Nguyễn Huyền
(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ đây có thể không còn phải mày mò tìm kiếm con đường để đi tới chủ nghĩa xã hội nữa….
Tháng 10-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có đoạn, “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Trung tuần tháng 5-2021, báo chí đồng loạt đăng bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tác giả ký tên cùng chức danh, học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài viết trên, phần kết, tác giả Nguyễn Phú Trọng nhận định:
“Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội.
Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Giải pháp đưa ra của ông Nguyễn Phú Trọng, nằm ở kết bài:
“Và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động.
Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học.
Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Như vậy từ mốc thời gian tháng 10-2013 đến tháng 5-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục kiên trì tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cái mới ở đây sau ngần ấy thời gian là trong bài viết hồi trung tuần tháng 5-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác lập:
“Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Thật ra thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều so với tất cả những gì mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ưu tư.
Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh diễn ra sáng 1-7-2021, trong bài phát biểu từ quảng trường được phát trên truyền hình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã đạt được mục tiêu trăm năm là xây dựng “một xã hội thịnh vượng ôn hoà”.
Ông Tập Cận Bình cho rằng chủ đề bao trùm hoạt động của đảng trong hơn 100 năm qua là trẻ hóa đất nước. Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay người dân Trung Quốc đã tạo ra một thế giới mới và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể phát triển được Trung Quốc.
Vậy thì giờ đây với hình mẫu thành công chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ cần sang Bắc Kinh để học tập Chủ tịch Tập Cận Bình là mọi việc sẽ nhanh chóng đi vào hồi kết, thay cho trăn trở tìm kiếm của “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.