Sông Hàn
(VNTB)- Ca F0 ở Đà Nẵng khó thể là bệnh nhân 449, quốc tịch Mỹ.
Chiều ngày 29-7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 và công tác ứng phó của TP.HCM trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đã gửi Bộ Y tế báo cáo nhanh về 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Cụ thể, 2 ca nhiễm Covid-19 này là bệnh nhân nam tên R.M.G (57 tuổi, quốc tịch Mỹ, là võ sư) và người yêu (chưa đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật) là N.T.T.T (44 tuổi).
Theo lịch sử đi lại, bà T. ở Đà Nẵng được 10 năm và ở cùng ông R. 3 năm. Trong vòng 3 năm qua, 2 người không rời khỏi Việt Nam. Khi bệnh nhân R. bị bệnh, bà T. đã theo chăm sóc trong suốt quá trình điều trị.
Ngày 26-6, bệnh nhân R. nhập viện tại bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà Nẵng vì viêm phổi (tiền sử viêm phổi trên 10 năm). Ngày 6-7, bệnh nhân R. chuyển đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong thời gian này, bệnh nhân được điều trị lần lượt tại các khoa Cấp cứu, ICU (đơn vị chăm sóc tích cực – Intensive Care Unit), Ngoại lồng ngực, khoa Quốc tế, Nội hô hấp.
Từ ngày 26-6 đến 20-7, bệnh nhân T. có về địa chỉ 683 Âu Cơ (phường Thanh Kê, quận Thanh Khế, Đà Nẵng) 2 lần, có gặp chủ nhà và 2 nhân viên.
Lúc 18 giờ ngày 20-7, cả 2 người được chuyển từ bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đến bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cấp cứu của bệnh viện Đà Nẵng, đi cùng 1 tài xế và 2 nhân viên y tế. Lúc này bệnh nhân R. được bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chẩn đoán viêm phổi nặng, tăng huyết áp, tràn khí màn phổi đã dẫn lưu ngày 20-7.
Lúc 11 giờ ngày 21-7, bệnh nhân R. nhập phòng cách ly khoa cấp cứu, sau đó chuyển khoa Nội Hô hấp của bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán viêm phổi không đáp ứng điều trị, tràn khí màn phổi đã dẫn lưu, cường giáp đang điều trị. Bệnh nhân T. có mua đồ ăn ở căn tin bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân T. có đeo khẩu trang, bệnh nhân R. không đeo khẩu trang.
Lúc 21 giờ cùng ngày, bệnh nhân R. được chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện Triều An bằng xe cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Đi cùng có bệnh nhân T, một người bạn và tài xế. Tại bệnh viện Triều An, bệnh nhân tiếp xúc với 7 nhân viên y tế, 3 bảo vệ, 1 hộ lý và 1 kế toán. Lúc 22 giờ 15, bệnh nhân R. nhập khoa Cấp cứu của bệnh viện Quốc tế City bằng xe cấp cứu của bệnh viện Triều An, chẩn đoán theo dõi lao phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi lớp mỏng. Đi cùng có bệnh nhân T, 1 người bạn và 1 tài xế, tiếp xúc 12 nhân viên. Lúc 23 giờ, bệnh nhân được chuyển lên phòng ICU, điều trị tại phòng áp lực âm, tiếp xúc 22 nhân viên.
Lúc 11 giờ ngày 21-7, bệnh nhân T. thuê khách sạn Thanh Danh 2 (quận 5) ở tại lầu 3, có tiếp xúc với 2 lễ tân. Bệnh nhân có đeo khẩu trang. Lúc gần 8 giờ ngày 22-7, bệnh nhân trả phòng. Trước đó, tầm 6 giờ 48 phút ngày 22-7, bệnh nhân T. đi cùng người bạn từ bệnh viện Quốc tế City đến khách sạn Thanh Danh 2 bằng Grabcar (mã IOS-10471504:8:090) sau đó trở lại bệnh viện bằng xe máy.
