Elizabeth Drew
Những ai đang cảm thấy chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ khó hiểu không cần phải lo lắng. Nó chẳng có nghĩa gì cả. Cuộc chạy đua cho vị trí Tổng thống năm 2016 đang được định hình là cuộc chạy đua kỳ quặc nhất trong lịch sử hiện đại, không chỉ bởi vì số lượng ứng cử viên – hiện tại là 14, với thêm 2 hoặc 3 người nữa dự kiến sẽ được thông báo sớm – mà còn vì tính chất của cuộc đua này.
Câu hỏi quen thuộc dành cho những người có tham vọng trở thành Tổng thống là: Tại sao anh lại tham gia tranh cử? Đối với năm nay, câu trả lời dường như là: Tại sao không? Miễn là người đó không quá coi trọng phẩm giá của mình thì họ sẽ mất rất ít và được rất nhiều từ việc tranh cử. Một chiến dịch tranh cử thất bại, ngay cả một chiến dịch cực kỳ thảm bại, cũng có thể mang lại phí diễn giả cao hơn, các hợp đồng xuất bản sách béo bở hơn, hoặc một chương trình truyền hình. Cả Newt Gingrich và Mike Huckabee đều thất bại trong việc tranh cử vị trí ứng viên Đảng Cộng hòa, nhưng đều có suất trên các buổi talk show trên truyền hình cáp.
Về phía Đảng Dân chủ, câu hỏi trong giới chính trị những ngày này không phải là liệu Hillary Clinton có được đề cử hay không, mà là liệu có cơ may nào mà bà ấy không được đề cử hay không. Câu trả lời là có – theo nghĩa rằng điều gì cũng có thể xảy ra. Không một ai mà tôi biết nghĩ rằng bà ấy có thể thất bại thảm hại như vậy; nhưng nhà Clinton vẫn được biết đến là hay gặp rắc rối, và những rắc rối này cũng mang đến nhiều bất ngờ – bê bối này tới bê bối khác[1] – từ lần đầu tiên họ xuất hiện trên sân khấu quốc gia cách đây một phần tư thế kỷ. Đây là lý do vì sao nhiều đảng viên Đảng Dân chủ chẳng mấy nhiệt tình ủng hộ bà.
Các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nguồn: AFP
Bernie Sanders, người tự mô tả mình là nhà xã hội chủ nghĩa, lại mang đến sự nhiệt tình. Sanders đang lãnh đạo làn sóng cánh tả trong nền chính trị Đảng Dân chủ, và dù nhiều lời đề xuất của ông có thể không chống lại được những câu hỏi khó (ví dụ, làm sao ông có thể tạo ra nguồn ngân sách cho kế hoạch miễn học phí đại học cho tất cả mọi người?), ông cũng đã tìm cách tránh được các thách thức nghiêm trọng đối với những đề xuất của mình.
Ưu thế chính của Sanders là ông là một người thành thật – một ứng cử viên giống như doanh nhân tỉ phú Ross Perot trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1992, “có gì nói đấy” – trong khi bà Clinton thì khác hẳn. Bà có vẻ rất chỉnh chu và thận trọng, chậm đưa ra lập trường đối với một vài vấn đề chủ chốt, như thương mại, vốn đang chia rẽ Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, hiện tại thì không ai có thể tiên đoán được liệu Sanders có thể chuyển đám đông đầy ấn tượng mà ông đã lôi kéo được thành những cử tri bỏ phiếu cho ông hay không, hay liệu ông sẽ giữ được phong độ trong bao lâu.
Ứng cử viên gần đây nhất tham gia vào cuộc đua của Đảng Dân chủ, Jim Webb – từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Hải quân, và Thượng nghị sĩ bang Virginia – là người có tài nhưng thiếu kiên định. Martin O’Malley, cựu Thống đốc Maryland, có triển vọng nhưng chưa có nhiều tiếng nói. Và Lincoln Chaffee, cựu Thống đốc Rhode Island, thì khá bí ẩn. Không ai có khả năng tạo ra nhiều hơn một vài tác động thoáng qua. Clinton có danh tiếng, tiền bạc, và tổ chức – những ưu thế mà chỉ có bà (hoặc có lẽ chồng bà) mới có thể tự vứt bỏ.
