Kiều Phong
(VNTB) – Từ nay, không những các thủ phạm (vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo) trong guồng máy nhà nước VN bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ, thân nhân trực hệ của họ bị từ chối visa nhập cảnh, và nếu đang cư ngụ hay định cư ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất, mà ngay cả các thủ phạm không thuộc chính quyền cũng bị chế tài tương tự.
Đã đến lúc cho quốc tế biết rõ danh tính những quan chức cao cấp của Công an thường xuyên chỉ đạo đàn áp Linh mục Phan Văn Lợi
Các đoàn thể tôn giáo thờ Thiên Chúa, gọi chung là Ki-tô giáo, bao gồm Công giáo, Chính thống, Tin lành Truyền thống, Tin lành Mennonite, Tin lành Baptist, Tin lành Lutheran, Cơ đốc Phục lâm…. Tình hình tôn giáo ở Việt Nam đang có rất nhiều biến động xảy ra trong thời gian ngắn. Nhiều đoàn thể tôn giáo thờ Thiên Chúa đang bị bách hại. VNTB có cuộc phỏng vấn với linh mục Phan Văn Lợi từ Huế để giúp bạn đọc có thêm một số thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.
Kính chào linh mục Phan Văn Lợi. Trở lại với chuyên mục phỏng vấn nhanh của VNTB. Như linh mục biết, liên tiếp hai ngày 7 và 8 tháng 12 năm 2016, tư gia của mục sư Tin lành Nguyễn Hồng Quang bị tấn công bằng gạch đá và bị ném đồ bẩn vào. Một cách sâu xa thì linh mục nghĩ rằng ai, bằng cách nào và vì sao đã làm điều đó?
Linh mục Phan Văn Lợi:Từ lâu nay, hiện tượng các nhà đấu tranh dân sự lẫn tôn giáo bị kẻ lạ mặt ném đá, thảy đồ nhơ vào nhà, kể cả đổ keo vào ổ khóa cổng và chặn đường hành hung, xảy ra rất thường xuyên. Những kẻ làm việc đó thường là giấu mặt: hoặc mặc thường phục, hoặc đeo khẩu trang, hoặc hành sự vào ban đêm, và nếu đi xe máy thì có lúc tháo bảng số. Nhưng ai cũng biết đó là những công an trá hình hoặc là những côn đồ được công an thuê mướn, và suy cho cùng là chính là nhà cầm quyền cộng sản. Nhà cầm quyền này thường chối họ là thủ phạm vì “không có bằng cớ”. Trong đa phần trường hợp, quả là không có bằng cớ thật (như âm thanh, hình ảnh, nghĩa là thiếu vật chứng). Nhưng trong trường hợp này thì phải dùng tới luận chứng (hay lý chứng) (Vật chứng, lý chứng và nhân chứng là 3 yếu tố để tìm ra sự thật). Các nhà tranh đấu cho chân lý và lẽ phải, dân chủ và nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do dân sự ấy –trừ trường hợp hãn hữu– có thể nói là không xung đột dữ dội với ai trong cuộc sống riêng, chẳng tư thù sâu sắc với những kẻ nào đó do tranh giành vật chất hay tình cảm, mà chủ yếu xung khắc với nhà cầm quyền độc tài, bị nhà cầm quyền độc tài luôn xem như thù địch. Mà nhà cầm quyền này từ xưa tới nay và tự bản chất, luôn sử dụng bạo lực và gian trá đối với công dân của mình, đặc biệt đối với những nhà đối kháng. Hành động khủng bố cách bất minh, chùng lén như thế bộc lộ cùng lúc hai phương cách gian trá và bạo lực ấy. Khủng bố để các nhà đấu tranh chán nản bỏ cuộc, hoặc im hơi lặng tiếng, hoặc trở thành công cụ. Và hiện thời, các cộng đoàn tôn giáo độc lập tại VN có thể nói đều trở thành đích ngắm số một của nhà cầm quyền và nhiều lãnh đạo của các cộng đoàn ấy, như Ms Nguyễn Hồng Quang, là nạn nhân của mưu hèn kế bẩn nói trên.
Vừa rồi lại có một tin đồn được tung ra là giám mục Nguyễn Thái Hợp, linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Nguyễn Đình Thục đều là Việt Tân. Tại sao riêng giáo hội Công giáo lại bị gắn nhãn Việt Tân? Giáo hội Tin lành Mennonite bị áp dụng bạo lực, còn với giáo hội Công giáo thì chỉ bị tung tin đồn, có phải là không bắt nạt được đoàn thể lớn thì họ đàn áp đoàn thể nhỏ hay không?
