TS. Phạm Quang Ngọc (VNTB) Những năm gần đây tình trạng ngập nước do mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân Tp.HCM. Tình trạng ngập nước đã kéo dài nhiều năm, nhiều giải pháp chống ngập đã được chính quyền Thành phố thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế.
Nhân đọc bài “Úng ngập ở Sài Gòn, cần phải thay đổi tư duy” trên VNTB nêu ý kiến của KTS Hồ Long Phi về vấn đề này, tôi xin có vài ý kiến trao đổi cùng tác giả.
Ngập úng do mưa lớn tại Tp. Hồ Chí Minh là bài toán nan giải đối với chính quyền thành phố trong những năm trở lại đây. Ảnh: minh họa |
Thành phố HCM là thành phố trẻ, vừa trải qua những năm dài của chiến tranh, việc xây dựng nhiều công trình mới, cao to hơn trước là điều cần phải làm. Trong tiến trình phát triển của đất nước, không phải cái gì chúng ta cũng làm tốt, nhưng có cái gì chưa tốt, chúng ta sẽ khắc phục, chứ không “rút lui” như ý kiến của KTS Hồ Long Phi.
Vị trí địa lý của Tp.HCM
Thành phố HCM từng được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông”, đẹp về hình dáng và cả chỗ đứng mới được ví như vậy. Từ Tp. HCM đi về hướng Đông ra biển rất gần, thành phố có sông và rất nhiều kênh rạch thuận tiện cho giao thông đường thuỷ và làm đẹp cảnh quan. Thành phố Venice ở Ý rất đẹp, một phần vì có nhiều kênh rạch và người Ý biết làm đẹp thành phố của mình trên cơ sở vị trí địa lý của nó.
Theo KTS Hồ Long Phi ngập nước ở Tp.HCM một phần do lũ như “từ thuỷ điện Trị AN – Đồng Nai, lũ từ sông Sài Gòn, lũ từ đồng bằng sông Cửu Long và nhất là từ biển Đông khi có những cơn bão…”. Điều này hoàn toàn đúng, vì chúng ta đang sống trong tự nhiên có sẵn và biến đổi không ngừng. Việc chịu tác động của tự nhiên và biến đổi khí hậu là quy luật, con người cần biết để hướng các hoạt động vì lợi ích của mình.
Ý kiến cho rằng việc xây dựng ở các quận nội thành đã đẩy nước, làm ngập các quận ở ngoại thành như quận 6, quận 8 và quận Thủ Đức, thoáng nghe có vẻ đúng nhưng không thật hợp lý. Bởi vì chính KTS Hồ Long Phi không lý giải được vì sao “không chỉ có TP.HCM, các thành phố khác cũng nối đuôi nhau ngập lụt nghiêm trọng, bao gồm Đà Lạt, Hà Nội và Huế năm 2011, Bình Dương và Nha Trang năm 2012, Buôn Mê Thuột năm 2013, Sơn La năm 2014. Đáng chú ý là vấn đề ngập nước ở các thành phố đó lặp lại giống hệt Sài Gòn mặc dù diễn ra sau trung tâm phía Nam những mười năm”.
Ở Tp.HCM ngập nước, theo KTS Hồ Long Phi “nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc tiến hành cho xây đê tùy tiện” là không thật thoả đáng, chính việc bê tông hoá bề mặt thành phố và hệ thống tiêu thoát nước cũ, yếu kém mới là nguyên nhân chính khi có mưa lớn.
Những trận lũ bất thường như ở Thái Lan và nhiều nơi trên thế giới rất khó dự báo, đề phòng và vì tính “bất thường” của tự nhiên chỉ xẩy ra vài chục năm một lần, thậm chí cả trăm năm, thì cách ứng xử của chúng ta cũng “bất thường” dựa trên năng lực kinh tế và tiềm lực khoa học.
Việc tái phục hồi, khôi phục các bãi xung quanh các dòng sông để giảm cường suất lũ ở Hà Lan không phải là “rút lui” mà các nhà khoa học đã hiểu được khả năng giữ nước, ngăn lũ của rừng. Điều này dễ nhận biết ở những vùng rừng bị tàn phá nặng nề thường bị hạn và khi có mưa lớn thường bị lũ quét.
Giải pháp chống ngập do mưa lớn
Chúng tôi xin nêu ý kiến về vấn đề này như sau, ngập nước ở một loạt thành phố ở nước ta như nêu trên là do mưa lớn, xẩy ra trong một khoảng thời gian ngắn, vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống cống rãnh đã làm ngập nhiều tuyến phố.
Đây là kết quả của việc xây dựng nhiều công trỉnh mà không được quy hoạch tốt, đã bê tông hoá bề mặt nhiều khu vực, không cho nước tự ngấm, dồn ứ tới các cống với khả năng tiêu thoát kém. Và đây cũng chính là nguyên nhân gây ngập nước một loạt các thành phố ở nước ta khi có mưa lớn. Việc xây dựng hệ thống cống tiêu thoát mới, đáp ứng khả năng thoát nước rất tốn kém và khó khăn vì vướng mắc nhiều công trình đã xây dựng từ trước.
Để giải quyết vấn đề này chúng tôi đề xuất phương pháp “Chống ngập ở các thành phố do mưa lớn bằng hệ thống cống rời rạc”. Đây là kết quả nghiên cứu về chống ngập nước do mưa lớn ở các thành phố, dựa trên nguyên tắc giải phóng nước mưa khỏi bề mặt gây ngập. Việc thử nghiệm ở quy mô nhỏ rất tốt.
Rất mong được sự ủng hộ để giải quyết những khó khăn nêu trên.