Anh Khoa dịch
(VNTB) – Những vụ rò rỉ phòng thí nghiệm được ghi nhận ở Mỹ, Nga và Trung Quốc tiết lộ về những gì có thể đã xảy ra với Covid-19
Tác giả: Alina Chan và Matt Ridley
Ngày 11 tháng 11 năm 2021
Vào tháng 11 năm 2019, ngay trước khi Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán, một ổ dịch khác đang bùng phát ở một khu vực khác ở Trung Quốc. Tại Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc ở vùng tây bắc, một vụ rò rỉ tại một công ty sản xuất vắc xin đã khiến hơn 10.000 người bị nhiễm brucellosis, một căn bệnh do vi khuẩn gây ra các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, sốt và mệt mỏi. Nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển sang mãn tính và chuyển thành viêm khớp, sốt tái phát và sưng tim, gan, lá lách hoặc các cơ quan sinh sản.
Nhà máy sản xuất vắc xin này bị đóng cửa ngay và bị rút giấy phép sản xuất. Cuối cùng nhà máy bị tháo dỡ vào tháng 10 năm 2020. Vào tháng đó, cơ quan lập pháp Trung Quốc thông qua luật phòng ngừa và ứng phó với rủi ro an toàn sinh học.
Những tai nạn trong phòng thí nghiệm như vậy hiếm khi xảy ra. Tuy vậy, với số lượng rất lớn các cơ sở xử lý mầm bệnh trên khắp thế giới có nghĩa là có tai nạn tương tự xảy ra, dù không phải lúc nào cũng được phát hiện hoặc báo cáo. Một cuộc điều tra năm 2021 của Tờ USA Today cho thấy từ năm 2006 đến 2013, các phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ đã thông báo cho các cơ quan quản lý liên bang về khoảng 1.500 sự cố phơi nhiễm hoặc rò rỉ, trộm cắp hoặc mất các mầm bệnh nguy hiểm. Trong số này, 800 trường hợp có nhân viên được điều trị hoặc kiểm tra y tế, và 15 người bị nhiễm mầm bệnh trong phòng thí nghiệm.
Một trong những tai nạn trong phòng thí nghiệm tồi tệ nhất được ghi nhận xảy ra ở Liên Xô vào tháng 4 năm 1979. Anthrax, vi khuẩn gây bệnh than, đã rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học ở thành phố Sverdlovsk (nay là Ekaterinburg), khiến ít nhất 64 người chết. Trong 13 năm, chính phủ Xô Viết phủ nhận vi khuẩn Anthrax là nguyên nhân khiến 64 nạn nhân thiệt mạng, xóa bỏ hồ sơ bệnh án và tuyên bố rằng nguyên nhân gây ra sự cố này là thịt bị nhiễm độc. Câu chuyện bịa đặt nổi đình đám này thậm chí còn tồn tại sau một cuộc điều tra quốc tế chính thức vào năm 1986.
Nhiều năm sau, Tiến sĩ Kanatjan Alibekov, cựu phó giám đốc thứ nhất của Biopreparat, bộ phận dân sự của chương trình vũ khí sinh học của Liên Xô, nói với loạt phim truyền hình Frontline rằng một công nhân tại cơ sở Ekaterinburg đã tháo bộ lọc ra khỏi hệ thống xả mà không thay thế bộ lọc mới. Người này ghi chú lại cho ca sau, ca này không để ý đến bản ghi chú này và bật máy. May mắn thay, gió không thổi các bào tử bệnh than về phía trung tâm thành phố, nếu không thì có thể khiến hàng trăm nghìn người chết.
Khi nói đến nguồn gốc của Covid-19, tiền lệ có liên quan nhất là một trường hợp năm 2004 liên quan đến một phòng thí nghiệm tại Viện Vi Trùng Học Trung Quốc ở Bắc Kinh, một phần của cơ quan quản lý dịch bệnh Trung Quốc. Phòng thí nghiệm này đang tiến hành nghiên cứu về vi rút SARS sau đợt bùng phát năm 2003 giết chết hơn 8.000 người ở châu Á và ở những nơi khác. Một sinh viên mới tốt nghiệp 26 tuổi, được biết đến trong hồ sơ là cô Song, trở về quê nhà ở tỉnh An Huy vào ngày 23 tháng 3 sau khi làm việc trong phòng thí nghiệm trong hai tuần và có các triệu chứng SARS vào ngày 25 tháng 3. Sau đó, cô đi tàu trở lại Bắc Kinh và đến khám ở một bệnh viện, nơi cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi do virus. Đáng thương thay, mẹ của cô Song cũng xuất hiện các triệu chứng này và qua đời vào ngày 19 tháng 4.
Thật khó giải thích tại sao cô Song, mặc dù có các triệu chứng giống SARS sau khi tiến hành các thí nghiệm SARS, lại không kịp thời cách ly bản thân và báo động. Ngay cả sau khi cô nhập viện, ít nhất là công khai, người ta không biết rằng cô Song đã bị nhiễm vi rút SARS. Đợt bùng phát chỉ được Bộ Y tế Trung Quốc phát hiện và báo cáo vào ngày 22/4, sau khi một y tá chăm sóc cho bà Song ở bệnh viện Bắc Kinh bị nghi ngờ mắc bệnh SARS. Các biện pháp theo dõi liên lạc đã xác định được 171 người tiếp xúc, 5 người trong số họ đã lên cơn sốt, bao gồm mẹ, cha và dì của y tá và một bệnh nhân khác.