Linh mục Phan Văn Lợi:Từ bao năm nay, Việt Tân là đảng của người Việt hải ngoại bị nhà cầm quyền VN coi như kẻ thù chính trị số một, lý do là vì họ có nhiều hoạt động đấu tranh nổi bật từ ngoài cho tới trong nước. Vì là kẻ thù chính trị đáng ghét nhất, nên họ cũng luôn bị nhà cầm quyền VN gọi là tổ chức khủng bố. Quả là ban đầu, vào các thập niên 70-90, theo não trạng chung của phong trào phục quốc lúc ấy, nhiều tổ chức đấu tranh –trong đó có đảng Việt Tân của ông Hoàng Cơ Minh– đã chủ trương dùng vũ khí chống lại nhà cầm quyền CS. Nhưng rồi họ nhận thấy đường lối đó chẳng hay ho, khó thành đạt, cũng không được người dân lẫn quốc tế ủng hộ, nên đã chuyển sang đấu tranh bất bạo động. “Ðối đầu bất bạo động để tháo gỡ độc tài” là một trong những khẩu hiệu của Việt Tân hiện nay. Nhưng vì nhà cầm quyền CS cần có một con ngoáo ộp để đe dọa phong trào dân chủ nên luôn khẳng định Việt Tân là “tổ chức khủng bố” (nhờ cả miệng Bộ Công an về chuyện này) và luôn cho rằng VT đứng đàng sau mọi hình thức phản kháng, mọi yêu sách dân chủ, mọi đòi hỏi nhân quyền của người dân trong nước, từ các cuộc biểu tình đến các cuộc khiếu kiện, từ các cuộc lên tiếng đến các cuộc vận động.
Gần đây, cái mũ VT được chụp lên đầu các chức sắc Công giáo, đặc biệt tại Giáo phận Vinh. Lý do là các vị này đã và đang quy tụ được hàng ngàn, hàng vạn giáo dân (và cả lương dân) quanh mình để quyết đòi công lý trong vụ Formosa. Bắt nạt đoàn thể lớn như thế thì khó, nhưng gán nhãn VT cho họ thì có thể làm cho nhiều người sợ liên lụy mà bỏ cuộc. Đang khi các Giáo hội nhỏ bé hơn như các hệ phái Tin lành thì bị đàn áp thẳng tay bằng bạo lực.
Quyền tự do tôn giáo là một quyền được công nhận, nằm ở điều thứ 2 trong 30 điều của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Chính phủ Cộng sản Hà Nội đã ký vào tuyên ngôn đó. Sau này họ lại nói với cán bộ, công an rằng dân chủ nhân quyền là những thứ các nước mạnh phương Tây chèn ép các nước yếu. Để làm sáng tỏ, xin linh mục cho biết: việc ký tuyên ngôn này là các nước phương Tây dùng sức mạnh quân sự-kinh tế để ép các nước nhỏ, hay là đại diện các nước đồng ý tự nguyện ký kết cùng nhau?
Linh mục Phan Văn Lợi:Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 thì Hà Nội đã ký sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 9-1977, hai Công ước quốc tế nhân quyền 1966 thì ký vào tháng 9-1982. Kể ra khá trễ so với thế giới. Vào thời điểm ấy, chẳng có ép buộc nào từ sức mạnh quân sự của các nước phương Tây cả. Chẳng ai gây hấn với Việt Nam từ Âu châu hay Mỹ châu lúc ấy. Hà Nội sau biến cố 1975, luôn rêu rao là nhân dân VN đã đánh thắng hai “đế quốc sừng sỏ” là Pháp và Mỹ mà! Nhưng ép buộc kinh tế thì có thể có, theo nghĩa là từ 1975-1985, do chủ trương chính trị suy yếu hóa miền Nam trù phú nhờ chế độ VNCH và chính sách kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa mù quáng và vô hiệu áp dụng khắp cả nước, Việt Nam đã đứng bên bờ vực thẳm kiệt quệ nên chỉ trông mong được thế giới cứu giúp; và để được thế, phải chấm dứt tình trạng tự cô lập hóa của mình (như não trạng chung của các nước cộng sản lúc ấy). Đó là lý do thứ nhất khiến Hà Nội ký vào hai văn kiện quan trọng nói trên. Lý do thứ hai là nhà cầm quyền CS muốn dùng những tài liệu pháp lý ấy để che mắt thế giới về đường lối phản nhân quyền vốn nằm trong chính bản chất chế độ độc tài toàn trị. Cũng chẳng có ai ép buộc, Hà Nội đã vận động và ngồi được vào ghế Hội đồng Nhân quyền tháng 11-2013. Trước đó 7 tháng, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị định thiết lập “Ngày Pháp luật của Việt Nam” được tổ chức mỗi năm vào mồng 09 tháng 11. Đến tháng 11-2014, Quốc hội lại ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Nhưng thực tế từ đó đến giờ, tại VN nhân quyền tiếp tục bị chà đạp bởi đảng cộng sản, luật pháp tiếp tục bị coi thường bởi nhà cầm quyền và việc tra tấn, đánh đập, thậm chí giết chết công dân bởi ngành công an chẳng ngừng gia tăng.
