Anh Khoa dịch
Tác giả: Philip Heijmans
Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã ví chiến dịch chống tham nhũng của mình như một “cái lò đốt”, chiến dịch chống tham nhũng này đã bắt được hàng trăm quan chức cấp cao, giám đốc doanh nghiệp và những người khác trong những năm qua. Mặc dù đã cải thiện hơn vị trí tăng 30 bậc trong mười năm qua về chỉ số nhận thức tham nhũng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn ở hạng 87 trên 180 trong bảng xếp hạng năm 2021. Giờ đây, khi nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á đang tìm cách củng cố sức hấp dẫn là điểm đến cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, cuộc chiến chống tham nhũng dường như lại bùng lên.
1. Việt Nam đang nhắm vào đâu?
Nguyễn Phú Trọng, đắc cử nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ ba năm 2021, nói trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng “mỗi cán bộ, đảng viên cần gánh vác trách nhiệm làm gương. Vị trí, cấp bậc càng cao thì trách nhiệm càng nhiều hơn.” Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, xử lý các vụ việc tham nhũng, kể cả tại các ban đảng, cơ quan đảng.
2. Ai nằm trong tầm ngắm?
Năm ngoái Việt Nam đã khởi xướng điều tra hình sự ít nhất 4.646 cá nhân bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và sai phạm kinh tế trong khoảng 2.474 vụ án. Bộ Chính trị và đảng đã kỷ luật khoảng 70 quan chức, trong đó có 5 bộ trưởng và cựu bộ trưởng, kể từ đầu năm 2021. Công an cũng đã bắt giữ một số giám đốc trong khuôn khổ điều tra về cáo buộc gian lận liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giao dịch cổ phiếu và thao túng giá cổ phiếu.
Dưới đây là một số vụ:
– Quốc hội miễn nhiệm hai phó thủ tướng vào ngày 5 tháng 1 dựa trên những gì Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là tự yêu cầu. Họ là những quan chức cấp cao nhất bị miễn nhiệm kể từ năm 2017. Không có lý do nào được đưa ra nhưng mỗi phó thủ tướng đều có một trợ lý bị bắt giữ trong các vụ án tham nhũng. Một người đã bị bắt vì nghi ngờ thông đồng với một nhà sản xuất bộ dụng cụ thử nghiệm Covid-19, và người kia bị bắt do hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu cho trong đại dịch.
– Cùng ngày, bắt giữ Trần Việt Thái, cựu đại sứ tại Malaysia, vì lạm quyền trong khi điều tra các chuyến bay giải cứu. (Việt Nam đã tổ chức khoảng 2.000 chuyến bay này trong thời gian đại dịch.) Kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu vào đầu năm 2022, 40 người đã bị khởi tố hình sự, trong đó có Vũ Hồng Nam, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng; một trợ lý phó thủ tướng và một vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế của Văn phòng Chính phủ.
– Tháng 10, bắt giữ Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát Holdings Group cùng ba nhân viên cấp cao khác vì cáo buộc gian lận trong phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Việc giam giữ đã khiến người dân rút tiền ra khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn vì có mối liên hệ với tập đoàn này. Cơ quan quản lý đã đặt ngân hàng dưới sự “giám sát đặc biệt” và chỉ đạo bốn ngân hàng khác giúp quản lý Ngân hàng tư nhận này.
– Tháng 6, bắt giữ cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vì liên quan đến việc điều tra vụ bộ xét nghiệm Covid. Theo Bộ Công an, cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự đối với 102 cá nhân liên quan đến vụ án.
– Một cựu Thứ trưởng Bộ Y tế bị kết án 4 năm tù hồi tháng 5 vì liên quan đường dây buôn bán thuốc giả.
– Bộ Tài chính miễn nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng vào tháng 5 vì những “sai phạm nghiêm trọng” khi điều tra về kinh doanh chứng khoán. Sau đó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM bị buộc thôi việc vì khuyết điểm “rất nghiêm trọng” trong công tác. Trong số các giám đốc bị tạm giam có cựu Chủ tịch Bamboo Airways và CTCP Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết; TGĐ Đỗ Đức Nam của Chứng khoán Trí Việt nguyên và cựu Chủ tịch Đỗ Thành Nhân của Louis Holdings.
