Phương Nguyên
(VNTB) – Việc xử lý ngân hàng yếu kém đang được Chính phủ quan tâm.
Nếu giờ đây những đối tác đến từ ngân hàng thương mại cổ phần Trung Quốc sẵn sàng mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam, liệu có bán không?
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25-12-2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ở Chỉ thị này có đoạn đưa ra yêu cầu:
“Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội”.
Như vậy liệu trong thời gian tới những ngân hàng thương mại cổ phần nào sẽ bị xóa sổ vì yếu kém?
Việc xử lý ngân hàng yếu kém đang được Chính phủ quan tâm. Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Trước khi xảy ra vụ án tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm DongABank và 3 ngân hàng mua bắt buộc là CB, Oceanbank, GPBank. Các ngân hàng trong diện này có tình hình tài chính rất khó khăn, như nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có xu hướng tăng và không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Giải trình vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó. “Bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn”, bà nói và thông tin thêm đây là việc chưa có tiền lệ khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Mizuho – một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản – được Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi tiếp ông Masahiko Kato, Chủ tịch ngân hàng Mizuho trưa 16-12-2023, tại Tokyo, nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN – Nhật Bản.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong quá trình này, Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài tham gia.
Mizuho là một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, với doanh thu hơn 15 tỷ USD, tổng tài sản trên 1.700 tỷ USD. Ngân hàng này hiện có hai chi nhánh tại Hà Nội và TP HCM. Năm 2011, Mizuho trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank (VCB) qua thương vụ mua 15% cổ phần, trị giá trên 567 triệu USD.
Theo đề àn về chuyển giao ngân hàng thì các nhà băng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém sẽ không bị tổn hại sức khỏe tài chính do không phải hợp nhất báo cáo tài chính, không phải chịu trách nhiệm về thanh khoản cũng như các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng yếu kém trong giai đoạn nhận chuyển giao bắt buộc. Quá trình này dự kiến kéo dài 8-10 năm.