Ngược lại, cuộc đua của Đảng Cộng hòa vẫn còn khá rộng mở. Vào đầu năm, người ta tin rằng nếu Jeb Bush tham gia cuộc chơi thì ông sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng. Ông trông có vẻ sẽ thắng trên giấy tờ, nhưng các ứng cử viên không chạy đua trên giấy. Liệu ông có chứng minh sự nhanh nhạy đủ để vượt qua quy trình đề cử của Đảng Cộng hòa, nhất là khi các giai đoạn ban đầu nghiêng hẳn về phía cánh hữu? Những người theo đạo Tin Lành Phúc Âm đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc họp chọn ứng viên cho cuộc bầu cử ở Iowa, vòng đầu tiên để chọn ra ứng cử viên thay mặt đảng, nhưng bỏ ra quá nhiều công sức để làm hài lòng họ có thể sẽ khiến một ứng viên khó được chọn. Bush cho thấy các tín hiệu bỏ qua Iowa, nhưng rồi thì ông sẽ “phải” thắng ở New Hampshire.
Mong muốn tranh cử của Bush là quá lớn đủ để thuyết phục Mitt Romney, người từng thua cuộc trước Obama trong cuộc bầu cử năm 2012, không tham gia tranh cử lần ba. Nhưng ngay cả sự đáng gờm mà cái tên Bush mang lại cũng không đủ để thuyết phục các ứng cử viên trẻ hơn và ít có tổ chức hơn nhường bước.
Những chính trị gia trẻ tuổi đầy tham vọng như Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio và Thống đốc Wisconsin Scott Walker đang được xem như những đối thủ mạnh nhất của Bush, nhưng cả hai sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều dò xét và thử thách. Rand Paul đã tận hưởng một khoảng thời gian náo nhiệt, nhưng dường như nó đang dần biến mất khi thương hiệu chủ nghĩa tự do ôn hòa của ông đang xung đột với một đảng có khuynh hướng đi theo chủ nghĩa bảo thủ xã hội (ở trong nước) và chủ nghĩa can thiệp ở nước ngoài.
Dường như tôi là một trong số ít nhà báo ngay từ đầu đã nghĩ rằng việc tham gia tranh cử của Donald Trump là không có gì đáng cười. Trump không đủ tố chất để làm tổng thống, nhưng ông cũng không phải dạng vừa. Và chắc chắn rằng ngay cả trong bài phát biểu tuyên bố tranh cử của mình, Trump cũng thể hiện được khả năng lôi cuốn những thành phần yếu thế của nước Mỹ.
Những lời phát biểu mang tính xúc phạm của Trump về người nhập cư Mexico – “Họ mang thuốc phiện sang. Họ mang tội phạm sang. Họ là những kẻ cưỡng hiếp. Nhưng tôi nghĩ một vài người là người tốt.” – làm danh tiếng của ông tăng lên nhanh chóng, và làm ngỡ ngàng nhiều lãnh đạo Đảng Cộng hòa.
Các nhà lãnh đạo này có lý do để lo lắng trước sự trỗi dậy của Trump: Họ biết là nếu họ không thể tìm ra cách thu hút nhiều cử tri gốc Tây Ban Nha hơn Romney từng làm vào năm 2012 thì họ sẽ có ít cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Phát biểu của Trump có thể làm ông bị mất một vài mối quan hệ làm ăn, nhưng bất cứ ai nghĩ rằng Trump không biết mình đang làm gì thì nên suy nghĩ lại.
Giờ thì không ai biết Trump sẽ dần bị lu mờ hay chứng tỏ được năng lực, nhưng có một điều rõ ràng: ông không phải người duy nhất đưa sự kỳ quặc vào trong cuộc đua chọn ứng cử viên. Một trong những khía cạnh kỳ lạ của cuộc tranh cử lần này là sự thành công của Ben Carson, bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã nghỉ hưu và là lính mới trong lĩnh vực chính trị. Những nhìn nhận cực đoan của ông về vấn đề đồng tính – ví dụ, ông so sánh nó với việc làm tình giữa con người và động vật và nhận định rằng ở tù làm cho con người trở nên đồng tính – giành được sự đồng cảm từ một số lượng lớn cử tri Đảng Cộng hòa, khiến ông trở thành một đối thủ đích thực ở Iowa.
Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 không chỉ có nhiều ứng cử viên nhất từ trước đến nay; mà còn có tỉ lệ cao nhất về số người không đủ tiêu chuẩn cho vị trí tổng thống. Nhưng một vài người trong số đó lại đang làm rất tốt tại thời điểm này. Nhiều nhà quan sát vẫn sẽ tiếp tục bối rối nhưng ít người cảm thấy nhàm chán.
Nguồn: Elizabeth Drew, “America’s Why Not Election,” Project Syndicate, 10/07/2015.
Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Elizabeth Drew là tác giả cuốn Washington Journal: Reporing Watergate and Richard Nixon’s Downfall.
Copyright: Project Syndicate 2015 – America’s Why Not Election
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
————————
[1] Nguyên văn: “scandals and scandalettes.” Scandalettes (hậu tố -ette chỉ giống cái) ám chỉ những bê bối của bà Clinton – NHĐ.