VNTB – Việt Nam Cộng Hòa đã quản lý “gái làng chơi” ra sao?

VNTB – Việt Nam Cộng Hòa đã quản lý “gái làng chơi” ra sao?

Nguyễn Ngọc Tâm

 

(VNTB) –  Các cô gái bán hoa bắt buộc phải khám sức khoẻ định kỳ để được cấp giấy phép hành nghề.

 

Ở khu Bata từng là xóm Bình Khang nổi tiếng của gái làng chơi buôn hương bán phấn đô thành Sài Gòn đến tận những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Xóm Bình Khang – Cây Điệp nằm lọt thỏm giữa các đường Petrus Ký, Trần Nhân Tôn, Hùng Vương, Vĩnh Viễn… thuộc khu phố 1, phường 1, quận 10 ngay hãng giày Bata, hãng thuốc lá Mic.

Cái tên Bình Khang được gọi theo cách nói dân gian, là nơi mại dâm hợp pháp để chính quyền kiểm soát và thâu thuế. Các cô gái bán hoa bắt buộc phải khám sức khoẻ định kỳ để được cấp giấy phép hành nghề.

Nhân việc các chính khách xứ Việt hay lẩy Kiều lúc nhậm chức cho tới khi đứng trước vành móng ngựa, cũng xin nói luôn, trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng từng sử dụng “Bình Khang” lúc nàng Kiều lưu lạc trong chốn thanh lâu:

Bình Khang nấn ná bấy lâu

Yêu hoa yêu được một màu điểm trang…”.

Là một nghề kiếm sống nên nghề kỹ nữ phải có thần phù hộ. Cũng trong truyện Kiều, đoạn Mã Giám Sinh đưa Thuý Kiều về, Tú Bà bắt Kiều lạy tổ: “Giữa thì hương án hẳn hoi/Trên treo một tượng trắng đôi lông mày…”. Tượng có đôi lông mày trắng đó là thần Bạch Mi. Theo truyền thuyết thần Bạch Mi có râu dài tướng mạo đẹp, cưỡi ngựa xách đao. Ông có cặp lông mày trắng và mắt đỏ xuất hiện trên các tranh thờ từ đời nhà Minh, được các kỹ viện tôn thờ xem như thần tài độ trì cho các kỹ nữ có nhiều khách mua hoa.

Theo thời gian, nghề kỹ nữ trở thành một nghề mại dâm và họ cũng chẳng cần khả năng cầm kỳ thi họa.

Khi người Pháp đến Việt Nam, nghề mại dâm bắt đầu xuất hiện nhiều hơn do nhu cầu sinh lý của quân lính viễn chinh và số lượng lớn khách ngoại quốc đến An Nam làm ăn buôn bán. Từ cuối thế kỷ 19, tại Sài Gòn ngoài gái mại dâm bản xứ, còn có gái mại dâm người nước ngoài du lịch vào Sài Gòn hành nghề kiếm sống.

Khu vực tập trung gái về đêm nhiều nhất ở vùng Marais Boresse, khi đó còn là một khu nhà lá nhếch nhác trên các vũng ao bùn nước đọng mà nay là chợ Bến Thành.

Rồi những nhà chứa không phép mọc lên khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, gái hành nghề theo đó gia tăng. Chính quyền có cấm cũng không sao cấm được. Gái đứng đường bị bắt đem về bót nhốt vài ngày rồi lại thả ra sau khi đóng tiền phạt vạ. Và chính quyền Pháp cũng chẳng hề quan tâm đến hệ luỵ sức khoẻ của người bán dâm và người mua dâm. Lỡ mang bệnh thì cứ đến nhà thương…

Giới giang hồ Sài Gòn kể, tướng Bình Xuyên Bảy Viễn phục vụ cho vua Bảo Đại, có lượng đàn em dao búa lớn. Thời đó Bảy Viễn cầm đầu giang hồ Sài Gòn và nắm quyền khai thác các tụ điểm ăn chơi, giải trí.

Có thời gian ngắn Bảy Viễn được Bảo Đại cho giữ chức Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn. Theo quyết định của Bảy Viễn, tất cả địa điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ở thành phố đều phải vào mướn nhà trong Bình Khang. Người bán dâm vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Tuy nhiên, nếu hoạt động mại dâm vượt ra ngoài khu vực Bình Khang bị coi là phạm pháp, chủ nhà bị bắt, đưa ra tòa.

Về sau khi ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, với phong trào nữ quyền của bà Trần Lệ Xuân, xóm Bình Khang của tướng Bảy Viễn bị quân đội ông Diệm thẳng tay đến mức ai cũng tưởng rằng các động mại dâm ở đây đã xóa sổ.

Nhưng không, ngay sau khi ông Diệm bị đảo chánh, rất nhanh, người ta lại thấy “công xưởng” tình dục hoạt động nhộn nhịp với đủ loại dịch vụ kéo theo như giặt ủi, bán cơm, bán nước, giữ xe, cảnh giới, bán thuốc chữa “bệnh kín”… “Nhà băng”, tín dụng đen cũng ngồi ngay trong hẻm, không cần giấy tờ gì cả…

Xóm Bình Khang bị cạnh tranh dữ dội khi chế độ Sài Gòn cho phép mở cửa hàng loạt hộp đêm, vũ trường, phòng tắm hơi và nhất là “nhà thổ” ở khắp thành phố. Những dịch vụ nhạy cảm này mọc lên nhiều nhất quanh các cư xá Mỹ. Người Sài Gòn lúc đó gọi các khu hoạt động mại dâm bằng cái tên “chợ heo”.

Bên cạnh xóm Bình Khang còn có cống Bà Xếp, xóm Sáu Lèo… chuyên bán ma túy… Ngã ba Chú Ía Gò Vấp, cầu Hàng Nhà Bè… chuyên buôn hương bán phấn đến tận thập niên 90 thế kỷ trước.

Nghe đâu sinh thời, cụ Tản Đà dự tính xuất bản tập thơ “Bình Khang ca phả” để dành cho chị em xóm Bình Khang học để hát cho đúng nghĩa.

Xin được trích một bài thơ trong tập di cảo đó của Tản Đà về thân phận hồng nhan ở xóm Bình Khang:

Năm canh mối tình

Hành vân

Nghiệp phong trần, nghiệp phong trần, kén mặt tài nhân.

Sầu ôm gối, gối chiếc đêm xuân,

chăn đơn sương lạnh, ngùi thương bóng đôi mình,

đem tâm sự cùng ai, trông ngọn đèn canh tàn hiu hắt.

Người trong mộng, niềm nguyện mong, giục xui lòng;

rõ ràng đôi lứa phụng, thành song thành song.

Mừng tạo hoá, chắp mối tơ hồng.

Tỉnh giấc cô phòng, dậy, thành không thành không.

Sự sắt cầm chiêm bao thành không.

Cô phòng u uất, ấy ai là bạn tri âm!

Nam thương

Tri âm cách nẻo phương trời, ai người nhủ hộ.

Gió đông trệnh rèm tây, đưa gửi mấy câu.

Ai say ngủ một mình đâu, giấc nồng chẳng hử tìm nhau?

Xa mấy dặm ngàn dâu, nghe nhạn sầu thêm sầu.

Song thưa gió thoảng bên màn, ôm đàn tưởng vọng.

Bóng trăng lại kề hiên, luống những đón tin.

Thôi chi nói mơ mòng, tiếng thần phong nhắc gọi trời đông;

cái oanh, cái oanh vàng, mi đậu lại trêu ai, nhắn chi đặng đôi lời.

Tương tư trọng, trẻ nhường khan giọng.

Ai biết nỗi sầu manh; mướn đưa mình, lên hỏi trời xanh:

sao ông nguyệt lão mần thinh? Năm canh mối tình!


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)