Tưởng cũng nên nói thêm là đối với nhân dân, bộ máy cầm quyền lại lập luận kiểu lạ đời thứ hai về các văn kiện nhân quyền quốc tế: đó là những tiêu chuẩn của phương Tây, còn phương Đông của ta, văn hóa Việt của ta thì khác. Nhà cầm quyền Hà Nội làm như bản tính và khát vọng con người ở Âu và Á không giống nhau.
Vừa rồi Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật HR 1150 để bổ sung Luật Tự do tôn giáo quốc tế. Văn bản dự luật đã được chuyển ngay sang Toà Bạch Ốc để Tổng thống ký ban hành. Dự luật H.R. 624, với nội dung chế tài cá nhân các người vi phạm nhân quyền, nhất là những cá nhân vi phạm tự do tôn giáo. Dự luật này có tác dụng răn đe với các quan chức Việt Nam có tài sản chìm nổi ở Hoa Kỳ và phương Tây. Cá nhân những quan chức chính trị và công an thi hành đàn áp tôn giáo, liệu họ có còn lấy lý do thi hành công vụ để thoát khỏi lưới pháp luật quốc tế hay không?
Linh mục Phan Văn Lợi:Hôm 16-12-2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký ban hành dự luật HR 1150 thành đạo luật bổ sung Luật Tự do tôn giáo quốc tế và hôm 23-12 đã ký ban hành dự luật HR 624 thành đạo luật S. 2943 tức Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Đây là một chiến thắng lớn của phong trào nhân quyền tại Hoa Kỳ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của đồng bào Việt Nam tỵ nạn CS.
Thế là từ nay, không những các thủ phạm (vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo) trong guồng máy nhà nước VN bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ, thân nhân trực hệ của họ bị từ chối visa nhập cảnh, và nếu đang cư ngụ hay định cư ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất, mà ngay cả các thủ phạm không thuộc chính quyền cũng bị chế tài tương tự. Điều này cụ thể hóa bằng pháp luật một thông lệ đã có từ lâu tại nhiều nước khác từng ở dưới chế độ cộng sản như bên Đông Âu và Đông Nam Á. Chẳng những các lãnh đạo cao cấp ra chính sách hay chỉ thị mà ngay cả những quan chức thi hành cấp dưới, ví dụ như quản đốc các nhà tù ở Rumani và Campuchia cũng bị những bản án nặng nề. Không thể lấy lý do thi hành công vụ để mù quáng tuân theo những lệnh trên sai trái và thẳng tay đàn áp các công dân vô tội.
Về chuyện “thi hành công vụ”, tưởng cũng nên nói đến một nét đặc thù của chế độ cộng sản, kể cả VN: đó là danh hiệu “người thi hành công vụ” không những gán cho những ai mặc sắc phục công an cảnh sát, đeo bảng tên đàng hoàng mà còn được gán cho mọi kẻ mặc thường phục (có khi còn che mặt) mà hành xử kiểu bạo lực trong các cuộc đàn áp do nhà cầm quyền tổ chức. Thành phần này có thể là công an giả dạng côn đồ, là côn đồ chính hiệu, là các lực lượng vô chức năng giữ trật tự trị an như quân đội, dân phòng, đoàn thanh niên, công nhân hoặc vệ sĩ… Đây là một lối gán ghép sai trái của nhà cầm quyền và Bộ Công an, nhằm đê hèn và gian trá tránh trách nhiệm cũng như khoác tội lên người tranh đấu. Điều này gần đây đã bị các tổ chức xã hội dân sự độc lập lên án trong Bản lên tiếng về cách hành xử phi pháp của nhà cầm quyền và nhân viên công lực đối với nhân dân, ký ngày 22-11-2016. Tuy nhiên, chính sự gán ghép sai trái đó có hậu quả ngược là làm cho số kẻ bị luật pháp Hoa Kỳ chế tài với lý do “người thuộc chính quyền” cũng tăng lên đáng kể.
