Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Hiện nay dư luận rộng rãi vẫn chưa lý giải nổi, tại sao các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng gần Trung Quốc, mật độ dân cư cao, điều kiện chạy chữa kém nhưng lại ít người mắc và chết vì virus Vũ Hán hơn bắc Mỹ, Tây Âu…
Việc ở Việt Nam ta hiện nay vẫn chỉ dưới 300/94 triệu người mắc và chưa có người trực tiếp chết vì virus Vũ Hán cũng là một sự thần kỳ. Theo tôi, ngoài những cố gắng quyết liệt của nhà cầm quyền, ý thức cao chống dịch của nhân dân phải còn cái gì đó thuộc về hoàn cảnh, thể chất con người Việt Nam nữa. Cần phải trả lời các câu hỏi sau đây:
– Tại sao các nước châu Á gần Vũ Hán, điều kiện chạy chữa bệnh tật kém hơn lại ít bị virus Vũ Hán hoành hành hơn các nước giàu có, văn minh hơn ở xa như bắc Mỹ, Tây Âu?
– Tại sao trong các nước châu Á nơi giàu có, đời sống cao lại bị nặng hơn những nơi dân còn nghèo, đời sống vất vả cực nhọc?Ví dụ dân VN rất ít người mắc và chết trong khi Singapore, Hàn Quốc Nhật Bản số người mắc và chết nhiều nhất (theo tỷ lệ dân số). Các nước có mức sống cao ở châu Âu như Anh, Ý, Tây ban nha, Pháp Nga, Đức lại bị nhiễm bệnh và chết nhiều hơn các nước đông Âu…
Theo tôi, virus Vũ Hán ngoài phát triển thuận lợi ở nhiệt độ thấp, đã được các nhà khoa học hầu như khẳng định còn có cái gì đó liên quan đến thể chất con người. Tôi thấy, những người quen với điều kiện sống khắc nghiệt, mất vệ sinh có khả năng kháng virus Vũ Hán mạnh hơn, giống như với virus sốt rét.
Tôi chiến đấu ở chiến trường 559 từ năm 1969 đến 1974 trên các vùng rừng núi từ quảng trị, Quảng Nam, Công Tum, Tây nguyên đến trung, nam Lào, đông bắc Campuchia… Ở chiến trường này ngoài chịu các loại bom mìn như B52 rải thảm, B57 tọa độ, các loại bom đạn của máy bay AD6, F4, AC130, bom bi, mìn vướng, mìn cóc, mìn lá…có một thứ mà bộ đội Trường Sơn bị thiệt hại ngang với bom đạn là bệnh sốt rét.
Trong đơn vị tôi hầu như lúc nào cũng có khoảng 1/20 người bị sốt rét nặng, nhẹ, sốt thường và ác tính.Người bị sốt thường thì sốt li bì cỡ 1,2 tuần được tiêm, uống thuốc sẽ cắt cơn khỏi. Khi đó người chỉ còn da bọc xương, phải vịn vào vật xung quanh để tập đi như trẻ mới đẻ vài tuần sau tới hồi phục. Người bị sốt ác tính thì chiều hôm trước “ăn thủng nồi, trôi rế” đêm ngủ sáng hôm sau đã chết queo. Trên đường giao liên tôi đã gặp cái võng trong đó có bộ xương của ai đó. Chắc người này đang hành quân bị sốt ác tính không theo kịp đơn vị tụt lại mãi mãi…
Theo tôi thấy khoảng 80% bộ đội Trường Sơn bị hai loại sốt rét trên, đặc biệt bị sốt nặng, lâu và sốt ác tính hầu hết là dân thành phố trẻ, đẹp trai, ở nhà có cuộc sống an nhàn. Ngược lại những người ở thôn quê có cuộc sống khắc khổ, lao động cực nhọc ít bị sốt và nếu bị cũng không nặng, ít chết và hầu như không bị sốt ác tính. Có lẽ những ai đã ở bộ đội Trường Sơn nhiều năm cũng có nhận xét như tôi.
Như vậy có thể virus Vũ Hán cũng nhắm vào những đối tượng như vi trùng của bệnh sốt rét và đó cũng là ân huệ của thượng đế đền bù cho những thân phận phải qua vất vả, cực nhọc, ăn ở kém vệ sinh…
Như vậy nếu chính quyền và dân ta cảnh giác cao, đề phòng tốt, đóng chặt biên giới, bất cứ ai nhập cảnh cũng phải cách ly thì có thể thoát được đại dịch lần này.