Hiền Vương
(VNTB) – Hình ảnh tháp chuông hay âm thanh ngân vang từ tiếng chuông nhà thờ vốn đã trở nên thân thuộc trong đời sống những người con xóm đạo. Trải theo thời gian, dù chuông nhà thờ vẫn đều đặn vang vọng song thực tế âm thanh của những hồi chuông báo lễ, loan tin vui, báo tin buồn đã có nhiều thay đổi…
Có thể nói khi đến bất cứ đâu mà nghe thấy tiếng chuông vang lên, nơi đó hẳn có một xứ đạo.
Cuối ngày thứ tư 25-3, Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng đã quyết định: bắt đầu từ 16g00 ngày 26-3-2020, cho đến khi có thông báo mới, trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng giáo phận, sẽ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn.
Trong văn thư, Đức Tổng Giám mục viết: “Anh chị em thân mến, đây là một quyết định rất khó khăn đối với chúng ta, nhất là trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh và Phục Sinh. Chưa bao giờ chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này. Tuy nhiên, chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”.
Vậy là phải chăng sẽ tạm dừng tiếng chuông Thánh đường như đã có thuở tạm dừng lúc tàn cuộc chiến ở 45 năm về trước?
Tôi không phải là giáo dân, mặc dù những niên khóa học trò trước năm 1975 ở Sài Gòn, tôi học trường mang tên Lasan Hiền Vương. Trong ký ức thời hoa niên, và cả những năm tháng sau này khi tôi được gặp gỡ với bác Hai, tức thi sĩ Kiên Giang (1929 – 2014) của “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, trong tôi vẫn lởn vởn tiếng chuông nhà thờ công giáo với nỗi niềm của “Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu/ Từ đây, tóc rũ khăn sô/ Em cài hoa trắng trên mồ người xưa”.
Tiếng chuông giáo đường ám ảnh tôi suốt thời trung học, và ở tuổi này, bất ngờ khi nhận thông báo của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn, tôi cảm thấy dường như phần ký ức tưởng ngủ quên lâu rồi, giờ trở về để thèm nghe lại tiếng chuông nơi giáo đường; tiếng chuông mà khi lên đại học, trên giảng đường về tiết bình giảng gã gù đa tình Quasimodo, tôi như thấy mình đang ở giữa một không gian nhà thờ uy nghiêm và sừng sững, giữa một Paris lãng mạn, cổ kính, trầm lắng và đắm say, đã diễn ra một câu chuyện nghiệt ngã giữa những con người, khi mà ranh giới giữa tình yêu và sự thù hận chỉ là một sợi tơ rất mỏng manh. Và bàng bạc trong tất cả, từ gã gù Quasimodo cho tới cô nàng Esmerald, là tiếng chuông nhà thờ Đức Bà Paris.
Nay thì mọi chuyện có vẻ ‘trần tục’ hơn khi chuông giáo đường dừng đổ ngay cả trong Tuần Thánh và Phục Sinh, chỉ đơn giản là vì dịch bệnh đến từ con virus bên tận xứ Tàu. Mà ngay cả Paris lúc này, có lẽ con virus tai quái cũng đang khiến nhiều giáo đường nếu có ‘kéo’ chuông, thì đó cũng là “chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu”!