Thạch Hãn
(VNTB) – Điều chỉnh lực lượng quân đội tinh, mạnh và hiệu quả.
Theo tường thuật của báo chí thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến rằng trong chuyện “điều chỉnh quân đội”, cần phải bài bản, chặt chẽ, chắc chắn, hiệu quả, đạt mục tiêu tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
“Đây là những vấn đề lớn, hệ trọng; quá trình thực hiện phải chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, có lộ trình, bước đi thích hợp, không chủ quan, nóng vội, nhưng không cầu toàn, chậm trễ”, ông Phạm Minh Chính đã nói như vậy tại Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023.
“Song trùng” Nguyễn Phú Trọng – Phạm Minh Chính
Quan sát từ các bài tường thuật của báo chí về hội nghị trên cho thấy có một điểm chung là gần như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “mang Tổng bí thư” ra cho các yêu cầu của “mệnh lệnh”. Ví dụ như, tại hội nghị, Thủ tướng đã nhắc lại nội dung bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa qua, trong đó nhấn mạnh tinh thần nêu gương và tính mẫu mực đối với Đảng bộ Quân đội và toàn quân; rèn đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần “7 dám”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư vào các văn bản chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc trong toàn quân.
Ngay cả trong chuyện “vũ khí lưỡng dụng” cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính “nhai lại” từ phát biểu trước đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng cần “đảm bảo đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Yêu cầu trên của người đứng đầu chính phủ cho thấy “đèn xanh” đã được bật trong chuyện ngân sách quốc gia sẽ chi nhiều hơn nữa cho chuyện vũ khí quốc phòng. Rất có thể điều này còn đến từ những gì mà cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra, qua đó Việt Nam nhận ra rất rõ rằng một khi không thể chủ động được nguồn lực vũ khí, thì sẽ chật vật lắm vì đã qua lâu lắm rồi thời “tầm vông vạt nhọn”.
Trước đó, ngày 3-7-2023, phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương khá dè dặt với yêu cầu: “Các đồng chí đã làm rất tốt rồi. Tuy nhiên, tôi đề nghị chúng ta tiếp tục điều chỉnh lực lượng theo lộ trình, quyết liệt, nhưng vẫn phải rất thận trọng. Bởi đây là vấn đề liên quan đến tổ chức, con người, chính sách,… làm sao luôn luôn tạo được sự đồng thuận cao, phát huy được sức mạnh, mọi tổ chức ổn định và phát triển”.
Trong bài phát biểu tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng để đáp ứng được nhu cầu trang bị cho các đơn vị.
Vấn đề chung ở đây của phát biểu trên từ hai chính khách chóp bu: Gia tăng nội địa hóa vũ khí trang bị quốc phòng.
Việt Nam muốn tránh lệ thuộc Nga về vũ khí
Một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo cho rằng ẩn tình của “mệnh lệnh” trên là từ diễn biến cuộc chiến Nga – Ukraine.
Theo vị nhà báo này, hồi đầu năm 2018, khi ấy Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật – quân sự là ông Vladimir Kozhin đã thông báo rằng, Moscow và Hà Nội đang đàm phán về các hợp đồng quân sự mới phục vụ mục đích củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác quân sự gần gũi giữa hai nước.
Bình luận về tuyên bố trên, ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí Nga” (Arms Export) khẳng định, các hợp đồng mua sắm song phương với Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga. Xét về tổng thể các lĩnh vực, vị trí của vũ khí Liên Xô/ Nga tại Việt Nam vẫn là rất vững vàng, và trong số các hợp đồng lớn được ký kết gần đây có thể nhắc đến thỏa thuận về cung cấp cho Hà Nội các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và xe tăng chỉ huy T-90SK của Nga – ông Frolov nói.
Mặc dù Trợ lý của Tổng thống Nga Kozhin không cho biết chi tiết về nội dung cuộc đàm phán giữa Moscow và Hà Nội, nhưng, có cơ sở để cho rằng, ở đây nói về các loại thiết bị quân sự mới cho không quân hoặc lục quân (chiến đấu cơ và xe tăng). Ngoài ra, hai bên có thể đàm phán về việc cung cấp tàu chiến (tàu mặt nước) cho Hải quân Việt Nam.
Ở đây có thể nhắc nhở về bản hợp đồng đã được ký kết vào cuối thập niên 90, đó là Nga đã cung cấp cho Việt Nam hai tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P, với tên lửa siêu âm P-800 Yakhont (bản xuất khẩu của P-800 Oniks, Onyx) để đối phó với các loại tàu chiến của đối phương.
Ngoài ra, có thể kể đến hợp đồng đã được thực hiện gần đây về cung cấp 6 tàu ngầm dự án 636,1. Từ năm 2013 – 2017, Nga đã hoàn tất chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu ngầm động cơ diesel – điện lớp Varshavyanka (Kilo), có khả năng tác chiến chống hạm, đối đất và chống ngầm.
Theo vị chuyên gia này, hợp đồng về cung cấp các tàu ngầm là lớn nhất trong ngành xuất khẩu tàu chiến của Nga, vì thỏa thuận này bao gồm cả việc xây dựng căn cứ hải quân, trung tâm huấn luyện tàu ngầm, nhà máy sửa chữa và hàng loạt các hạng mục khác có liên quan.
Ông Frolov nhận định, những hợp đồng lớn này dẫn đến thực tế rằng, trong những năm 2012-2016, các sản phẩm của Nga chiếm 88% tổng khối lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam và đó chủ yếu là các phương tiện chiến đấu chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên theo vị nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, thì với các yêu cầu đặt ra tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa kết thúc, “tôi cho rằng ở đây còn có yếu tố của doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khi mà báo Haaretz của Israel trong một bài viết ngày 01-5-2022 nói các hợp đồng về an ninh, quốc phòng của Israel xuất khẩu sang Việt Nam có thể gặp rủi ro sau lệnh bắt giam “nữ môi giới chủ chốt” là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, “một nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua”.
Theo Haaretz, các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí của Israel sang Việt Nam đã đạt hơn một tỷ đô la. Một trong các hợp đồng lớn nhất giữa hai nước hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận là của công ty IAI của Israel bán cho tình báo quân đội Việt Nam thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (hay còn gọi là Horizon). Thoả thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam này trị giá khoảng 550 triệu đô la.
Còn theo trang tin Israeldefense, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn là trung gian kết nối với hai hãng của Pháp khác cũng cạnh trang cung cấp thiết bị vệ tinh tình báo cho Việt Nam là Airbus và Thales.
Một nguồn tin khác cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chọn thiết bị của IAI. Thủ tướng Phạm Minh Chính, người chịu trách nhiệm chính về dự án này, đã thảo luận qua điện thoại với người đồng cấp Israel Naftali Bennett sau đó…
Vừa qua, Ấn Độ tặng một tàu hộ vệ tên lửa lớp Khukri cho Việt Nam còn cho thấy khả năng Việt Nam đang tìm kiếm vũ khí đa dạng hơn, không còn lệ thuộc vào Nga như trước nữa.