Sau đó, người ta cho rằng có thể đã có những ca nhiễm vi rút SARS khác liên quan đến phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh này vào mùa xuân năm 2004. Có bốn trường hợp dường như riêng biệt, cho thấy rằng vi rút SARS đã bị rò rỉ từ cùng một phòng thí nghiệm bốn lần khác nhau. Tuy nhiên, không một tai nạn cụ thể nào trong phòng thí nghiệm có thể được xác định xảy ra đầu tiên. Như những sự cố này cho thấy, vi rút có thể rò rỉ từ các phòng thí nghiệm mà không liên quan đến một sự cố lớn đến mức được ghi nhận và không ai phát hiện ra cho đến khi các ca bệnh nghiêm trọng được chẩn đoán sau đó.
Việc liên kết những trường hợp nhiễm SARS này với các phòng thí nghiệm rất dễ hiểu vì một lý do đơn giản: Vào đầu năm 2004, dịch bệnh đã lắng xuống và không có vi rút SARS trong công đồng ở Bắc Kinh hay bất kỳ nơi nào khác. Nếu SARS có trong cộng đồng, những rò rỉ này có thể đã được quy sai cho sự lây nhiễm cộng đồng của dịch bệnh phát sinh từ tự nhiên.
Việc xác định chính xác nguồn gốc thậm chí còn khó hơn trong trường hợp của Covid-19, bởi vì vi-rút SARS-CoV-2 là một trong những vi-rút khó phát hiện nhất mà các chuyên gia y tế công cộng đã gặp phải. Thời gian ủ bệnh dài lên đến hai tuần; có thể lây lan bởi từ những người không có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng; có thể dẫn đến vô số các triệu chứng ngẫu nhiên giống với những căn bệnh khác, từ dị ứng đến cảm cúm; và phần lớn không trở nặng, cho phép đại đa số những người bị nhiễm vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày, đôi khi thậm chí họ còn không biết rằng đã bị nhiễm bệnh.
Điều này đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại. Nếu một nhà nghiên cứu trẻ làm việc với vi rút SARS-CoV-2 sống vào năm 2019, hoặc thậm chí với các mẫu bị nhiễm chéo hoặc được bất hoạt không đúng cách và bị nhiễm vi rút mà không biết, thì bao nhiêu thời gian đã trôi qua, người này có thể đã đi bao nhiều chuyến tàu hoặc chuyến bay, và bao nhiêu người đã tiếp xúc với vi rút trước khi một ca bệnh nặng được chẩn đoán và truy tìm tiếp xúc? Một đợt bùng phát như vậy có thể không bị phát hiện trong vài tuần hoặc vài tháng, dưới vỏ bọc của mùa cúm thông thường, trước khi trường hợp bệnh nặng đầu tiên có thể được công nhận là một mầm bệnh mới.
Vào tháng 1 năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng họ có bằng chứng cho thấy các nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán là một trong những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên, “với các triệu chứng như cả Covid-19 và bệnh cúm mùa”, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Vào tháng 5 năm 2021, Tờ The Wall Street Journal đưa tin về một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ trước đây của Hoa Kỳ nêu chi tiết về việc ba nhà nghiên cứu từ Viện Vi rút học Vũ Hán đã bị bịnh đến mức vào tháng 11 năm 2019 mà họ đã phải vào bệnh viện.
Nếu không có thêm thông tin, thật khó để biết liệu đây có phải chỉ là những trường hợp cúm hay không. Nhưng ba nhân viên phòng thí nghiệm bị bịnh đến mức phải đến bệnh viện trong cùng một tuần có vẻ không bình thường, và do hầu hết những người trẻ tuổi thường có các triệu chứng nhẹ của Covid-19, có thể có hơn ba người bị nhiễm vi rút này không bị bệnh này.
Chúng ta cũng biết rằng trong thời kỳ đầu của đại dịch, một nhà khoa học cấp cao tại một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh đã bị nhiễm SARS-CoV-2 khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm này. Điều này đã được tổ chức nghiên cứu điều tra phi lợi nhuận U.S. Right to Know tiết lộ, tổ chức này đã nhận được email giữa các nhà virus học tại các tổ chức của Mỹ bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin theo đạo luật Tự do Thông tin. Một email đề ngày 14 tháng 2 năm 2020 có nội dung: “Tôi thực sự rất lo lắng về khả năng lây nhiễm SARS-2 cho những người trong phòng thí nghiệm. Nó dễ lây lan hơn SARS-1… Làm thế nào để quản lý những thứ như vậy là rất phức tạp. Không chỉ PPE, mà là toàn bộ thiết kế và logic.”
Trước khi những email này được tiết lộ, không có báo cáo công khai nào về ca nhiễm SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh. Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, nhiều phòng thí nghiệm đã xử lý các mẫu vi rút SARS-CoV-2, bất hoạt hoặc sống, trên khắp thế giới. Một số vi rút có thể đã bị rò rỉ thông qua các vụ tai nạn, lây nhiễm cho các nhân viên phòng thí nghiệm. Nếu vậy, không ai có thể biết chắc rằng đây là những bệnh nhiễm trùng trong phòng thí nghiệm chứ không phải là sự lây truyền vi rút tại một quán cà phê hoặc trên tàu điện ngầm.
Bài luận này được chuyển thể từ cuốn sách mới của Tiến sĩ Chan và ông Ridley, “Viral: Tìm kiếm nguồn gốc của Covid-19,” sẽ được HarperCollins xuất bản vào ngày 16 tháng 11 (cũng giống như The Wall Street Journal, là thuộc sở hữu của News Corp).
Nguồn: WSJ