Việt Nam Thời Báo

Đại gia đổ tiền đầu tư ở Tây Nguyên: Lợi ích cục bộ đang lấn át *

Ngày càng có nhiều “đại gia” quan tâm và muốn đổ tiền vào đầu tư ở Tây Nguyên, nhưng…
Nhiều diễn giả tại cuộc hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế Tây Nguyên” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/7/2015 đều khẳng định chỉ thiếu một hướng đi đúng, chứ không thiếu tiền cho phát triển Tây Nguyên.

GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Các ngành sinh học Việt Nam cho biết tháng nào ông cũng lên Tây Nguyên và nhận thấy rằng đây là vùng đất “cái gì cũng tuyệt vời”.

TS. Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn ra ví dụ nuôi bò ở Gia Lai, chỉ riêng việc bán phân bò một ngày doanh thu cũng 200 triệu đồng…

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị,Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên_ Ông Vương Đình Huệ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo chiến lược phát triển Mắc-Ca tại Tây Nguyên. Ảnh: VTC

Điều quan trọng mà cả hai diễn giả sau khi đưa ra các nhận định như vậy, đều nhấn mạnh, về xu hướng ngày càng có nhiều “đại gia” quan tâm và muốn đổ tiền vào đầu tư ở mảnh đất này, không lo thiếu tiền cho Tây Nguyên phát triển.

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nói cụ thể hơn là nhiều doanh nghiệp lớn thuộc hàng “đại gia” ở các vùng xung quanh đã đầu tư lớn, lâu dài ở Tây Nguyên cho các khâu trong chuỗi sản phẩm chiến lược của mình (cà phê, cao su, điều, rau quả, hoa xứ lạnh, du lịch sinh thái…).

Những nhát cắt đau đớn

Tuy nhiên, khi câu chuyện tiền bạc không còn là vấn đề quan trọng hàng đầu, thì nổi lên một nỗi lo lớn hơn nhiều ở vùng đất tuyệt vời này mà theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, chính là những nhát cắt đau đớn liên quan đến câu chuyện liên kết.

Trước hết, mạng lưới giao thông, vận tải kết nối các địa phương trong nội vùng Tây Nguyên còn chưa đủ sức (cả về lượng và cả về chất lượng) để có thể tạo điều kiện vật chất cho hoạt động và phát triển hoạt động liên kết kinh tế nội vùng.

Điều kiện địa hình và khí hậu đặc thù của vùng Tây Nguyên lại càng làm tăng thêm những khó khăn trong nâng cấp và phát triển hệ thống đường và phương tiện vận tải hàng hóa giữa các địa phương trong vùng.

Hiện tại, mạng lưới giao thông, vận tải kết nối các địa phương trong nội vùng Tây Nguyên chỉ là đường bộ, không có đường thủy và đường sắt.

Chất lượng hệ thống đường bộ kết nối các địa phương trong vùng được đánh giá nhìn chung là yếu kém cả về số lượng và chất lượng.

Việc nâng cấp và phát triển hệ thống đường kết nối các địa phương trong vùng trong tầm nhìn trung và dài hạn (đến 2030) vẫn chủ yếu còn phải dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước với dự báo trong một số năm tới không nhiều khả quan bởi triển vọng phục hồi và tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế quốc gia cũng như độ trễ cải thiện cân đối thu – chi của ngân sách quốc gia và niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân trong đối tác công – tư (PPP).

Trong khi đó, sự phối hợp, liên kết các chủ thể kinh tế trong nội vùng Tây Nguyên không chỉ lỏng lẻo bên trong mà còn mang tính hình thức với bên ngoài vùng (các địa phương ở vùng Đông Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ). Thiếu một nhạc trưởng thực sự (người phối hợp, điều phối) các hoạt động liên kết kinh tế nội vùng.

Về phía doanh nghiệp, trong thực tiễn phát triển kinh tế thị trường vùng Tây Nguyên, các doanh nghiệp chế biến đang thúc đẩy liên kết với các hộ sản xuất nguyên liệu tập trung. Song các doanh nghiệp ít có liên kết với nhau để phân chia các vùng chuyên canh nguyên liệu cho mình mà thường theo kiểu da báo.

“Khảo sát của chúng tôi tại địa bàn cho thấy, các công ty thực hiện phát triển vùng nguyên liệu không dựa trên các quy hoạch phát triển vùng với sự liên kết địa lý mang tính liên vùng”, ông Sơn dẫn chứng. “Sự tách rời giữa phát triển theo quy hoạch với phát triển mang tính liên địa phương, sự cạnh tranh giành giật thị trường nguyên liệu cà phê đã cắt vụn chuỗi cung ứng cà phê có lợi thế phát triển của vùng”.

