VNTB – Nắm dao đằng lưỡi?

VNTB – Nắm dao đằng lưỡi?

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) không những trả lại tiền đã vay cho phụ huynh mà ‘mượn gió đẩy thuyền’ để tiếp tục… huy động vốn.

 

Vụ việc huy động tài chính của AISVN cho thấy tình tiết tương tự của “thả gà ra đuổi”. Các phụ huynh cho nhà trường vay 2 đến 5 tỷ đồng, thậm chí có người cho vay gần 10 -15 tỷ đồng không lãi suất, đổi lại được miễn học phí 12 năm học với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 12, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khỏe… AISVN hứa sẽ trả lại số tiền đã vay. Hơn 90% phụ huynh đã đóng tiền đầy đủ cho con theo học hết cấp 3 ở AISVN dưới hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư, số tiền tổng cộng hơn 3.200 tỷ đồng.

 

Hợp đồng giữa đôi bên không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan

Được biết, AISVN huy động gói đầu tư từ khoảng năm 2008 cho đến nay, huy động theo USD hoặc tiền VNĐ, số tiền từ hàng chục ngàn lên đến 200.000 USD/suất, hoặc từ 2, 3, 4 đến 5 tỷ đồng tùy giai đoạn.

Tính đơn giản một phụ huynh cho nhà trường vay 4 tỷ đồng không lãi suất. Nếu tính lãi suất trung bình trong suốt 12 năm là 7%/năm, thì tương đương họ đóng học phí 280 triệu đồng/năm. Nếu so với mức học phí niêm yết cao hơn nhiều lần thì họ cảm thấy được lợi lớn. Món lợi này làm cho nhiều người mất cảnh giác mà không xem xét thấu đáo, rằng có thể trường đem số tiền đó đầu tư vào những tài sản ít rủi ro, như trái phiếu chính phủ hoặc tiền gửi, và lấy tiền lãi để duy trì hoạt động. Còn nếu trường đầu tư vào những tài sản rủi ro như chứng khoán, bất động sản thì mô hình này rất dễ bị sụp đổ, do không có dòng tiền để hoạt động khi thị trường tài chính giảm sâu.

Những phụ huynh học sinh AISVN đồng ý đóng tiền hỗ trợ để duy trì việc học tập của học sinh, họ đều chung băn khoăn là liệu nhà trường sẽ tái cấu trúc, có cơ quan giám sát thu chi minh bạch hay không? Lưu ý là chủ trường AISVN bị mất lòng tin từ phụ huynh hơn năm nay vì không đưa ra được phương hướng hoạt động lâu dài.

Trong buổi làm việc hôm chiều 5-4 với đại diện phụ huynh và cơ quan chức năng, bà Chandra McGowan, Hiệu trưởng trường AISVN, thông tin, hiện có 2-3 giáo viên từ chối quay lại trường cho đến khi nhận hết lương tháng 3-2024. Các lớp thiếu giáo viên, nhà trường chuyển học sinh xuống phòng thư viện, và tự học theo sự giám sát của quản thư (chỉ được học môn toán). Có 5 giáo viên đã ngừng công tác, và có khoảng 15 giáo viên nghỉ với nhiều lý do khác nhau.

Như vậy bước đầu cho thấy là dù phụ huynh có đồng ý góp thêm tiền cho chủ trường AISVN, thế nhưng nhà trường vẫn không thể đảm bảo được các tiết học trong chương trình.

Ngoài ra có tình tiết đáng quan tâm khác là đất xây dựng trường AISVN đang thuộc quyền sử dụng của Công ty Tri Thức. Việc pháp nhân sở hữu trường AISVN không sở hữu quyền sử dụng đất ở động sản này, gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ.

Hình thức huy động tài chính tương tự như trường AISVN có trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) với chương trình đóng học phí dài hạn. Nếu phụ huynh đóng trước 2 năm sẽ được chiết khấu 20%, đóng trước 3 năm được chiết khấu 30%, đóng trước 4 năm được chiết khấu 40%, và đóng trước 5 – 12 năm được chiết khấu 50%. Với mức chiết khấu này, phụ huynh có thể được miễn trừ hàng tỷ đồng cho mức học phí phải đóng hiện nay là từ 514 – 803 triệu đồng/năm áp dụng cho các lớp từ tiểu học đến 12. Đặc biệt, nếu đóng từ 5-12 năm, phụ huynh được chiết khấu 50% – tức được giảm một nửa học phí nếu con theo học trường này.

Tại trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) cũng có gói đầu tư tài chính, phụ huynh đầu tư khoảng 2 tỷ đồng sẽ được miễn 100% học phí và nhận lại khi con kết thúc chương trình học.

Về lý thuyết thì việc huy động tài chính này từ các phụ huynh mà phía chủ trường học kêu gọi sẽ giúp trường không bị áp lực trả lãi hàng tháng như vay ngân hàng và trả lại tiền trong tương lai khi đồng tiền mất giá hơn… Thế nhưng các gói huy động tài chính này dễ đem đến xung đột lợi ích giữa động cơ lợi nhuận và chất lượng giáo dục.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)