Dòng lịch sử cho thấy, càng bị chính quyền sở tại đàn áp bằng bạo lực thì các đoàn thể tôn giáo thờ Thiên Chúa lại càng mạnh mẽ. Vậy xin hỏi vì sao các đoàn thể tôn giáo thờ Thiên Chúa lại có sức sống lạ lùng đến như vậy, thưa linh mục?
Linh mục Phan Văn Lợi:Mọi chế độ độc tài, nhất là chế độ độc tài cộng sản, thường sử dụng hai phương cách cai trị nhân dân và con người hòng có thể tồn tại dài lâu, đó là gian dối và bạo lực. Nhưng bản chất con người luôn dị ứng với hai cái đó. Ai cũng muốn được nghe sự thật và được sống an hòa. Các tôn giáo thuộc Ki-tô giáo lại đặc biệt giáo dục tín đồ biết trung thực, tôn trọng chân lý cũng như có tinh thần hòa ái, luôn thể hiện tình thương, và sử dụng hai thái độ này như “vũ khí” để chinh phục người khác.
Song song đó, noi theo tấm gương vị sáng lập là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận khổ đau và tử nạn chỉ vì thực thi bác ái, công bố sự thật và bênh vực lẽ phải để rồi hoàn thành cuộc đời cách tốt đẹp qua việc sống lại vinh hiển và đi vào thế giới của Thiên Chúa, hưởng hạnh phúc muôn đời, tín đồ cũng thấy đó là phương thế để trải qua và hoàn tất cuộc sống mình cách ý nghĩa. Do đó, nhờ sức thúc đẩy của ân sủng Thiên Chúa và của tấm gương Vị Sáng lập, họ sẵn sàng chấp nhận gian khổ và cả cái chết với tâm tình tha thứ, thái độ kiên trì và tâm tình bất bạo động. Trong thực tế, các Giáo hội Ki-tô từ đông sang tây có vô vàn vị thánh tử đạo. Và như lời một vị giáo phụ xa xưa, “máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người có đạo”, nên càng chịu bách hại, đàn áp chừng nào thì Ki-tô giáo càng phát triển và càng trở nên thu hút chừng ấy. Chỉ khi nào các Giáo hội Ki-tô a tòng quyền lực, chạy theo của cải, tìm kiếm vinh quang thì mới bị suy yếu và lâm khủng hoảng (Chế độ CS hiện nay luôn tìm cách đẩy các chức sắc lãnh đạo vào con đường này).
Lịch sử đã cho thấy chính Ki-tô giáo vào đầu thế kỷ thứ tư (năm 314) đã chiến thắng (dĩ nhiên bằng tình thương và sự thật) cái thực thể đã bách hại mình khốc liệt là đế quốc Rô-ma, để rồi bắt đầu xây dựng nền văn minh Ki-tô giáo tại Âu châu và Mỹ châu mà còn tồn tại đến hôm nay. Tại Việt Nam, đạo Công giáo cũng từng bị bách hại bởi các chúa Trịnh Nguyễn, các vua Tây Sơn và các vua triều Nguyễn, nhưng rồi nhiều vị vua triều Nguyễn đã trở lại Công giáo như Hàm Nghi và Bảo Đại, và nay Công giáo là một tổ chức gây nhiều lo âu cho nhà cầm quyền Hà Nội, nhất là từ sau vụ Formosa. Tại Đông Âu và Liên Xô, các Giáo hội Ki-tô cũng từng bị chế độ CS đàn áp kể từ năm 1917, nhưng rồi đến cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, họ đã góp phần rất lớn vào việc xóa sổ chế độ Cộng sản và nay đang thúc đẩy việc tái xây dựng các quốc gia ở đấy.
Cám ơn linh mục Phan Văn Lợi cho cuộc phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo ngày hôm nay.