Hoài Nguyễn
(VNTB) – Căn cứ theo Luật Giáo dục, trong quyết định giải thể phải có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường này.
Vụ trường quốc tế AISVN nợ nần kéo dài với những giải pháp tạm thời của chuyện kêu gọi phụ huynh cùng góp thêm tiền cho duy trì việc dạy học của AISVN, có lẽ là giải pháp tình thế cho bước căn cơ hơn là sẽ theo quy định của Luật Giáo dục để xử trí.
Theo luật, tại Điều 49.2 về “Điều 49. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục”, thì:
“2. Nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục; địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động;
b) Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;
c) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;
d) Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”.
Luật Giáo dục, tại Điều 50 về “Đình chỉ hoạt động giáo dục”, thì:
“1. Nhà trường bị đình chỉ hoạt động giáo dục trong trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này; c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn quy định kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ; e) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, ở đây trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Sở Giáo dục TP.HCM là cần tập trung cho mục tiêu giáo dục, chứ không phải giải quyết mối quan hệ tiền bạc giữa nhà trường và phụ huynh của trường AISVN. Và căn cứ theo Luật Giáo dục, thì trong quyết định giải thể phải có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường này.
Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của trường quốc tế AISVN từ ngày 8 đến 12-4-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết về tình hình hoạt động giáo dục, trường có 1.087 học sinh, giảm thêm 33 học sinh so với thời gian trước. Trong đó, bậc tiểu học có 42/49 giáo viên nước ngoài; 12/14 giáo viên Việt Nam và 395/428 học sinh đến trường. Bậc trung học có 55/74 giáo viên nước ngoài; 10/13 giáo viên Việt Nam và 547/659 học sinh đến trường. Có 95/103 nhân viên đi làm.
Báo cáo này dẫn nguồn từ Hiệu trưởng trường quốc tế AISVN, thì tính đến ngày 12-4, nhà trường đã nhận 10 đơn chính thức xin thôi việc từ giáo viên người nước ngoài.
Cũng trong báo cáo trình UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho hay đã tổ chức buổi làm việc với hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ AIS và đại diện tập đoàn DMH Capital Group, INC, đơn vị dự định đầu tư, tái cấu trúc trường quốc tế AISVN.
Hiện tại cơ quan chức năng TP.HCM đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch hội đồng quản trị AISVN do nợ thuế thu nhập cá nhân.