Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam cần sớm thông qua luật về hôn nhân đồng giới

Minh Triều


(VNTB) – Việc công nhận hôn nhân đồng tính không chỉ là một bước tiến về pháp lý mà còn giúp Việt Nam cải thiện điểm số trên các bảng xếp hạng nhân quyền quốc tế.

Ngày 27-3, Hạ nghị viện Thái Lan đã thông qua dự luật hôn nhân bình đẳng với 400/415 phiếu ủng hộ. Theo đó, hôn nhân giữa hai cá nhân sẽ không bị phân biệt giới tính. Nếu được Thượng nghị viện thông qua và vua Rama X chấp thuận thì dự luật này sẽ giúp các cặp đôi đồng tính tại nước này được hưởng đầy đủ quyền lợi bao gồm quyền kết hôn, thừa kế và nhận con nuôi. Đạo luật này cũng đưa Thái Lan thành nước thứ 3 hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Á Châu.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi và sự công bằng của cộng đồng LGBT+. Không chỉ vậy, việc thay đổi cách nhìn nhận của xã hội Thái Lan đối với hôn nhân còn là một chuyển biến quan trọng đối với nhân quyền tại vương quốc này. Nó mở ra cánh cửa cho một xã hội tự do và phát triển, nơi mọi người đều có quyền được yêu và được kết hôn theo cách mà họ mong muốn, không phụ thuộc vào giới tính hay bất kỳ hạn chế nào khác.

Chuyển biến tại Thái Lan là một bài học cho Việt Nam trong việc thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng giới. Thời gian qua, khi nói tới bình đẳng giới, Việt Nam hầu như chỉ tập trung vào việc cải thiện quyền lợi của phụ nữ so với nam giới mà chưa quan tâm tới người đồng tính. Với tỷ lệ thông thường là từ 3-5% dân số, thì lượng người đồng tính ở Việt Nam lên tới 3-5 triệu người, tương đương với toàn bộ dân của một số quốc gia như Mông Cổ (3, 348 triệu người, 2021), hay New Zealand (5,123 triệu người, 2021).

Nếu như phụ nữ Việt Nam đối mặt với tình trạng trọng nam khinh nữ trong hàng ngàn năm nay, thì người đồng tính ở Việt Nam còn bị kỳ thị hơn khi họ thậm chí còn chưa được công nhận trên pháp luật. Việc kỳ thị người đồng tính vẫn là một vấn đề đáng quan ngại tại Việt Nam, gây ra sự bất công, đau khổ và giới hạn quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+.

Một trong những biểu hiện phổ biến của kỳ thị là sự phân biệt đối xử và coi thường người đồng tính trong xã hội. Họ thường phải đối mặt với sự phân biệt trong công việc, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác, góp phần làm suy yếu tinh thần và tự tin của họ. Ngoài ra, kỳ thị còn dẫn đến việc người đồng tính bị cô lập, bị bắt nạt và thậm chí là bị hành hạ trong trường học.

Theo Báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới (BLHĐTCSG) tại Việt Nam được thực hiện bởi UNESCO công bố vào năm 2016, những học sinh ở độ tuổi 10-19 tự coi là LGBT+ (bao gồm cả các học sinh không theo chuẩn mực giới) có nguy cơ gặp phải các hình thức BLHĐTCSG hơn đáng kể so với các bạn học khác. Trong nghiên cứu, 71% học sinh LGBT+ đã trải qua bạo lực thể chất, 72.2% bạo lực lời nói, 65.2% bạo lực tâm lý xã hội, 26% bạo lực tình dục và 20% bạo lực liên quan đến công nghệ thông tin. (1)

Trong khoảng 10 năm qua, nhà chức trách Việt Nam cũng đã có nhiều bước cải thiện chính sách và pháp luật đối với người đồng tính. Nếu như theo khoản 5, điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ghi: “Cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Thì tới tháng 5/2014 Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới. Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Dân sự hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính. Ngày 03/8/2022, Bộ Y tế ban hành công văn số 4132/BYT-PC, khẳng định “đồng tính không phải là bệnh, không cần chữa”.

Mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến nhất định qua những chương trình vận động thay đổi quan điểm xã hội. Nhưng việc luật hoá về vấn đề người đồng tính và hôn nhân đồng tính vẫn còn là một con đường dài tại Việt Nam. Việc không công nhận hôn nhân đồng tính tạo ra một môi trường pháp lý không công bằng, mất an toàn và không có sự bảo vệ trước pháp luật trong việc thừa kế tài sản của người bạn đời…

Việt Nam là một nước thường xuyên “đội sổ” trong các bảng xếp hạng về quyền con người trên quốc tế. Cho nên việc công nhận hôn nhân đồng tính không chỉ là cơ hội để xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng, đa dạng. Mà còn là một biện pháp cải thiện điểm số của Việt Nam trên các bảng xếp hạng nhân quyền quốc tế.

 

_________________
Tham khảo:

(1) https://tamlyvietphap.vn/tam-ly-hoc-duong/tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-ky-thi-voi-hoc-sinh-lgbt-2564-63569-article.html

 

 


 

Tin bài liên quan:

Dân biểu Chris Smith and Joe Lofgren: Các vi phạm nhân quyền ở VN khiến TPP không thể chấp nhận được

Phan Thanh Hung

VNTB – Bảo hiểm tâm linh, hối lộ thánh thần

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đảo mà cũng ngập

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.