Xuân Mai
(VNTB) –Một lượng lớn thường dân Trung Quốc sẽ trở nên bần cùng hóa, khi mà Đảng Cộng Sản vẫn kiên quyết duy trì chế độ.
Vào năm 2012, Trung Quốc đẩy mạnh mở cửa thị trường tài chính. Khi đó, họ giống như một anh thanh niên cậy mình được trời phú nặng ký to khỏe hơn người nên háo hức bước vào trường vật mà không có hiểu biết sâu sắc về các quy luật tài chính. Sân chơi ấy quy tụ những tập đoàn tài phiệt phương Tây trên hai trăm năm kinh nghiệm thừa sức tạo nên các quả bong bóng kinh tế trên cơ sở lòng tham của nhà cầm quyền và cả người dân.
Kinh tế Trung Quốc liệu sẽ sụp đổ? Câu trả lời tùy thuộc vào việc cuộc sống của người dân hay lợi ích chế độ được cái nào đặt lên trên cái nào.
Những rủi ro chiến lược
Các nhà tài phiệt Âu- Mỹ là những người nắm trong tay phần lớn tài sản của thế giới. Họ đã mời anh khổng lồ Trung Quốc vào một cuộc chơi với đầy rẫy những rủi ro . Hệ thống pháp luật Trung Quốc yếu kém không ngăn được ngân hàng nước ngoài lũng đoạn thị trường chứng khoán bằng luật 49%. Các tổ chức tài chính nằm ngoài luật, đồng nhân dân tệ tăng giảm không có lộ trình tự chủ. Đó là những rủi ro mà các chuyên gia gọi là rủi ro chiến thuật. Về mặt chiến lược, nền kinh tế bong bóng có hai nguy cơ rủi ro chết người. Hai kẽ hở chiến lược ấy đến từ việc Trung Quốc bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ với hệ thống tài phiệt Âu-Mỹ trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về các khái niệm tài chính.
Các thế lực ngân hàng quốc tế ra sức dùng tiền để khống chế các ngành quốc hữu trọng điểm như điện, dầu mỏ, giao thông,hàng không, công nghiệp quốc phòng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc thì coi ngân hàng là “lũ rắn độc” . Họ áp dụng song song hai phương án để diệt “lũ rắn độc” này. Một là dùng vàng và bạc làm cây đũa thần ổn định tỷ giá, hai là dùng sức “ ì” của hệ thống pháp luật. Cách thứ nhất là cách “đánh lấy được, bất chấp hậu quả”, cách thứ hai là cách phòng ngự cực đoan. Cả hai cách đều gây nên những hậu quả vô cùng lớn. Cụ thể như sau:
Trong cách thứ nhất, chính phủ Trung Quốc dùng vàng và bạc làm cây đũa thần để ổn định tỷ giá. Dưới thể chế của bản vị vàng, lượng tiền đã lấy vàng và bạc làm cơ sở. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy điều này. Nhưng vấn đề là họ có bao nhiêu vàng? Do thể chế chính trị thiếu minh bạch, nhà nước không thể ước lượng được mình có bao nhiêu vàng và trong dân có bao nhiêu vàng. Đảng Cộng Sản vì thế in khống tiền. Quan điểm “ thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình làm cho thông tin công bố trước báo chí khác hẳn tình hình tài chính thực tế. Tiền được in ra quá mức đảm bảo của vàng, mức thâm hụt phi mã cực đỉnh ở thời kỳ Hồ Cẩm Đào.
Hiện tại tổng lượng tín dụng bằng đồng Nhân dân tệ đã vượt quá mức của ngân hàng thương mại quốc doanh. Do đó, lạm phát tiền tệ, siết chặt tiền tệ là không thể tránh khỏi, nền kinh tế bong bóng có thể bị khủng hoảng bất kỳ lúc nào. Năm 2008 mới chỉ là lần khủng hoảng nhẹ nhưng đã khuynh đảo cuộc sống người dân. Ngoài ra, thị trường vàng trôi nổi, buôn lậu vàng diễn ra tràn lan. Nhà nước không thể quản lý được hoạt động rửa tiền, không thể quản lý được việc quá nhiều người dân tuồn ngoại tệ và tiểu thương tuồn vàng ra nước ngoài, ngay cả Đảng viên đảng cộng sản cũng gửi tài sản ra nước ngoài ồ ạt.
Chính vì vậy, Tập Cận Bình khi nắm quyền đã ngay lập tức cho bắt các quan chức tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài để thu hồi tài sản quốc gia hòng cứu vãn tình thế. Nếu nhìn bên ngoài thì Trung Quốc vẫn giàu có thứ hai thế giới, nhưng họ không đủ tiền để cải tạo môi trường, không đủ tiền để thực hiện những phúc lợi xã hội mà các nước Âu-Mỹ vận hành dễ dàng. Có thể ví Trung Quốc giờ đây giống như một người khách đi ăn cỗ, mặt mày tươi tỉnh để đánh lạc hướng thiên hạ nhưng thực chất là đói kém kinh niên.
Trong cách thứ hai, Đảng Cộng Sản Trung Quốc cố tình làm cho tính “ì” của hệ thống pháp luật. Nhờ chiêu bài này, các tổ chức tài chính ngoại quốc bị cản trở hoạt động lũng đoạn, nhưng cũng chính chiêu bài này dẫn đến những hậu quả xã hội vô cùng nghiêm trọng. Vì thủ tục hành chính rườm rà thiếu dứt khoát, các tổ chức tài chính trung gian mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo nạn đút lót và nhận hối lộ. Càng đút lót và nhận hối lộ, luật pháp lại càng trì trệ. Cuối năm 2014 đầu năm 2015, hàng loạt các tập đoàn siêu cường như Microsoft, Intel… lũ lượt rút khỏi Trung Quốc, kéo theo những hiệu ứng Domino làm chao đảo nền kinh tế.
Các tập đoàn quốc tế quen lối làm việc yes/no khi mới vào Trung Quốc thì được quan chức nước này mời đón đon đả nên phát triển như vũ bão, sau này khi thấy tỉ trọng tại Hoa lục của các tập đoàn đủ lớn, quan chức Trung Quốc lại dở thói hách dịch để làm tiền. Người thường dân nhắm mắt cho qua sự hách dịch đó, nhưng những bộ óc duy lý ngoại quốc sớm nhận ra rằng sớm muộn gì họ cũng bị suy giảm lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu nếu chậm trễ rời khỏi mảnh đất với cơ chế xin-cho này.
Dân chết mặc dân, miễn là tồn vong chế độ
Hiện tại, nhu cầu tiền tệ tăng cao nhưng nguồn cung của chính phủ phân phối không công bằng, vì nếu phân phát công bằng thì chế độ sẽ sụp đổ. Phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, tầng lớp thường dân bị đẩy đến mức cùng cực, trong khi giai cấp mới là tài phiệt- đảng viên chỉ bằng đầu cơ vẫn vơ vét được của cải trong xã hội. Giá bất động sản cao gấp nhiều lần so với giá trị thực, thất nghiệp tràn lan khiến cho nhiều thanh niên có hoài bão không thể ngóc đầu lên được. Những vụ tự tử xảy ra tràn lan trong thanh thiếu niên nước này. Không có tiền để cải tạo môi trường, năm ô nhiễm không khí gia tăng đến mức độ ô nhiễm mà sứ quán Mỹ đo được vượt quá giới hạn thước đo, chính phủ Bắc Kinh ra lệnh ngừng hoạt động toàn bộ các nhà máy sản xuất có khí thải để che giấu thực trạng trong các dịp lễ. Cả xã hội Trung Quốc vì khủng hoảng dùng mọi cách để tồn tại, nguy hiểm nhất cho xã hội là việc bơm hóa chất bảo quản vào thực phẩm hàng ngày.
Đã đến lúc Đảng Cộng Sản phải thừa nhận điều hành kinh tế yếu kém và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đa cực, nếu không muốn dân nghèo nước này “chó cùng cắn giậu” và khủng hoảng đạo đức xã hội.
Mọi sự bất công mà người dân Trung Quốc gặp phải đến từ việc họ không có chế độ tài chính độc lập. Điều này đến từ thể chế chính trị, nơi có một bản hiến pháp bất bình đẳng
Điều 1 Hiến pháp đã nói Trung Quốc là quốc gia XHCN chuyên chính vô sản dựa trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, hàm ý rằng tập quyền vào tay ĐCS. Tập Cận Bình là người biết đúng sai, phải trái, ông vua này thừa biết hiến pháp đó làm giảm tính cơ động của hệ thống luật pháp.
Ví dụ, khi muốn ra một đạo luật để chống độc quyền như Mỹ và Hàn Quốc thì họ chưa hề có khái niệm “ đạo luật”, chưa định nghĩa được “tự do”, và nhất là hai chữ “ độc quyền” nếu cắt nghĩa một cách rốt ráo thì chế độ đương nhiệm sẽ “ há miệng mắc quai”, vì không ai có tư cách chống độc quyền các loại hàng hóa khi họ khư khư độc quyền chính trị. Trong khi đó, nếu không có đạo luật chống độc quyền thì cuối cùng cả đất nước Trung Quốc sẽ rơi vào tay tài phiệt.
Dân chết mặc dân, miễn là tồn vong chế độ. Quan điểm chính trị cực đoan này thịnh hành dưới thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, với luận điệu rằng tỉ lệ dân bần cùng hóa chỉ là số nhỏ, còn giữ nguyên thể chế thì sẽ không chết hết. Nhưng Trung Quốc quá rộng lớn, không dễ gì khống chế những suy thoái kinh tế. Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đã sai thì khó sửa, kể cả với những người tinh anh và muốn thay đổi như Tập Cận Bình. Một lượng lớn thường dân Trung Quốc sẽ trở nên bần cùng hóa, khi mà Đảng Cộng Sản vẫn kiên quyết duy trì chế độ.