Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ chọn sống chung với Sars-Cov-2, hay ‘zero Covid”?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sĩ Takeshi Kasai, đưa ra hai kịch bản Covid-19 trong tương lai: sống chung với virus hoặc viễn cảnh “ai cũng muốn tránh”.

 

Theo giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới, tiến sĩ Takeshi Kasai, do tính nguy hiểm của biến thể Delta, nên mặc dù nhiều nước trong khu vực đang triển khai các biện pháp nhanh, mạnh như phong tỏa, nhưng “dù có nỗ lực hết sức thì dường như trên bình diện toàn cầu, virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, ít nhất là trong tương lai gần”. (Clip: https://youtu.be/BfHP7It97m0)

Ông nhận định virus sẽ không biến mất trong tương lai gần, dù các nước áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhất. WHO đưa ra một số kịch bản Covid-19 trong tương lai.

Kịch bản đầu tiên là sống chung với virus, nếu bối cảnh cho phép.

“Chúng ta giảm thiểu rủi ro bằng cách triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng và những cách phòng ngừa khác, đồng thời ứng phó với các đợt bùng phát bằng biện pháp ngắn hạn, có mục tiêu”, ông Kasai nói.

Điều này không đồng nghĩa với từ bỏ chống dịch. Thay vào đó, các nước xử lý Covid-19 như cúm mùa và những mầm bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác. Chính phủ tập trung hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương, giảm thiểu tác động về sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.

Ông Takeshi Kasai dẫn chứng Singapore mới đây đã kiểm soát được Covid-19 bằng truy vết, xét nghiệm, kết hợp chích ngừa nhanh chóng để đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có tỷ lệ chích ngừa cao nhất khu vực: đến nay, 74% dân số, tương đương hơn 4,3 triệu người đã chích đủ hai liều vaccine Covid-19.

Chính phủ Singapore nhận định khi đủ lượng người chích ngừa vaccine, Covid-19 sẽ được kiểm soát giống các bệnh tái phát thông thường như cúm mùa hay tay, chân, miệng.

Kịch bản thứ hai là khi biến thể nguy hiểm hơn phát triển – các biến thể lây lan nhanh hoặc gây triệu chứng nặng, làm giảm hiệu quả vaccine.

Ông Kasai gọi đây là viễn cảnh mà “tất cả chúng ta đều muốn tránh nếu có thể”. Cách đối phó hiệu quả nhất là nỗ lực hạn chế virus lây truyền ngay lúc này. Giống với những mầm bệnh khác, càng nhiều ca nhiễm, virus càng phát triển mạnh, ông nhận định.

Cách ngăn chặn hiệu quả nhất với kịch bản thứ hai là nỗ lực hạn chế virus lây truyền ngay lúc này. Bởi giống với những mầm bệnh khác, càng lây được vào nhiều người thì virus càng phát triển và biến đổi và sinh ra các biến thể.

Chính vì thế, ông Kasai khẳng định “diễn biến dịch bệnh tương lai phụ thuộc vào hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới” thông qua việc chích ngừa và thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây trong cộng đồng.

Lựa chọn nào?

Hai kịch bản trên có thể được ‘phiên giải’ thành 3 kịch bản tiếp theo đặt ra cho cân nhắc về tính toán của lựa chọn.

Thứ nhất và đáng lo nhất là tình huống sẽ không kiểm soát được nhanh chóng và phải đối mặt với những thể bệnh trầm trọng với số lượng bệnh lớn.

Thứ hai, là kịch bản chuyển từ đại dịch sang các đợt dịch theo mùa (seasonal epidemic) như cúm. Điều trị bằng các loại thuốc có hiệu quả cao như kháng thể đơn dòng, thuốc diệt virus trực tiếp, sẽ giảm được tỷ lệ tử vong xuống hơn 70-85% so với ban đầu.

Nhưng phải nhớ rằng số tử vong của cúm mùa hàng năm ở phương Tây vào khoảng 250.000 đến 600.000 và tập trung ở người cao tuổi >65. Nhưng đây là kịch bản sáng sủa nhất!

Kịch bản thứ ba là chuyển đổi thành tình trạng bệnh lưu hành (endemic) như những virus corona khác hiện nay nhưng độc lực kém hơn SARS-CoV-2 – những virus  corona trên người HCoVs: HCoV-229E [alpha coronavirus], HCoV-OC43 [betacoronavirus], HCoV-NL63 [alphacoronavirus] hay HKU1 [betacoronavirus, lineage A]…

Nhưng vì thiếu thông tin về những virus corona khác nên cũng không chắc chắn là virus Vũ Hán sẽ giảm độc lực khi thích ứng với con người!

Tuy nhiên tính đến hiện tại thì vẫn còn những câu hỏi bị bỏ ngỏ, đơn cử như về virus-học : khả năng vượt qua hàng rào đặc hiệu theo loài (species-specificity) của SARS-CoV-2; vì đã phát hiện virus gây bệnh trên một số động vật như dơi, mèo, chó, chồn và linh trưởng không phải người; và người lây nhiễm cho động vật như chó mèo hay sư tử, hổ, beo… trong những sở thú.

Động vật hoang dã sẽ là nơi trú ẩn cho virus để tiến hoá và thay đổi rồi xâm nhập trở lại con người.

Một vấn đề khác, có thể về miễn dịch học: tiêu chuẩn nào để tiêm chủng ngừa lại hay tiêm nhắc…

Có lẽ lúc này câu chuyện ở Việt Nam là những người có trách nhiệm cần thật tỉnh táo nhận định nhằm hướng đến xây dựng và phát triển một cấu trúc y tế xã hội hiệu quả hơn, đảm bảo rằng những đáp ứng với đại dịch trong tương lai xa sẽ hiệu quả và công bằng vì – như đã nêu ở trên của tiến sĩ Takeshi Kasai – đại dịch kết thúc không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của SARS-CoV-2.


Tin bài liên quan:

VNTB – Học trò có thể đến trường học ở mùa dịch, nếu…

Phan Thanh Hung

VNTB – Corona: bình tĩnh sống

Phan Thanh Hung

VNTB – Y tế TP.HCM chuẩn bị kịch bản ‘bệnh nặng về Covid’ đột ngột tăng cao

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo