Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vụ án “con ruồi đốc-tờ Thanh”: Tội phạm “rất nghiêm trọng”!?

Trần Thành
(VNTB) – Liệu có nên đưa vào vòng tố tụng hành vi đưa 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát là phạm tội tiếp tay cho hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị can, khi đồng ý thương lượng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng?
Ông Võ Văn Minh bị bắt ngày 27-1-2015 khi trao chai “Number One có con ruồi” cho đại diện nhà sản xuất Tân Hiệp Phát, để lấy số tiền “được cho là 500 triệu đồng”. Ông Minh bị cáo buộc phạm tội cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự. Khung hình phạt cho trường hợp ông Minh là từ 3 năm đến 10 năm do số tài sản cưỡng đoạt lên tới 500 triệu đồng.
Lưu ý, sở dĩ dùng cụm từ “được cho là 500 triệu đồng”, vì trên thực tế ông Minh chưa cầm số tiền này, chưa có bất kỳ kiểm đếm nào về số tiền mà đại diện Tân Hiệp Phát công bố.

Nửa năm vẫn loay hoay một con ruồi
Tính đến ngày 19-7-2015, ông Minh vẫn bị tạm giam, và cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận điều tra “con ruồi đốc-tờ Thanh”. Đã nửa năm đi qua, từ khi Võ Văn Minh bị bắt, vụ án chưa xong khâu điều tra khiến những nghi ngờ trên một lần nữa dấy lên trong dư luận.
Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 119. Thời hạn điều tra, quy định: 1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. 2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Trường hợp của ông Minh, nếu cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản” được thành lập, thì vẫn chưa có bất kỳ một ghi nhận về hậu quả nào do ông Minh gây ra. Như vậy chưa rõ vì lý do gì để cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang tiếp tục gia hạn tạm giam bị can Võ Văn Minh.

Ai đã tiếp tay cho hành vi phạm tội?
Tình tiết đáng luận bàn ở đây là Tân Hiệp Phát đã có đến 3 lần gặp gỡ ông Võ Văn Minh để thương lượng giải quyết vụ việc. Ban đầu ông Minh ra giá cho chai nước Number 1 chứa ruồi là 1 tỷ đồng, nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý, Minh sẽ đưa vụ việc ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, thông tin cho báo chí, in 5.000 tờ rơi về vụ việc nhằm làm mất uy tín công ty.
Sau ba lần thương lượng, Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa số tiền 500 triệu đồng theo yêu cầu của ông Minh, nhưng đồng thời công ty đã trình báo công an vụ việc bị tống tiền. Khi ông Minh đến quán cà phê như đã hẹn để lấy tiền thì bị công an bắt giữ. Dù Tân Hiệp Phát khăng khăng nói rằng không thương lượng với  ôngVõ Văn Minh, nhưng vì sao lại có chuyện chốt mức thỏa thuận từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng? Tại sao Tân Hiệp Phát không báo cáo cơ quan chức năng ngay từ lần gặp ông Minh đầu tiên? Và việc đưa 500 triệu đồng có phải “bẫy” người tiêu dùng kém hiểu biết?

Liệu có nên đưa vào vòng tố tụng hành vi đưa 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát là phạm tội tiếp tay cho hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị can, khi đồng ý thương lượng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo