Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vingroup khẳng định doanh nghiệp không có ‘trục lợi’ sinh phẩm y tế

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Mỗi bộ kit test Vingroup “chịu lỗ” 17.000 đồng 

 

“Mặc dù ký hợp đồng trực tiếp với Hãng SD Biosensor của Hàn Quốc, không qua bất cứ trung gian nào để nhập về với giá 61.000 đồng/bộ nhưng để hỗ trợ các địa phương, Vingroup quyết định tài trợ một phần chi phí để kit test về mức 44.000 đồng/bộ”.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh như trên.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đang đi kiểm tra, thanh tra ở các tỉnh về test kit.

Bộ Y tế không bắt tay để tham nhũng trong mùa dịch Covid?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã có ý như vậy khi cho rằng Bộ Y tế luôn yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đăng ký, đảm bảo tính cạnh tranh.

“Bộ đã yêu cầu các đơn vị phải cập nhật công khai giá, đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký để có cạnh tranh, lành mạnh. Bộ trưởng đã có nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, xét nghiệm, chỉ đạo sở y tế, thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra giám sát đấu thầu, thanh kiểm tra cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông thông tin.

Đồng thời, ông cho biết đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn đang đi kiểm tra, thanh tra ở các tỉnh để chấn chỉnh như thông tin mà báo chí đã đưa.

Trước đó, từ tối 28-9 đến trưa ngày 29-9, Bộ Y tế đã gửi đi 2 thông cáo báo chí, giải thích xung quanh các ý kiến về giá kit xét nghiệm đang được cho là có bất thường. Bộ Y tế khẳng định chưa mua test nhanh, việc đấu thầu do đơn vị, địa phương.

Bộ Y tế cũng cho biết đã có hướng dẫn các đơn vị công lập điều chỉnh giá xét nghiệm theo giai đoạn. Trước 1-7-2021 là 238.000 đồng/test nhanh, hiện thực hiện thực thanh thực chi.

“Bộ Y tế đã vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mua kit test chất lượng cao và bán lại cho các đơn vị trong nước với giá phi lợi nhuận, đã cập nhật 9 lần danh sách nhà cung cấp, tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do nhà sản xuất – nhà cung ứng tự công bố và tự chịu trách nhiệm”, Bộ Y tế nêu.

Bộ Y tế cũng cho biết mới chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, kit test nhanh, kit test PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ, chưa mua. Đây là vấn đề Bộ Y tế nhắc đi nhắc lại. Một vấn đề quan trọng nữa, theo Bộ Y tế, ngày 28-9 bộ đã có văn bản chấn chỉnh dịch vụ xét nghiệm, “nội dung nhấn mạnh thực hiện xét nghiệm khoa học, thiết thực, phù hợp tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí”.

“Hiện nay giá kit xét nghiệm đang có xu hướng giảm, bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch trên thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, một phần rất lớn từ nguyên nhân chủ quan từ sự điều hành của cơ quan chức năng”, Bộ Y tế cho biết.

Theo tìm hiểu của báo chí, ngoài nguồn test nhanh được các tổ chức, cá nhân tài trợ, hiện đã có nhiều tỉnh thành, bệnh viện tổ chức đấu thầu riêng lẻ mua test nhanh. Mức giá trúng thầu thông thường từ 100.000 – 160.000 đồng/test.

Vingroup nói gì về việc được cho là ‘ngoéo tay’ làm ăn với Bộ Y tế?

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, đã ‘thanh minh’ như sau về nghi vấn đã ‘bắt tay’ với Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn trong việc mua kit xét nghiệm, thể hiện qua Công văn số 7263/BYT-KH-CT gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 1-9-2021, về việc “xin ý kiến phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 (trích):

“Vào thời điểm dịch bệnh leo thang cần khẩn cấp, Bộ Y tế đã vận động các doanh nghiệp tự ứng kinh phí ra nhập khẩu các bộ kit test về để chuyển giao lại cho Bộ với giá phi lợi nhuận. Song song, Bộ sẽ làm các thủ tục mua sắm đấu thầu để tiết kiệm thời gian.