Ngày 24-7, bệnh nhân R. chuyển qua khoa Nội lầu 8, nằm phòng cách ly áp lực âm đặc biệt của bệnh viện Quốc tế City với triệu chứng ho nhiều, đau ngực khi ho. Bệnh nhân có tiếp xúc với 13 nhân viên. Trong khi đó, bệnh nhân T. về nhà ở phường 16, quận 8, TP.HCM khoảng 1 giờ để tắm rửa, lấy đồ rồi đi. Tại nhà có nói chuyện với 3 người nhà gồm mẹ và 2 em trai.
Xét nghiệm PCR phết mũi họng ngày 27-7 của cả 2 bệnh nhân trên, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 trường hợp đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Tính đến thời điểm tối ngày 29-7, cơ quan chức năng không ghi nhận các nghi vấn về trường hợp nào có dấu hiệu nhiễm virus corona ở bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Một dấu vết dịch tễ cần lưu tâm là ca bệnh R. có thời gian điều trị các Khoa hồi sức tích cực chống độc ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cùng thời gian với ca bệnh 416 chăm mẹ tại Khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, và ca bệnh 418 chăm bố tại Khoa hồi sức tích cực chống độc cũng ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Như vậy cùng với dịch tễ ghi nhận là “theo lịch sử đi lại, bà T. ở Đà Nẵng được 10 năm và ở cùng ông R. 3 năm. Trong vòng 3 năm qua, 2 người không rời khỏi Việt Nam. Khi bệnh nhân R. bị bệnh, bà T. đã theo chăm sóc trong suốt quá trình điều trị”, và chưa ghi nhận ca nghi nhiễm nào ở bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho thấy rất có thể nguồn lây F0 đến từ bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Thực tế ở Đà Nẵng có quá nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ngay trong mùa dịch, đặc biệt ngay trong thời gian Trung Quốc tái bùng dịch lây lan cộng đồng với chủng mới lây lan mạnh hơn hệt như ở Đà Nẵng hiện nay, càng củng cố hơn cho nghi vấn F0 đến từ số người Trung Quốc đã nhập cảnh ‘trái phép’ gần đây vào thành phố Đà Nẵng.
***
Tại TP.HCM, tính đến 17g ngày 29/7/2020, tổng cộng có 33 bệnh nhân được cách ly theo dõi tại các khu cách ly của các bệnh viện và làm xét nghiệm sàng lọc (hiện chưa có kết quả xét nghiệm):
(Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)
***
Ông Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khi tiếp nhận ca bệnh số 449, các nhân viên, y bác sĩ đã rất cảnh giác và mặc đồ bảo hộ đầy đủ, đảm bảo phòng dịch Covid-19. Sau khi đến Khoa Cấp cứu và được chuyển vào phòng cách ly của khoa.
Đại diện bệnh viện Chợ Rẫy cho hay thời điểm chuyển bệnh nhân 449 vào TP.HCM thì Đà Nẵng chưa phải là vùng dịch; các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị tổn thương phổi do nhiễm vi trùng và chỉ định chuyển Khoa Hô hấp. Tuy nhiên, bệnh nhân này không chịu nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy vì thấy đông người rồi sau đó chuyển qua bệnh viện Triều An.
Khi đến bệnh viện Triều An thì nơi đây từ chối vì không có chức năng khám chữa bệnh cho người nước ngoài. Cuối cùng, bệnh nhân 449 được chuyển qua bệnh viện Quốc tế City. “Khi nghi ngờ bệnh nhân này nhiễm Covid-19, bệnh viện Chợ Rẫy đã xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên và cho kết quả đều âm tính”, ông Việt thông tin.
Khi bệnh nhân này chuyển đến bệnh viện Quốc tế City thì các bác sĩ đã đưa vào phòng áp lực âm nên hạn chế lây lan ra ngoài rất nhiều. Kết quả xét nghiệm 81 nhân viên của bệnh viện Quốc tế City đều âm tính với Covid-19.
2 comments
Sao không nói rõ người Mỹ này nhập tịch vào VN thời gian nào ? Nếu đã ở VN lâu rồi thì nhiễm bệnh do đâu?
Bây giờ tốt nhất VN đóng cửa biện giới vói mọi nước