Định Tường
(VNTB) – Việt Nam chưa biết tới bao giờ mới có tự do tranh cử, cho dù là tranh cử theo định hướng “Đảng cử – Dân bầu”…
Cựu tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng tranh luận với Tổng thống Joe Biden “ở bất cứ đâu”, kể cả tòa án hay Nhà Trắng.
Thông tấn Hoa Kỳ AP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-4-2024 trả lời phỏng vấn rằng ông sẵn sàng “vui vẻ tranh luận” với cựu tổng thống Donald Trump. Và ông Trump hồi đáp: Rất sẵn sàng.
Nhìn lại chính trị xứ Việt, ngoại trừ miền Nam trước tháng tư, 1975, dân chúng chưa bao giờ được chứng kiến về “tranh luận chính trị”, kể cả tranh cử bằng tranh luận, đưa ra những hoạch định của chính khách cho các lần bầu cử Quốc hội.
Vận động bầu cử chứ không tranh cử
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành ngày 25-6-2015. Theo đó, tại Điều 65. Hình thức vận động bầu cử, cho biết việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:
1. Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
Điều 66. Hội nghị tiếp xúc cử tri
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
2. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây: a) Tuyên bố lý do; b) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử; c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm; đ) Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
3. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Điều 67 về “Vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng”, cho biết như sau:
1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).
3. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Điều 68. Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử
1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Ghế càng quyền lực càng không cần đến tranh cử
Với các quy định nêu trên có nghĩa ứng cử viên được quyền gọi là “vận động bầu cử” bằng các cam kết, không có vấn đề được quyền chủ động tổ chức diễn thuyết, hùng biện trong tranh luận để thuyết phục trong tìm kiếm lá phiếu của cử tri.
Đặc biệt với các ứng viên vào ghế quyền lực như Tổng bí thư, Thủ tướng thì càng không có vấn đề trình bày về cam kết nội dung phụng sự quốc dân cụ thể bằng những phương cách quản trị nào, nếu được bầu chọn… Chính điều này góp phần tạo nên những mối quan hệ “lợi ích nhóm”, hiểu theo nghĩa phe phái vun vén cho quyền lợi riêng tư.
1 comment
Chừng nào 2 đảng Cộng Sản nhứt thể hóa, có lẽ tới lúc đó mới có thỉa xảy ra tranh cử
Hổng nên nóng vội . Điều tốt nhứt mình có thỉa làm là hổng có ủng hộ những tư di mang tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát-xít . Mún quyết liệt hơn nữa thì mình cần lên án những người cổ võ cho những tư tưởng đó