Với tinh thần lăn xả chống dịch ngay từ những ngày đầu, Vingroup đã từng chủ động mua hơn 20 triệu bộ test về tặng hoàn toàn miễn phí cho rất nhiều đơn vị, địa phương như Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, TP.HCM, Long An, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Vì thế, khi Bộ vận động, Vingroup lập tức triển khai ngay không hề tính toán gì. Bộ xác định nhu cầu trước mắt cần tối thiểu 25 triệu bộ kit test, nhưng chúng tôi mới tìm mua được 15 triệu bộ với giá tốt nên mới chỉ ký được hợp đồng mua 15 triệu. Theo thỏa thuận ban đầu với Bộ Y tế, giá cả mua sao chuyển giao vậy, chúng tôi không lấy lãi 1 đồng nào trong giao dịch này.

Chúng tôi rất phẫn nộ trước những quy chụp cho rằng Vingroup trục lợi từ việc này. Đó là những quy chụp hồ đồ và thiếu lương tâm với tâm huyết chống dịch từ trước đến nay của chúng tôi cũng như của các doanh nghiệp khác.

Hiện chúng tôi mới nhập về 15 triệu bộ và đang chào bán cho các địa phương và đơn vị trong nước theo đúng quy định về đấu thầu. Mặc dù ký hợp đồng trực tiếp với Hãng SD Biosensor của Hàn Quốc, không qua bất cứ trung gian nào để nhập về với giá 61.000 đồng/bộ nhưng để hỗ trợ các địa phương, Vingroup quyết định tài trợ một phần chi phí để kit test về mức 44.000 đồng/bộ.

Tôi có thể công khai luôn 61.000 đồng là mức giá tốt nhất tại thời điểm đàm phán đợt vừa rồi, sau khi Vingroup đã nhập nhiều lô hàng lớn, mở rộng nguồn hàng và quan hệ cũng như đặt vào thời gian đỡ cao điểm.

Còn trước đó, trong tháng 7 và 8, khi mua 20 triệu kit test để tặng, chúng tôi có thời điểm đã phải trả giá cao hơn nhiều. Đơn cử, Vingroup đã mua hơn 3 triệu bộ test Standard Q Covid-19 Ag Test của SD Biosensor Inc, Hàn Quốc, giá 175.000 đồng/test; 700.000 bộ Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device của Abbott Diagnostics Korea Inc, Hàn Quốc, giá 115.000 đồng/test; 700.000 bộ test SGTi-flex COVID-19 Ag của Sugentech, Inc., Hàn Quốc, giá 78.000 đồng/test; 10,5 triệu bộ BIOSYNEX COVID-19 Ag BSS từ Biosynex Swiss SA, Pháp/Thụy Sĩ giá 88.651 đồng/test…

Các lô hàng trên được mua qua những nhà phân phối trong nước như Lục Tinh, Hùng Thịnh, Việt Nhật, Đoàn Gia SG… với đầy đủ hóa đơn chứng từ minh bạch và có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin trên mạng tương ứng thời điểm chúng tôi đặt mua.

Trước khi có việc hỗ trợ giảm giá, chúng tôi đã chủ động mua và tặng cho các vùng dịch nặng hơn 20 triệu kit test. Đến nay, để giúp các địa phương vùng dịch có thể làm nhanh thủ tục và ủng hộ chống dịch, chúng tôi đã chủ động giảm giá. Việc này đã được thực hiện từ ngày 17-9-2021 – nhiều ngày trước khi có các dư luận kia. Khi hành động vì cộng đồng với tâm sáng, chúng tôi không thấy có sức ép nào cả” (dừng trích)

Giá kit test được Bộ Y tế phê duyệt có giá rẻ nhất là bao nhiêu?

Bộ Y tế đã công bố và cập nhật 9 lần danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu kèm theo thông tin về: đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm.

Ở lần gần nhất tại công văn số 7878/BYT-TB-CT ngày 21-9-2021, văn bản do Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn ký, thì test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 nhập khẩu có giá bán lẻ rẻ nhất là 125.000 đồng/ test, hãng sản xuất ghi là “AMEDA Labordiagnostik GmbH /Áo.

