Khánh An dịch
(VNTB) – Với tỷ lệ tiêm chủng thấp, cần phải lưu tâm về một đợt dịch khác
Tác giả: David Hutt
Năm 2020, Việt Nam là một trong quốc gia chống dịch thành công trên thế giới. Từ tháng 1 năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021, đất nước với khoảng 96 triệu dân ghi nhận chỉ dưới 17.000 ca nhiễm COVID-19 trường hợp và 81 trường hợp tử vong. Kinh tế tăng 2,9% vào năm ngoái, một trong số ít quốc gia châu Á đã đạt được như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền, trong nhiều năm đã hứa đưa ra một “chính phủ nhạy bén”, đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì khả năng xử lý khủng hoảng minh bạch và có năng lực.
Phong toả và Hạn chế
Việt Nam coi trọng mối đe dọa dịch bệnh, có thể là vì có chung biên giới với Trung Quốc và đã trải qua dịch SARS và dịch cúm gia cầm năm 2005. Trong những tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã đi trước gần như các quốc gia châu Á khác khi cho đóng cửa biên giới, trường học, hạn chế đi lại và triển khai hệ thống theo dõi dấu vết hiệu quả. Theo Bộ theo dõi phản ứng của Chính phủ Oxford Covid-19, so sánh các biện pháp chính sách mà các chính phủ đã thực hiện để giải quyết COVID-19, Việt Nam đã có một trong những các biện pháp nghiêm ngặt nhất vào đầu năm 2020. Vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam đã đạt “mức nghiêm ngặt” khoảng 96,3, (100 là mức nghiêm ngặt nhất). Kể từ đó, mức này hiếm khi giảm xuống dưới 50.
Nhưng năm nay, tính đến ngày 13/10, Việt Nam đã ghi nhận hơn 849.000 ca nhiễm, và tăng đột biến trong tháng 7; Số ca nhiễm ngày càng gia tăng và nặng hơn do biến thể Delta. Ngày 26 tháng 8 có số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất là 16.083 ca – gần bằng tổng số ca mà Việt Nam ghi nhận từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021, theo dữ liệu của Our World Data. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng ca nhiễm: triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm. Tính đến ngày 4 tháng 10, chỉ 36% dân số được tiêm một liều vắc-xin và chỉ 11,8% được tiêm chủng đầy đủ, một trong những tỷ lệ thấp nhất Đông Nam Á.
Tâm điểm là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại chính của Việt Nam. Mặc dù là nơi sinh sống của chỉ một phần mười dân số Việt Nam, nhưng ước lượng có hơn một nửa số ca nhiễm và gần 80% số ca tử vong. Ngày 9 tháng 7, chính quyền đã áp dụng Chỉ thị 16, biện pháp phong toả khắc nghiệt cho đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh và địa điểm giải trí, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm đối với chín triệu cư dân của thành phố. Ước tính có khoảng 130.000 quân nhân đươc đưa đến đến thành phố để thực thi các hạn chế, với hàng trăm rào chắn được dựng lên tại các điểm tiếp giáp các tỉnh để chặn đi lại. Các khu vực khác cũng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt.
“Sống chung Với COVID”
Chính phủ cộng sản cho rằng chính sách “zero-COVID” của họ có thể có tác dụng trở lại, giống như năm 2020. Ví dụ, khi đọt dịch lan rộng hồi tháng 7 năm 2020 sau khi thành phố biển Đà Nẵng mở cửa trở lại với khách du lịch trong nước, việc phong toả nghiêm ngặt đã nhanh chóng san bằng đường cong. Nhưng khi số lượng người lây nhiễm tăng lên trong năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi tín hiệu vào đầu tháng 9 rằng Chính phủ đang xem xét thay đổi.
“Chúng ta không thể cách ly và phong toả mãi, vì sẽ gây khó khăn cho người dân và nền kinh tế”, ông nói. “Đại dịch COVID-19 rất phức tạp và không thể dự đoán được và có thể sẽ còn kéo dài.” Sau đó, ông Chính và quan chức cấp cao khác của Đảng ngày càng nhắc nhiều đến việc phải “sống chung với COVID.”
Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống COVID-19 của Chính phủ do ông Chinh làm Trưởng ban đã thống nhất chấm dứt bằng nhiều biện pháp [phòng chống dịch] nghiêm khắc nhất. Chinh đã tuyên bố rằng đã được kiểm soát được dịch ở “gần hết cả nước.” Thật vậy, tỷ lệ nhiễm COVID bắt đầu đi ngang. Số ca nhiễm hàng ngày mới đạt đỉnh ngày 26 tháng 8 ở mức 16.083. Nhung ngày 25 tháng 9 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 9,706 khi quyết định sống chung với COVID được đưa ra, và giảm xuống 4,363 vào ngày 6 tháng 10, bằng tỷ lệ được ghi nhận vào đầu tháng 7 khi bắt đầu đợt dịch bùng phát, theo Our World In Data.
Có quan ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân bị buộc phải ở trong nhà. Báo chí cho rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh rất chật vật trong việc cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày, tạo ra sự thất vọng đối với Đảng Cộng sản. Những năm gần đây số lượng các cuộc biểu tình của công chúng chống lại chính quyền ngày càng tăng, cũng như sự kích động chống cộng hoàn toàn, điều này đã buộc chính phủ phải cố gắng một cách tiếp cận minh bạch và nhạy bén hơn đối với các khiếu nại của dân cũng như đàn áp nhiều tiếng nói bất đồng trực tuyến như trên mạng xã hội.
Lo lắng về kinh tế
Có lẽ động lực quan trọng nhất cho sự thay đổi trong chính sách là mối quan tâm về kinh tế, vì phong toả nghiêm ngặt có nghĩa là hàng trăm nhà máy đóng cửa và công nhân vất vả đi lại nơi làm việc. Tổng cục Thống kê ngày 29/9 công bố GDP giảm 6,17% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2000. Các nhà đầu tư lớn, như tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ Apple và Samsung của Hàn Quốc, đã nói rằng các vấn đề về dây chuyền sản xuất ở Việt Nam sẽ khiến việc phát hành điện thoại thông minh mới của họ bị trì hoãn. (Samsung sản xuất một nửa số điện thoại thông minh tại Việt Nam và công ty con của họ là công ty lớn nhất.) Doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu cảnh báo hồi cuối tháng 7, họ có thể buộc phải rút các khoản đầu tư khỏi Việt Nam nếu các điều kiện không được cải thiện. Cùng thời điểm đó, các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng Việt Nam có thể sẽ mãi mãi mất danh tiếng là trung tâm đầu tư quan trọng ở châu Á nếu tình trạng phong toả kéo dài lâu hơn nữa.
Thủ đô Hà Nội, nơi có tương đối ít ca nhiễm COVID-19, bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả vào giữa tháng Chín. Tối 30/9, chính quyề TP. gỡ bỏ Chỉ thị 16, cho phép người dân ra khỏi và nhiều cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại. Kể từ ngày 1 tháng 10, hàng trăm nghìn người đã rời Hà Nội để về quê mặc dù việc đi lại giữa các tỉnh chưa được chính thức cho phép. Đây là điều đã được dự đoán. Người dân đã phải ở nhà gần ba tháng, nhiều người mất việc làm và không đủ tiền mua các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày. Nhiều người trong số họ dân nông thôn và việc trở về quê từ lâu đã là cách người Việt Nam đối phó với thời kỳ khủng hoảng.
Nhưng có lo ngại rằng các biện pháp nâng có thể dẫn đến một đợt dịch khác. Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc rất thấp. Trong khi khoảng 99% dân số trưởng thành của Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin và 60% được tiêm chủng đầy đủ, chỉ 13,7% dân số ở tỉnh Đắk Lắk có được tiêm một liều. Do có sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng và với việc các tỉnh này không còn cách ly, rất có thể một số người trở về sẽ làm lây lan vi rút.
Những thách thức về vắc xin
Cho đến nay, số ca nhiễm mới không tăng kể từ khi các biện pháp khắc nghiệt nhất được nới lỏng. Trên thực tế, số ca nhiễm đã giảm khoảng 1/3 trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 6 tháng 10. Nhưng điều này có thể là do khó xét nghiệm sau khi hết phong toả và người dân đi lại tự do hơn. Điều đó có nghĩa là có những dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua. Tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 hàng ngày trên 100 người hiện đang tăng nhanh, sau một thời gian ngắn vào cuối tháng Chín. Theo Reuters phân tích, trung bình tiêm được 878.941 liều vắc xin mỗi ngày trong tuần qua, với tỷ lệ này sẽ cần 22 ngày để tiêm chủng cho 10% dân số. Như vậy, có thể mất gần ba tháng nữa mới tiêm chủng đầy đủ cho một nửa dân cả nước.
Hầu hết các nhà dự báo kinh tế đều cho rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 6% vào năm 2022, trở lại mức gần như trước đại dịch. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin quyết định của Đảng Cộng sản về việc chấm dứt cách tiếp cận “zero-COVID” là một dấu hiệu cho thấy đảng đáp ứng các yêu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi vì Việt Nam là một quốc gia độc đảng và những biểu hiện bất đồng chính kiến công khai bị chính quyền đàn áp nặng nề, nên rất khó để biết được suy nghĩ thực sự của phần lớn người dân. Nhưng các nhà bình luận chính trị nói rằng năm nay người dân ngày càng thất vọng hơn và ĐCSVN sẽ khó khôi phục lại niềm tin mà họ giành được hồi năm 2020 nhờ chống dịch.
Kết quả kinh tế yếu kém hơn dự kiến trong năm nay sẽ là một nguyên nhân. Kinh tế thường là nguồn cho tính chính danh của ĐCSVN. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tiến hành nghiên cứu năm ngoái cho thấy thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tháng 10 năm 2020 thấp hơn tháng 12 năm 2019 14,5%. Khoảng 63% hộ gia đình được khảo sát cho biết họ bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch. Tỷ lệ này hiện này gần như chắc chắn lớn hơn nhiều sau ba tháng phong toả nghiêm ngặt.
Và bây giờ khi phần nào bình thường đang trở lại, Đảng Cộng sản có thể phải đối mặt với áp lực nhiều hơn trong việc giải thích thất bại của họ. Một số nhà bình luận cho biết tỷ lệ tiêm chủng kém bắt nguồn từ chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2016 khiến hàng trăm cán bộ đảng bị kỷ luật và đi tù vì quản lý tài chính yếu kém. Vào đầu năm 2021, chính phủ ngày càng lo lắng về rủi ro, cảnh giác với việc tham gia cùng các quốc gia khác đấu thầu vắc xin, trong trường hợp họ bị kỷ luật sau này vì chi trả quá chênh lệch.
Một lý do khác là kiêu ngạo. Đầu năm 2021, khi có tương đối ít ca nhiễm và đại dịch trong tầm kiểm soát, thay vì đấu thầu nhập khẩu vắc xin, quan chức chính phủ cho biết họ muốn tạo ra vắc xin COVID-19 nội địa nhằm thúc đẩy ngành công nghệ dược non trẻ của đất nước.
Nếu sự tự tin thái quá là một yếu tố thúc đẩy trong việc tại sao Việt Nam mất kiểm soát đại dịch, thì Việt Nam có thể sẽ nhìn nhận rõ ràng hơn nhiều về khả năng của mình. Người ta còn chờ xem liệu chính phủ có phản ứng với một đợt dịch khác bằng cách phong toả nghiêm ngặt một lần nữa hay không. Tuy nhiên, dường như đã có một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của Hà Nội và câu thần chú “sống chung với COVID” của Đảng Cộng sản đã thay thế cho câu “zero-COVID”.
Nguồn: https://www.thinkglobalhealth.org/article/vietnam-ends-zero-covid-it-too-soon?utm_source=tw_tgh&utm_medium=social_owned