về với đơn vị…Trong chiến tranh, mọi sự đều có thể xảy ra.

Nhưng điều không thể phủ nhận là trên cái đỉnh Đ 3 gồ ghề đầy lách lau cỏ dại hôm ấy, với một đường hào nông choèn chạy dọc, lầy lội, bùn đất trải rộng chắc chỉ bằng cái sân bóng, thế mà hơn trăm cán bộ chiến sĩ đã nằm lại ở đó thì bi thương, đau xót nào bằng…Suốt 2 năm 1984-1985, cuộc chiến ác liệt. Tiểu đoàn 3 luôn chạy lên, chạy xuống 600-Nậm Ngặt-Làng Pinh-Làng Lò-E2-E5-4 Hầm…; Vất vả, hy sinh mà vẫn giữ trọn lời thề giữ nước, làm tròn danh phận là con dân đất Việt. Trong chiến đấu được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công Hạng 1 , Hạng 2, Hạng 3… Vậy mà không đáng được tự hào hay sao?

Trước khi nổ súng rất hồi hộp, bóp cò viên đạn bay đi thì tất cả trí lực, tinh lực đều tập trung theo hướng viên đạn bay. Phát hiện thấy kẻ địch, thì lúc đó: “Có tao thì không có mày!” 

Việc lấy tử sĩ, trước hết mình phải sống, rồi mới đến trách nhiệm. Nên được tính toán hết sức thận trọng, từng lối đi nước bước…Chỉ có những người trực tiếp chiến đấu, thông thuộc địa hình, địch tình. Nếu đưa anh em khác vào thì phải khiêng họ ra là cái chắc. Còn trên phim ảnh, mấy cha vác băng ca hoặc võng chạy theo là họ làm cho sinh động, chứ còn anh em mình từ ngày 16 đã bốc mùi, người chết đã khổ, mà người khiêng cáng càng khổ hơn. Hồi đánh Mỹ, tôi đã hai lần vào Nam và một lần sang Lào. Đã được khiêng cáng, nhưng không vất vả và gian nan như lần này. Chỉ có một khẩu đội MK19 do Lý và Sĩ phụ trách. MK19 chỉ bắn được một loạt thì bị “bùm”. Khi tôi quay lại, nơi đó chỉ còn một hố đất đỏ lòm và cỏ cháy xém.

Xem tiếp Tối ngày 18/7

(*) Rút từ trong bộ Vị Xuyên& thế sự Việt Trung – Sưu tập Phạm Viết Đào trọn bộ 5 tập trên 3000 trang)


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà văn Phạm Viết Đào từng bị giam với em trai ông Nguyễn Xuân Phúc và cháu ông Trần Đại Quang

Baraju T. Ogelefecejo

RFA – 17.2.1979-17.2.2021. 42 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.

Phan Thanh Hung

VNTB – Tân Tổng Bí thư khóa XIII lên án quân Trung Quốc xâm lược *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo