Hiền Vương
(VNTB) – Cô gái 19 tuổi đột ngột từ trần. Mùa dịch virus Vũ Hán nên người ta đã lấy mẫu ‘bệnh phẩm’ để xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Cô đã không chết vì lý do nhiễm con virus quái ác đó từ Vũ Hán. Nhưng phiếu kết quả này thì…
“Kết quả xét nghiệm bệnh nhân nghi nhiễm Corona virus mới”, số 131/BVH của bệnh viện Trung ương Huế, ngày giờ trả kết quả 00:30 – 22/02/2020, ghi loại bệnh phẩm là “Dịch ngoáy họng”, kỹ thuật xét nghiệm “Real-time RT-PCR phát hiện Corona virus mới”. Ngày lấy mẫu: 16:00 ngày 21/02/2020. Ngày, giờ nhận mẫu: 18:30 ngày 21/02/2020. Ngày xét nghiệm 21/02/2020.
Theo tài liệu của CDC (1) được chuyển ngữ bởi Công ty TNHH Khoa học Công nghệ GENESMART, thì bệnh phẩm “Dịch ngoáy họng” trong tờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện Trung ương Huế, có nghĩa đây là mẫu dịch đường hô hấp trên.
Thu nhận mẫu dịch phết mũi họng, hầu họng bằng tăm bông có thân bằng nylon, nhựa tổng hợp hoặc Dacron (không được sử dụng tăm bông có thân bằng gỗ hoặc calcium alginate) cho vào ống chứa dịch môi trường vận chuyển virus. Hoặc cũng có thể thu nhận 2~3 mL dịch rửa hút mũi họng cho vào ống thu đờm vô trùng.
Ngày 17 tháng 01 năm 2020, WHO đã phối hợp với Viện virus học của Đại học Berlin Charite để công bố quy trình xét nghiệm 2019-nCoV bằng kỹ thuật realtime RT-PCR. Tiếp theo đó, CDC đã phát triển bộ kit dành cho quy trình xét nghiệm 2019-nCoV bằng realtime RT-PCR và đã được FDA đồng ý sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán (IVD) ngày 04 tháng 02 năm 2020, tuy nhiên đây chỉ là chấp nhận tạm thời trong tình hình khẩn cấp hiện nay.
Phương pháp realtime RT-PCR xét nghiệm 2019-nCoV trong mẫu bệnh phẩm dựa trên nguyên lý phát hiện sự hiện diện RNA của 2019-nCoV bằng cách đo tín hiệu huỳnh quang xuất hiện trong quá trình khuếch đại trình tự gene của 2019-nCoV bằng máy luân nhiệt (PCR). Quy trình xét nghiệm 2019-nCoV có thể tóm gọn qua 4 bước: Tách chiết RNA từ mẫu → Phản ứng RT tạo cDNA → Phản ứng realtime PCR các trình tự mục tiêu → Đánh giá kết quả và kết luận.
Do 2019-nCoV có bộ gene là RNA và việc tách chiết RNA nghiêm ngặt rất nhiều so với tách chiết DNA, vì vậy trong quy trình xét nghiệm luôn bổ sung các mẫu chứng hỗ trợ kiểm soát chất lượng RNA đầu vào nhằm đảm bảo kết quả không bị sai lệch do quy trình tách chiết RNA gây ra. Ngoài ra, RNA tách chiết từ mẫu luôn phải bảo quản ở -70 oC hoặc trong điều kiện lạnh hơn.
Hạn chế của bộ kit realtime RT-PCR là kết quả không thể chắc chắn tình trạng nhiễm 2019-nCoV dù là âm tính hay dương tính mà cần phải phối hợp với các triệu chứng lâm sàng, tình hình dịch tễ cũng như xét nghiệm bổ sung như đem các mẫu dương tính đi giải trình tự Sanger, NGS hay nuôi cấy virus để có kết luận chính xác.
Theo các tài liệu (đã dẫn nguồn ở trên), thì khi không phát hiện 2019-nCoV và trả kết quả lại cho bên gửi mẫu, bên phòng thí nghiệm sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm từ các loại mẫu khác để kết luận chính xác hơn về trường hợp cụ thể này.
Trở lại với nội dung ở “Kết quả xét nghiệm bệnh nhân nghi nhiễm Corona virus mới”, số 131/BVH của bệnh viện Trung ương Huế, ngày giờ trả kết quả 00:30 – 22/02/2020, cho thấy không rõ Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm nCoV ra sao mà tính đến 22g35 ngày 23/02/2020, vẫn chưa thấy tin tức được công khai trên báo chí.
Ngoài ra, thông tin trên báo Văn hóa điện tử, số phát hành lúc 09:06 ngày Chủ nhật 09/02/2020, có chi tiết: “Hiện Bệnh viện Trung ương Huế đã đặt hàng vật tư, hóa chất từ các công ty để có thể thực hiện thêm 100 test trong 4-5 ngày tới.
Kỹ thuật Real Time RT-PCR cho phép rút ngắn thời gian xét nghiệm chẩn đoán nCoV từ 3-5 ngày xuống còn 1-2 ngày. Việc thực hiện xét nghiệm này ngay tại Bệnh viện Trung ương Huế có ý nghĩa quan trọng, rất có lợi cho việc điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cũng như bệnh nhân nhiễm nCoV. Qua đó, góp phần giảm tải số lượng bệnh nhân nghi nhiễm nếu kết quả âm tính, giảm số người cách ly cũng như giảm gánh nặng về nhân lực và vật lực cho bệnh viện” (2)
Nếu toàn bộ nội dung: “Kết quả xét nghiệm bệnh nhân nghi nhiễm Corona virus mới”, số 131/BVH của bệnh viện Trung ương Huế, ngày giờ trả kết quả 00:30 – 22/02/2020, ghi loại bệnh phẩm là “Dịch ngoáy họng”, kỹ thuật xét nghiệm “Real-time RT-PCR phát hiện Corona virus mới”. Ngày lấy mẫu: 16:00 ngày 21/02/2020. Ngày, giờ nhận mẫu: 18:30 ngày 21/02/2020. Ngày xét nghiệm 21/02/2020” là chính xác, thì vì sao đến nay Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Nha Trang lại phải mất thời gian đến 3 ngày cho xét nghiệm cũng bằng “Real-time RT-PCR phát hiện Corona virus mới”?.
Một thắc mắc khác, người viết bài này chưa tìm thấy tài liệu liên quan đề cập về độ chính xác trong “Real-time RT-PCR phát hiện Corona virus mới”, ở việc lấy bệnh phẩm “Dịch ngoáy họng” từ một người đã chết.
Chú thích:
(1) https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/rt-pcr-detection-instructions.html; https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/technical-guidance/laboratory-guidance; https://www.fda.gov/media/134920/download; https://www.fda.gov/media/134919/download