Hồng Dân
(VNTB) – Tính đến hiện tại chưa ai lên tiếng nhìn nhận sự thất bại của chính sách “chống dịch như chống giặc”
Trang Việt Nam Thời Báo đã có nhiều bài viết trên tinh thần xây dựng về cách chống dịch “Zero Covid” dưới triều đại Nguyễn Xuân Phúc – Nguyễn Thanh Long. Giờ đây, hệ luỵ của zero covid còn kéo quá dài trong kinh tế, trong các vụ án đang xử… Và đến nay, thế giới cũng đã nhìn nhận lại. Hà Nội và cả Tổng bí thư đương nhiệm, có lẽ cũng cần “tự kiểm điểm” để tránh vết đổ trong tương lai, đặc biệt là thể chế chính trị độc quyền toàn trị của quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền.
Theo tạp chí National Review (*), khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, lệnh phong tỏa được áp dụng hầu như trên toàn thế giới, ngoại trừ Thụy Điển và một vài nước. Đáng lẽ trách nhiệm chính của hệ thống y tế công cộng trong đại dịch là giữ cho mọi người bình tĩnh và duy trì hoạt động xã hội. Nhưng các quan chức y tế công cộng đã làm điều ngược lại.
Ông Francis Collins, người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ trong thời kỳ đại dịch và hiện là cố vấn khoa học cho Tổng thống Biden có ý kiến cho chuyện “nhìn lại sai lầm” về chính sách “Zero Covid”.
“Mặc kệ mọi thứ, bạn khăng khăng cho rằng việc chặn đứng bệnh dịch và cứu sống nhân mạng có giá trị tối thượng. Bạn bất chấp những đảo lộn trong cuộc sống của người dân, bỏ qua tác động hủy hoại nền kinh tế và khiến nhiều trẻ em phải nghỉ học theo cách mà chúng không bao giờ hồi phục được trong nền nếp học tập.
Có thể nói đây là kiểu tư duy vì sức khỏe cộng đồng đã và đang hiện hữu. Và điều đó thực sự đáng tiếc. Một sai lầm khác mà chúng ta mắc phải” – Lời thú nhận sai lầm muộn màng của bác sĩ F. Collins đã được dư luận xã hội hoan nghênh và đón nhận.
Ở Việt Nam tính đến hiện tại vì sao lại không có một quan chức hay cựu quan chức nào lên tiếng nhìn nhận sự thất bại của chính sách “nhà cách ly nhà – xóm cách ly xóm” với hàng loạt trại tập trung được dựng lên gấp gáp cho phục vụ chính sách triệt để của “Zero Covid”?
Cá nhân người viết cho rằng ở đây không phải là việc cựu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thiếu dũng khí, hay cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã “về vườn” rồi nên… im lặng, mà đây còn có duyên cớ rất rõ của nhóm lợi ích muốn mượn dịch bệnh để trục lợi từ sinh phẩm xét nghiệm, đến vật tư y tế, mua vắc-xin… rồi những “chuyến bay giải cứu” liên quan đến hầu hết các bộ, ngành trong bộ máy chính phủ, tức bộ máy cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Nếu như việc mổ xẻ các chính sách Covid-19 ở hầu hết các quốc gia hiện nay chủ yếu tập trung vào việc chôn vùi những sai lầm của chính phủ và né tránh mọi trách nhiệm giải trình về vấn đề y tế, thì ở Việt Nam ngoài lý do tương tự, còn có thêm chuyện “trâu buộc ghét trâu ăn”…
Tính đến hiện tại thì trong tuyên truyền, Việt Nam tiếp tục bảo thủ ý kiến về “Zero Covid”, khi cho rằng, “Không phải một mình Việt Nam theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, tất cả các nước trong giai đoạn đầu đều theo đuổi việc này, chỉ có vài nước theo chiến dịch miễn dịch tự nhiên. Thứ nhất, về mặt khoa học, không ai miễn nhiễm virus này, từ trẻ sơ sinh cho đến người già đều có thể bị mắc.
Thứ hai, hệ thống y tế của Việt Nam có đủ đáp ứng khi ca nhiễm tăng nhanh không? Thực tế là không và điều này được chứng minh tại TP.HCM. Đây là điều rất rõ ràng, cụ thể.
Tiếp theo, Việt Nam có chấp nhận thương vong không? Đối với văn hóa, truyền thống, đạo đức của đất nước, chúng ta không chấp nhận điều này. Sức khỏe và tính mạng người dân là quan trọng nhất…” – trích báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Có một thực tế là đến tận hôm nay, nhà chức trách Việt Nam đã không thể phủ nhận là hàng chục ngàn ca tử vong vì Covid đều đến từ các trại cách ly tập trung; nơi mà ngay từ giai đoạn đầu tiên phía y tế TP.HCM cực lực phản đối vì gia tăng khả năng lây lan chéo trong bối cảnh các xét nghiệm tầm soát Covid-19 đại trà mật độ 3 ngày rồi xuống còn 2 ngày cho “chọt mũi” trong dân chúng, dẫn đến “cưỡng chế” vào các trại này với “người tiếp xúc gần F1”, rồi có lúc mở rộng đến cả F2 cho cái gọi là “tiếp xúc gần với F0”…
________________
Nguồn:
(*) https://www.nationalreview.com/2024/01/officials-now-admit-the-disaster-of-their-covid-policies/