Hệ quả của thực trạng thiếu phân công, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như vậy đã tạo ra các khó khăn cho các địa phương thực hiện chính sách tái canh cà phê, phát triển cà phê bền vững, phát triển chè sạch. Doanh nghiệp và Nhà nước trên thực tế còn chưa phối hợp đồng bộ, ăn khớp nhau để có thể hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng cây công nghiệp dài ngày.

Lợi ích cục bộ đang lấn át

Một vấn đề nữa là, chưa cần bàn vội đến việc liên kết với các vùng khác để phát triển thế nào, bởi ngay các địa phương vùng Tây Nguyên cũng còn chưa thực sự cùng nhau trao đổi định hướng liên kết rõ ràng trên các chuỗi cung ứng, để cùng nhau phối hợp hành động hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp.

Lợi ích địa phương cục bộ còn nổi trội nhiều hơn so với lợi ích chung của vùng cùng với các khó khăn, hạn chế trong phát triển của các địa phương (nguồn lực, hạ tầng giao thông…). Năng lực liên kết, phối hợp trong việc tổ chức thực thi các chính sách phát triển của các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 hiện nay của các tỉnh vùng Tây Nguyên, thì liên kết kinh tế nội vùng chưa phải là một nội dung đích thực và có vị trí thực sự trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong vùng.

Về việc mở cửa ra bên ngoài, thì liên kết kinh tế liên vùng ở Tây Nguyên chủ yếu là với vùng Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ, nơi có năng lực chế biến các nông, lâm phẩm nguyên liệu sơ chế của Tây Nguyên, tạo thành chuỗi sản phẩm mà ở đó Tây Nguyên giữ vị trí khâu đầu tiên (sản xuất, cung cấp nguyên liệu thô) và có thị trường tiêu thụ lớn.

Xét trên phương diện tiềm lực và trình độ phát triển thì liên kết kinh tế liên vùng ở đây hiện ở dạng liên kết yếu – mạnh, trong đó Tây Nguyên thuộc phía yếu.

Cũng chung những đánh giá như vậy, phân tích thêm về câu chuyện liên kết vùng, TS. Hoàng Ngọc Phong cho rằng, ngoài việc cần sớm ban hành Luật Quy hoạch, cần và nên ban hành Luật Liên kết kinh tế (hay Luật Liên kết địa kinh tế, hoặc Luật Liên kết kinh tế lãnh thổ).

Luật này có sứ mạng sắp xếp, chuẩn hóa lại tất cả các loại hình liên kết địa kinh tế ở nước ta, quy định cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động, cơ chế liên kết, trong đó có một chương về vùng kinh tế.

“Sở dĩ cần văn bản tầm luật vì những địa phương lớn như Thủ đô Hà Nội có hẳn một Luật Thủ đô riêng, hay Tp.HCM có Nghị định của Chính phủ. Để điều phối phát triển, liên kết các tỉnh, thành phố trong các vùng này cần phải có văn bản pháp lý tương tự một đạo luật”, vị diễn giả này nhận định.

Theo TS. Phong, hiện thời đã có 3 ban chỉ đạo của “3 Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) với bộ máy tổ chức được hình thành khá ổn định. Có thể và nên củng cố, mở rộng và phát triển 3 ban này (bổ sung nhiệm vụ điều phối, liên kết kinh tế…) thành 3 cơ quan điều phối của 3 vùng kinh tế (vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Đồng thời, phát triển trung tâm hạt nhân tại từng vùng kinh tế. Hiện nay, trên thực tế, tại hầu hết các vùng kinh tế ở nước ta đã hình thành một cách chính thức và không chính thức các trung tâm hạt nhân như vậy.

Đó là: Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng; Tp.HCM đối với vùng Đông Nam Bộ; Đà Nẵng đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung; Cần Thơ đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Còn tại vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh và vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh thì hiện thời chưa có một tỉnh nào thật sự “nổi trội” để đóng vai trò trung tâm hạt nhân. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những tỉnh đầy tiềm năng ở hai vùng này, đó là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Gia Lai.

Như vậy, định hướng trong thời gian tới là hình thành các trung tâm hạt nhân ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên cũng rất quan trọng và cần thiết. 

Theo Đoàn Trần (Vneconomy)

* VNTB đặt lại ảnh và tiêu đề
* Tiêu đề gốc:  Nhìn từ Tây Nguyên: “Cần có Luật Liên kết kinh tế lãnh thổ”

Tin bài liên quan:

VNTB – “Tây nguyên sẽ ‘chết’ vì… khai thác bô-xit”

Do Van Tien

VNTB – Luyện nhôm ở Việt Nam cạnh tranh nhờ… trợ giá điện?

Do Van Tien

VNTB – Con cháu của anh hùng Núp, không…núp nữa!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.