Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Trong chuyến thăm đảo Hải Nam ngày 13-4, Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ không nới lỏng các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn Covid-19.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói phải duy trì chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt, đồng thời nỗ lực giảm thiểu tác động đối với kinh tế và xã hội.
Trong ngày 13-4, Thượng Hải cảnh báo bất kỳ ai vi phạm các biện pháp phong tỏa sẽ bị xử lý nghiêm minh, đồng thời kêu gọi 25 triệu cư dân “đồng lòng chống dịch”.
Không chỉ siết cửa khẩu, Trung Quốc còn kiểm soát cảng biển để thực hiện chiến lược “Zero Covid”, làm hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt bị chặn đứng.
“Trước đây, hàng có thể chuyển đi bằng đường sắt, đường bộ nhưng do bị gián đoạn nên doanh nghiệp phải chọn lựa đường biển. Nhưng nay, nhiều cảng biển cũng bị phong tỏa, nhất là từ đầu năm đến giờ. Hiện công ty của tôi đã chậm hai lô hàng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh và phải tiến hành đàm phán lại với đối tác để có phương án tháo gỡ” – ông Trần Tuấn Thành, Giám đốc một công ty sản xuất thiết bị phụ trợ ô tô tải, container có nhà máy đặt tại khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, cho hay như vậy.
“Khi số lượng tàu neo đậu càng tăng thì hàng càng chậm tiêu thụ, làm tăng chi phí rất lớn. Giá mỗi container lạnh ước đạt 8.000 – 9.000 USD/container cao gấp 5 – 6 lần so với container bình thường.
Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp tốn kém mà còn có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa” – ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) – Phó Chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam, chia sẻ và cho biết mới đây, một số hãng tàu chở hàng đã thông báo là không thể vận chuyển qua các cảng biển như Diêm Điền, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông… vì tàu bị tắc nghẽn khi phía Trung Quốc phong tỏa một số cảng để thực hiện chính sách “Zero Covid”.
Tại Thâm Quyến các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc và tiêu dùng điện tử chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu 2021 của Trung Quốc. Thâm Quyến cũng là nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất của các công ty như Foxconn (đơn vị sản xuất cho Apple), Tencent, Huawei, BYD (hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc)… Do vậy khi Thâm Quyến bị phong tỏa nghiêm ngặt sẽ tác động ngay đến chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là những sản phẩm công nghệ.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc hiện tại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Một nguồn tin không chính thức cho biết, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “kiên trì” và “trách nhiệm” trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” có thêm từ tố “năng động”, tức là “Zero Covid-19 năng động”, bởi ông muốn giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và xã hội.
Điều này cho thấy mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “Zero Covid”, nhưng rất có thể nước này sẽ không còn tìm cách chống dịch bằng mọi giá, mà chuyển sang tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Chính sách “Zero Covid năng động” có thể sẽ được duy trì cho đến khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bùng phát. Nhưng chính sách này có thể được điều chỉnh để giảm bớt tác động kinh tế của nó.
Tính đến hiện tại thì trong một đánh giá chi tiết hơn về ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung quốc tới các ngành nghề Việt Nam, theo Công ty Chứng khoán BSC, “Zero Covid” tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm thuỷ sản và cảng biển.
Việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 – 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Ngoài ra, việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam.
Tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua cảng là phục vụ các tuyến từ/ đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam.