Thủ tướng, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch Quốc hội được cho là đứng đầu về tín nhiệm |
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc được gần một tuần nhưng kết quả chưa được công bố.
Tuy vậy đã có nhiều đồn đoán trên mạng về thứ tự của bảng xếp hạng tín nhiệm.
Nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm Carl Thayer đã tiếp xúc với nguồn ngoại giao và các nguồn tin từ Việt Nam khác nhưng vẫn nhấn mạnh đây chỉ là các tin tức rò rỉ từ các nguồn gián tiếp.
Ông trả lời Nguyễn Hùng của BBC hôm 14/1/2014.
Giáo sư Carl Thayer: Trước hết, điều quan trọng phải nói là đây là lần đầu tiên có bỏ phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị.
Thứ hai, chúng ta giả sử rằng bỏ phiếu tín nhiệm [trong Đảng] được thực hiện theo thể thức ở Quốc hội, tức là sẽ có các mức ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ nhưng điều này chưa xác nhận được.
Các nguồn tin hiện chỉ mới nói về 10 trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị và họ đều có vẻ đồng ý rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhiều phiếu tín nhiệm nhất.
Có người cho rằng [ông Dũng] được 77 phiếu tín nhiệm cao nhưng chưa xác nhận được có đúng không.
Sau đó là Chủ tịch nước [Trương Tấn Sang] với ít phiếu hơn chút ít.
Và đáng ngạc nhiên là hai ủy viên Bộ Chính trị mới và được cho là sẽ ở lại sau Đại hội tới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, có tin đồn được chọn làm Chủ tịch Quốc hội tiếp theo, và ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu phó thủ tướng, vốn đã bị đẩy sang Mặt trận Tổ quốc đã được kết quả bỏ phiếu tốt.
Tiếp theo đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Điều thú vị là thứ tự ở đây không phản ánh kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội mà tại đó ông Phùng Quang Thanh đạt kết quả tốt trong hai năm liền.
Đó là sáu vị trí đầu tiên. Còn ở bốn vị trí cuối [trong top 10] là bốn nhân vật mà hiện đang có bất đồng về vị trí của ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim phó thủ tướng và có thể là thủ tướng mới, [không rõ] ông về thứ 10 hay 13.
Người của Đảng, Đinh Thế Huynh [Trưởng Ban Tuyên giáo], Phạm Quang Nghị, nhân vật bảo thủ được cử sang Washington trước cả bộ trưởng ngoại giao trong cuộc khủng hoảng giàn khoan [nằm ở bốn vị trí cuối trong top 10].
BBC: Làm sao chúng ta giải thích được chuyện Quốc hội bỏ phiếu một đằng trong khi Đảng bỏ phiếu một nẻo đối với một số người?
Đó là vì các cử tri khác nhau [tham gia bỏ phiếu]. Thực ra là có những ba cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thứ nhất là bất cứ quan chức cao cấp nào từ hàng bộ trưởng trở lên sẽ được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Có khoảng 40 vị như vậy.
Rồi có một cuộc bỏ phiếu nữa cũng được giữ kín là bỏ phiếu của Bộ Chính trị đối với các đảng viên [cao cấp] trong Quốc hội không nắm các chức vụ [như những người đã được bỏ phiếu].
Kết quả tín nhiệm tại Quốc hội và trong Đảng có khác biệt
Không ai nghe nói gì tới cuộc bỏ phiếu này.
Và giờ đến lượt Bộ Chính trị và Ban Bí thư được bỏ phiếu mà chưa có rò rỉ [trực tiếp từ hội nghị] về chuyện cuộc bỏ phiếu đã diễn ra như thế nào.
Đây là lần đầu có cuộc bỏ phiếu như vậy và tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo đà cho những ai đạt kết quả tốt cũng như nhóm của họ, các ủng hộ viên hay phe cánh của họ giữa lúc đang có chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương của Đại hội tới.
BBC: Tôi nghĩ mọi người sẽ quan tâm tới chuyện điều này [kết quả bỏ phiếu] sẽ có ý nghĩa ra sao với đương kim thủ tướng. Hiển nhiên là ông và chủ tịch nước đều sẽ quá tuổi về hưu tại Đại hội tới vậy liệu sự rời [chính trường] của người này có ảnh hưởng tới khả năng trụ lại của người kia không? Liệu họ có phải cùng về không hay không hắn như vậy?
Tôi biết có quy định không chính thức rằng tuổi về hưu 65 có thể được nâng lên cho một hoặc có thể là hai vị mà ví dụ hiện tại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quá tuổi những vẫn được phép làm tổng bí thư.
Có rất nhiều đồn đoán rằng ông Nguyễn Tấn Dũng nhắm tới chức tổng bí thư để tiếp tục đóng vai trò lớn. Khó mà ông có thể làm thủ tướng vì giới hạn hai nhiệm kỳ và lại còn tuổi tác nữa.
Và trong quá khứ khi người ta muốn đưa ông Võ Nguyên Giáp lên vị trí tổng bí thư nhưng rồi không tìm được sự đồng thuận nên mọi người đều buộc phải cùng về hưu.
Vậy để trả lời câu hỏi của anh, điều đó phụ thuộc vào sự kình nhau giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước, cả hai người đều từ miền Nam và ông Trương Tấn Sang được cho là kém Thủ tướng sáu phiếu [tín nhiệm cao], nhưng vẫn là người đứng thứ hai về số phiếu. Cả hai đều có kết quả tốt.
Nó phụ thuộc vào chuyện liệu hai ông có thể đồng ý với nhau về chuyện ai sẽ về hưu và ai sẽ phụng sự Việt Nam tốt nhất trong vai trò tổng bí thư.
Còn nếu có bế tắc và chúng ta lấy tiền lệ của thập niên 1980 thì họ sẽ cùng về vì thường dù Đảng đi đường nào thì họ cũng cố giữ cân bằng chứ không đi quá về hướng này hay hướng kia.
Lấy trường hợp của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Cách đây hai năm Bộ Chính trị đã bỏ phiếu với tỷ lệ 9-5, 10-4 gì đó nhưng nói chung là với khoảng cách khá lớn để kỷ luật ‘đồng chí X’, đó chính là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông ra trước Ban Chấp hành Trung ương và ông chiến thắng. Họ đã không kỷ luật ông.
Giáo sư Thayer nói các tuyên bố của ông Dũng trong diễn biến dàn khoan hợp lòng dân hơn
Tới năm ngoái, Tổng Bí thư toan mở rộng Bộ Chính trị thành 17 [thành viên] và tiến cử các nhân vật vào những vị trí đó nhưng Ban Chấp hành nói chỉ [chấp nhận] 16 và đã không bỏ phiếu cho những người của ông.
Vậy nên Tổng Bí thư và nhóm của ông đã [gặp trở ngại].
Nếu ta nhìn vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi.
Vị thủ tướng mới cách đây hai năm xếp ở tận phía cuối bảng, một số thành viên nội các của ông cũng có kết quả kém, nhưng nay ông đã nổi trở lại.
Có lẽ quan điểm của ông đối với Trung Quốc và sự nổi trội của ông ở nước ngoài đã khiến ông được ủng hộ.
Nhưng tôi cũng phải chỉ ra rằng trong cả ba cuộc bỏ phiếu mà người ta nói tới, báo chí không hề phỏng vấn những người bỏ phiếu, không có thăm dò sau bỏ phiếu nên ta không biết tại sao bộ trưởng y tế hay bộ trưởng giáo dục có kết quả tốt hoặc có kết quả không tốt, hay là tại sao thủ tướng được tín nhiệm cao trong Bộ Chính trị, họ bỏ phiếu vì cái gì – đó vẫn là câu hỏi ngỏ.
(BBC)