VOA
Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đảng 12 ở Hà Nội.
01.03.2016
Ông Vương Đình Huệ vừa được bầu vào Bộ Chính trị ĐCSVN tại Đại hội XII, đó là một sự bức phá của chính ông, cũng là thắng lợi chung của phe ông Nguyễn Phú Trọng trước phe ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Vương Đình Huệ nắm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ tháng 12/2012, một chức vụ được tái lập với sự hậu thuẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cả Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương được tái lập cùng một thời điểm tháng 12/2012 là một chiến lược dài hơi của ông Tổng Bí thư nhằm giảm bớt quyền lực của chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu.
Cùng với ông Nguyễn Bá Thanh, ông Vương Đình Huệ là một trong hai người được ông Nguyễn Phú Trọng tích cực vận động để được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 (Đại hội XI). Thế nhưng mãi cho tới Đại hội XII, tức là phải mất đến 2 năm sau ông Huệ mới vào được Bộ Chính trị.
Nhân tố mới, bất ngờ mới
Theo giới thạo tin trong nước, thì ông Vương Đình Huệ cùng với hai ông Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng sẽ nắm các chức vụ phó thủ tướng. Đây là một bất ngờ lớn đối với các dự đoán trong thời gian diễn ra Đại hội XII.
So với hai người còn lại thì ông Vương Đình Huệ nổi bật hơn cả. Ông Huệ dược dự kiến sẽ thay vị trí ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông Phúc làm thủ tướng. Ông Trương Hòa Bình sẽ làm phó thủ tướng phụ trách mảng nội chính, vị trí mà cựu phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng nắm giữ. Còn ông Trịnh Đình Dũng sẽ rời vị trị Bộ trưởng Bộ Xây dựng để thay vị trí mà ông Hoàng Trung Hải để lại, tức phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành.
Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng từng khuynh đảo nền kinh tế khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nóng mặt. Tuy nhiên, hai cánh tay nối dài của ông là các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Bá Thanh đều không thể phát huy hết năng lực vì không phải là Ủy viên Bộ Chính trị.
Là một giáo sư, tiến sĩ, từng làm Trưởng Khoa Kế toán, rồi Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, ông Vương Đình Huệ được các đồng nghiệp cũ tại Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội đánh giá là một người rất giỏi. Vào cuối những năm 1990, sinh viên tại Khoa Kế toán (Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội) đã chen chúc nhau tại hội trường để theo dõi bài giảng của ông. Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh ông là một người giỏi chuyên môn.
‘…không ai dọa được nhà nước’
Thời kỳ ông Huệ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính (2011-2012) là thời kỳ ông va chạm mạnh với các nhóm lợi ích xăng dầu, điện. Đảm nhiệm chức vụ trong thời điểm giá xăng dầu trong nước đang treo ở giá cao, trong khi các doanh nghiệp xăng dầu liên tục kêu lỗ, xin Bộ Tài chính tăng giá, ông Vương Đình Huệ đã có phản ứng đúng với trách nhiệm một bộ trưởng: “Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác”.
Phát biểu tại buổi hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” ngày 20/9/2011, ông Vương Đình Huệ nói “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”.
Chính vì đụng chạm đến các nhóm lợi ích kinh tế lớn, nên ông nhanh chóng bị gạt khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, phải về chờ thời dưới trướng ông Nguyễn Phú Trọng.
Là một người giỏi chuyên môn, gốc gác đất “thang mộc” Nghệ An, chắc hẳn ông Vương Đình Huệ sẽ là một lựa chọn tối ưu của ông Nguyễn Phú Trọng cho chức vụ Phó Thủ tướng thường trực. Tuy nhiên, làm một Phó Thủ tướng thường trực khác xa một Bộ trưởng hay một Tổng kiểm toán Nhà nước lắm. Năng lực của ông Vương Đình Huệ có được phát huy như mong đợi hay không vẫn phải chờ xem hồi sau mới rõ.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.