Diễm Thi
(VNTB) – Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam đã liên tục hủy hoại nhân quyền. Họ sẽ là một thảm họa đối với Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22.02.2021 phiên họp thứ 46 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, thành viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Đại dịch Covid làm gần như cả thế giới khốn đốn trong gần một năm qua, thì Việt Nam lại nổi lên như một ngôi sao sáng về thành tích chống dịch và kinh tế với 35 người thiệt mạng vì đại dịch và đạt 2,9% tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Bình Minh tuyên bố với Hội đồng Nhân Quyền LHQ rằng Việt Nam “tiếp tục ưu tiên thúc đẩy bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay.”
Nói về các thành tích đạt được trong phòng chống dịch ông Phạm Bình Minh cho rằng “kinh nghiệm và thành tựu Việt Nam đạt được đã cho thấy rõ ràng rằng các nỗ lực đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia”.
Thế nhưng thực tế mà thế giới chứng kiến về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam lại hoàn toàn khác so với lời của ông Phó thủ tướng.
Trong năm 2020 đã có hàng loạt blogger và những nhà hoạt động bị bắt. Nổi trội là hàng chục người dân Đồng Tâm bị bắt đi từ tháng Giêng 2020 sau khi lực lượng vũ trang của chính phủ đột kích vào thôn Hoành lúc 3 giờ sáng khiến cho đảng viên 58 tuổi đảng Lê Đình Kình thiệt mạng. Cuộc sống của người dân Đồng Tâm sau đó bị đảo lộn khi hàng loạt người bị bắt giam, tra khảo.
Năm 2020 cũng chứng kiến các nhà báo của Hội nhà Báo Độc Lập bị bắt là ông Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, nhà văn Phạm Thành, nhà Thơ Trần Đức Thạch, các nhà hoạt động và nhà báo công dân Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Tâm, Đinh Thị Thu Thuỷ, và gần cuối năm là Phạm Thị Đoan Trang.
Những cáo buộc dành cho những blogger, nhà báo, người bảo vệ nhân quyền là vi phạm điều 117 Bộ Luât Hình Sự năm 2015. Điều 117 cùng với các điều luật khác như 118, 119, 331 đã được các tổ chức nhân quyền thế giới yêu cầu sửa đổi vì các cáo buộc mơ hồ.
Đầu năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên án 3 thànhh viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù giam, blogger Đinh Thị Thu Thuỷ cũng lĩnh án 7 năm tù vài ngày sau đó.
Quốc Hội Châu Âu đã ra nghị quyết đặc biệt về 3 nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam cũng như tình trạng tự do báo chí, tự do biểu lộ và nhân quyền tại Việt Nam và ngày 21.01.2021. Các thư chất vấn của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về những tù nhân lương tâm luôn được nhà cầm quyền Việt trả lời rằng họ làm theo đúng luật định và cho rằng các cáo buộc từ các báo cáo viên hay các tổ chức nhân quyền là vô căn cứ, không phản ánh đúng thực trạng.
Việt Nam vẫn tự khen là “thành tích về nhân quyền Việt Nam là không thể phủ nhận“, và lên tiếng chỉ trích các tổ chức nhân quyền trên thế giới, các nghị sỹ Âu Mỹ là thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố “Chúng tôi lấy làm tiếc khi EP thông qua một Nghị quyết không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam”
Với những thành tích đó, ông Phạm Bình Minh đã tự hào tuyên bố trên Twitter: ” Tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tôi tự hào giới thiệu Việt Nam là ứng cử vào Thành viên cho Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể và sẽ đóng góp nhiều vào công việc của UNHRC.
Trước ý định tự tranh cử này của Việt Nam, ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên minh châu Âu (EU) viết trên Twitter: “Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp nhất trên thế giới, với hàng trăm người chỉ trích ôn hòa bị bỏ tù, đàn áp có hệ thống những người bất đồng chính kiến, người dân không được thực hiện các quyền tự do cơ bản. Làm sao lại thích hợp trở thành thành viên của UNHRC?”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách HRW Á Châu đáp lời ông Phạm Bình Minh trên Twitter: “Thành thật mà nói, tôi không thể nghĩ về một chính phủ sẽ kém hữu ích (vô dụng) cho sự nghiệp nhân quyền hơn Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam đã liên tục hủy hoại nhân quyền. Họ sẽ là một thảm họa đối với Hội đồng Nhân quyền LHQ.”
Năm ngoái Trung Quốc đã lọt được vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 10 năm 2020 mặc cho các cáo buộc nhân quyền. Khi ấy Ngoại trưởng Pompeo đã lên tiếng rằng “Đại hội đồng LHQ lần nữa lại bầu các quốc gia có hồ sơ vi phạm nhân quyền.”
Trung Quốc còn vào được thì hà cớ gì mà Việt Nam không tự tin mà ứng cử cho dù là thành tích vi phạm nhân quyền dày cộm?