Trần Văn Đông
(VNTB) – Người người sẽ lại cùng vui buồn cùng các cô cầu thủ, tinh thần dân tộc được nâng cao và rồi họ lại quên béng chuyện tấm hình vô duyên hôm nào.
Chuyện quan chức vô duyên không phải là chuyện mới mẻ gì.
Năm 2018, trong lần đội tuyển bóng đá nam trở về sau hành trình “kỳ diệu” tại vòng chung kết U23 châu Á , cựu chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung đã được phong tặng danh hiệu “kẻ ăn hôi vĩ đại”. Các quan chức trong ảnh lễ xuất quân của đội tuyển nữ Việt Nam lần này lại vẫn nghĩ mình là nhân vật chính như mọi khi.
Lần “ăn hôi” mới nhất này không chỉ một cá nhân mà rất nhiều người…
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sắp tham dự World Cup 2023. Trong những năm qua, thành tịch của đội bóng đá nữ, dù được đầu tư ít hơn cũng được kém được quan tâm-ưu ái hơn lại luôn gặt hái được những thành quả mà đội bóng đá nam vẫn mong mỏi nhưng chưa đạt được.
Làn xuất quân đi New Zealand và Australia lần này của đội tuyển nữ lại một phen làm dậy sóng mạng xã hội cũng chỉ bởi tấn ảnh chụp lễ xuất quân. Trong bức ảnh không thấy mặt tuyển thủ nữ, mà toàn những vị nam giới cao to, chức trọng – họ là quan chức chính phủ, quan chức VFF – được ưu tiên đứng ở vị trí “mặt tiền. Dàn tuyển thủ nữ đứng sau không thấy mặt hay hình dáng của ai.
Người xem ảnh xớn xác sẽ nghĩ rằng những người lên đường đi đá bóng ở World Cup là dàn quan chức nọ vì họ đứng ở vị trí nổi bật, làm lu mờ hết cả nhân vật chính.
Có người cho rằng các em “nữ cầu thủ bị lợi dụng danh tiếng bởi mấy quan chức xúng xính áo quần phủ trên những cây thịt to lớn che khuất dàn cầu thủ nữ bé nhỏ.”
Có người cho rằng họ “háo danh”, có người cho rằng họ “không có sĩ diện”, hay “chỉ biết ăn trên ngồi trốc”, rồi thì “trơ trẽn”, “ không biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, …
Rồi lại có cả quy chụp trình độ ứng xử, cư xử của các vị quan chức và nên đổi lại là hình ảnh lễ xuất “quan” thì hợp lý hơn.
Chuyện mới mẻ lần này là các báo chọn đăng hình ảnh chường rõ mặt quan chức đứng chắn hết đội tuyển nữ do phóng viên của Vietnamnet thực hiện. Có những người lên tiếng rằng hình ảnh này không nói lên tất cả, chỉ là góc chụp, cách sắp đặt nên mới như vậy.
Nhưng nếu là một người phóng viên ảnh có tâm, thì ví dụ họ sẽ sắp cho các nữ vận động viên quỳ ở một hàng phía trước, một đứng thứ hai, và quan chức đẩy lên trên bục cao đứng làm nền cho các nữ cầu thủ. Cách chụp ảnh như vậy là sơ đẳng mà ai cầm một cái điện thoại thông minh cũng biết để chụp cho được hình vừa đẹp vừa đủ mặt mọi người.
Vậy thì tại sao toà soạn không chọn hình khác mà lại chọn hình này? Câu hỏi là tại sao phóng viên ảnh, phóng viên viết bài lẫn biên tập viên lại hành động như vậy? Tại sao quan chức trong hình lại coi chuyện sắp đặt như vậy là chuyện thường?
Có thể lý giải theo một trong các lý do sau:
1. Báo đưa tin kèm ảnh như thế vẫn luôn có sẵn trong tiềm thức việc coi trọng người có chức có quyền, tâm thế nịnh nọt cấp trên và coi thường những người kém cạnh hơn;
2. Báo chí chơi khăm dàn quan chức VFF cũng như những quan chức chính phủ khác, và tạo cơ hội cho dân tình cõi mạng được “xả xú báp” vì những bức bối đầy rẫy trong những ngày hè nóng bức: vật giá leo thang, điện cúp liên miên, mưa ngập, thất nghiệp; …
3. Tư tưởng trọng nam khinh nữ.
4. Tự thân quan chức không coi ai ra gì, cũng không chú trọng đến hình ảnh của bản thân trước công chúng.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì hình ảnh quan chức trong lễ ra quân đó được đồng loạt thay thế bằng hình ảnh tử tế hơn: các nữ cầu thủ hiện rõ mặt, rõ người trong khung hình, các quan chức về lại chỗ ngồi, nhường chỗ cho nhân vật chính. Hình ảnh “vô duyên” đã được thay thế và ẩn/xoá luôn sau khi hứng quá nhiều gạch đá của dân mạng.
Có một số báo nhỏ vẫn để nguyên hình đại diện cũ khi đăng lại tin từ các báo lớn như Thanh Niên, VietnamExpress, Vietnamnet, … : cả trang Facebook của các báo này, Fanpage cũng đã cho thay hình ảnh đồng thời ẩn đi hình ảnh cũ.
Điều đó không phải có nghĩa là họ đã chấp nhận việc đăng tấm ảnh như vậy là vô duyên, là không tôn trọng các nhân vật chính, là đủ thứ như dân mạng đã kết luận; mà đơn giản là họ sợ ồn ào, sợ làm mất uy tín của các cán bộ cấp cao có mặt trong hình.
Nhưng điều đó có nghĩa là không chỉ có một báo, một biên tập viên không biết mình vô duyên, mà rất rất nhiều báo cùng biên tập viên có cùng một loại nhận thức.
Thay hình thì cũng không sao, nhưng sao không có một phóng viên hay biên tập viên nghĩ đến việc lý giải, hay xin lỗi những nhân vật chính là các cô gái kim cương của bóng đá Việt Nam xuất quân lần này cũng là đi làm nhiệm vụ chính trị nhằm “để lại hình ảnh đẹp nhất với bạn bè thế giới và người hâm mộ”.
Cũng cứ như mọi lần, báo chí lại lặng lẽ rút hình, tin không phù hợp, rồi xí xoá coi như không có chuyện gì xảy ra. Văn hoá cư xử kém không chỉ là ở các quan chức trong ảnh chụp mà còn của báo chí lại lần nữa được bưng bít, để rồi sẽ lại bộc lộ ra tiếp vì những khiếm khuyết trong tư duy chưa bao giờ được chữa tận gốc.
Người Việt rồi đây sẽ được chứng kiến các trận đấu của các nữ cầu thủ. Họ sẽ lại cùng vui buồn cùng các cô cầu thủ, tinh thần dân tộc được nâng cao và rồi họ lại quên béng chuyện tấm hình vô duyên hôm nào. Báo chí cùng ban tuyên giáo cùng những người liên quan lại lần nữa quên như chuyện khủng hoảng hình ảnh trên truyền thông chưa từng xảy ra.