– Thủ tướng Chính phủ năm ngoái đã ra lệnh cho các bộ tăng cường giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong khi Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và sáu giám đốc/chủ tịch công ty khác bị bắt giữ để điều tra vì gian lận. Bộ Công an cho biết Đỗ Anh Dũng và đồng bọn bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
3. Điều gì đang bị đe dọa?
Đảng cảnh báo rằng tham nhũng có thể gây rủi ro cho tính hợp pháp của đảng đối với công chúng và việc nắm giữ quyền lực — Chủ tịch Tập Cận Bình lặp lại ở nước láng giềng cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam, một quốc gia có khoảng 100 triệu dân, sẽ đạt được nhiều lợi ích về kinh tế nếu có thể củng cố hình ảnh là nơi để kinh doanh. Việt Nam đã được hưởng lợi khi các nhà sản xuất lớn đang tìm cách đưa hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hiện đang bị cuốn vào các đợt phong tỏa do đại dịch và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Việt Nam tương đương hơn 100% GDP, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam cũng đang tìm cách để thị trường chứng khoán Việt nam được phân loại là thị trường mới nổi — tăng từ tình trạng cận biên hiện tại, tức là mức thấp nhất và rủi ro nhất — và điều này có thể thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Là thành viên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Hoa Kỳ, Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường liên kết với cựu thù — thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
4. Đàn áp nghiêm trọng như thế nào?
Có nhiều người đang ngồi tù, và một số đã bị kết án tử hình. Trong 6 tháng đầu năm 2022, ít nhất 295 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm sai trái, theo thông báo tại cuộc họp tháng 8 của Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương. Cùng kỳ, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 9 nghìn tỷ đồng (383 triệu USD) trong các vụ án lớn. (Năm 2021, ủy ban cho biết đã truy tố 390 vụ tham nhũng và thu hồi ít nhất 400 triệu đô la tài sản.) Nhưng đối với nhà nước độc đảng, bị kiểm soát chặt chẽ của Việt Nam, động cơ chống tham nhũng rất khó đánh giá. Các tổ chức nhân quyền liên tục cáo buộc chính phủ đàn áp bất đồng chính kiến. Freedom House, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ, xếp Việt Nam là “không tự do”, với số điểm năm 2021 chỉ là 19 trên 100. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một nhóm chống tham nhũng có trụ sở tại Berlin, đã cho Việt Nam 39 trên 100 điểm năm 2021 so với 31 điểm trong năm 2012 — năm chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị vấy bẩn bởi một loạt vụ bê bối. Các vụ bắt giữ lại gia tăng sau khi chính quyền mới lên nắm quyền vào năm 2016:
– Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, bị cách chức.
– Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước và cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, bị kết án tử hình sau khi bị kết tội tham ô.
– Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch ngân hàng, đã bị tuyên án chung thân sau khi bị kết tội về cùng tội danh.
– Cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, một cựu chủ tịch khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã bị kết án 18 năm tù vào năm 2018 vì vi phạm các quy định của nhà nước.
5. Sẽ có nhiều người bị bắt hơn?
Chiến dịch chống tham nhũng không có dấu hiệu chậm lại. Các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã được thành lập và hoạt động ở mọi tỉnh thành, trong khi ban chỉ đạo quốc gia đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng cho đến năm 2030. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong một bài phát biểu vào tháng 11, tiếp tục kêu gọi kiên trì, quyết tâm và hành động nhanh hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 kêu gọi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả hơn. Trước đó, Trần Khánh Hiền, trưởng bộ phận nghiên cứu của VnDirect Securities Corp., cho biết động thái của chính phủ đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bà nói thêm rằng họ muốn xem “chính quyền kiên trì và nghiêm túc như thế nào.”