Hôm 20-9-2021, văn bản số 7829/BYT-TB-CT, về danh sách các sinh phẩm/ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, giấy phép nhập khẩu, kèm thông tin hiệu năng và khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị cung ứng công bố (cập nhật lần 8), thì sản phẩm nhập khẩu từ hãng Anhui Deepblue Medical Technology Co., Ltd/ Trung Quốc có giá thấp nhất là 53.500 đồng/ test, kèm chú thích cũng sản phẩm từ hãng này của Trung Quốc, được nhà nhập khẩu công bố giá trước ngày 11-9-2021 lên tới 168.000 đồng/test.

Tương tự, ở lần gọi là “cập nhật lần thứ 7” vào ngày 23-8-2021, giá thấp nhất là 79.800 đồng/ test, do ACON Biotech (Hangzhou) Co., Ltd./Trung Quốc sản xuất. Trước đó, test nhập khẩu cũng từ nhà sản xuất ACON Biotech (Hangzhou) Co., Ltd, lại lên tới 109.200 đồng/ test ở lần “cập nhật lần thứ 6” vào ngày 28-7-2021.

Lần “cập nhật thứ 5” vào ngày 20-7-2021, giá thấp nhất là 99.750 đồng/ test, được sản xuất tại Công ty TNHH Medicon (cụm công nghiệp Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Trước đó, cũng kit test này của Công ty TNHH Medicon lại có giá 135.000 đồng/ test ở lần “cập nhật thứ 4”, ngày 13-7-2021.

Trong “cập nhật lần thứ 3” tại văn bản số 5288/BYT-TB-CT, ngày 2-7-2021, test xét nghiệm thực hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp, có giá được ghi rõ: 470.000 đồng/test với đơn hàng dưới 500.000 test; 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 test đến dưới 1.000.000 test; 315.000 đồng/test với đơn hàng từ 1.000.000 đến 5.000.000 test; 220.500 đồng/test với đơn hàng từ 5.000.000 test.

Sản phẩm do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á tại tỉnh Bình Dương sản xuất.

Ở lần cập nhật này cho biết “Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm ARN của vi rút SARS-CoV-2, AMPHABIO HTHITHROUGHPUT PCR COVID-19 KIT, với chức năng định tính phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới dựa trên kỹ thuật khuếch đại axit nucleic theo nguyên lý nested hetaplex PCR và phân tích phổ biến tính của sản phẩm khuếch đại. Sản phẩm sử dụng xét nghiệm theo chiến lược gộp mẫu, có thể áp dụng xét nghiệm mẫu riêng lẻ, giá bán lẻ là 179.800 đồng/test.

Văn bản số 4384/BYT-TB-CT, ngày 28-5-2021, về danh sách các sinh phẩm/ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu (cập nhật lần 2), không có ghi bất kỳ giá cả loại kit test nào.

Ở lần tạm gọi là ‘đầu tiên’, văn bản số 3740/BYT-TB-CT, ngày 6-5-2021, cũng không có ghi cụ thể giá cả về các loại kit test được Bộ Y tế phê duyệt.

Thay lời kết

Tôi chạy thận 1 tuần phải đến bệnh viện 3 lần. Mùa dịch này ngoài tiền chạy, tiền thuốc, tôi còn phải trả thêm tiền test 320 ngàn đồng/lần test, ngay từ những ngày đầu dịch đến giờ. Nhiều bệnh nhân giống tôi đã phải bỏ ca chạy thận lọc máu vì không có đủ tiền test, rất tội nghiệp” – bệnh nhân Nguyễn Xô đã cay đắng cho biết như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – 25 Du khách Hà Lan bị cách ly ở Việt Nam: khách sạn bẩn, chính quyền địa phương vô dụng

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng đang vô cảm với trẻ em sao không thấy Tổng bí thư ‘ra roi’?

Do Van Tien

VNTB – Gượng chút oxy cho một góc nhỏ Sài Gòn kiệt sức

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.