Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nền giáo dục toàn diện (holistic) khai phóng (liberal arts) và Đại Học Mỹ 

 

Đoàn Hưng Quốc

(VNTB) – Nền giáo dục toàn diện và khai phóng dù hơn hẳn mẫu mực từ chương của Á Đông nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn không làm mọi người hài lòng!

 

Người viết không phải là nhà giáo dục nhưng xin chia sẻ cái nhìn về học vấn sau khi đã đi học, đi làm và sống ở Mỹ. 

 

Tiến trình đào luyện trí tuệ gồm 4 bậc thang: dữ kiện (data) tài liệu (information) kiến thức (knowledge) và thông sáng (wisdom). Nhân loại góp nhặt dữ kiện từ quan sát và con số; ghi chép phân loại thành tài liệu; phân tích tổng hợp tạo ra kiến thức; trở nên sáng suốt sau khi lý luận phản biện và áp dụng vào thực tế.

Khi Albert Einstein nhận xét “phá vỡ thành kiến của con người còn khó hơn là phá vỡ một hạt nhân nguyên tử” tức ông từ nhà khoa học trở thành bậc hiền triết. Lúc nhà kinh tài Warren Buffet phát biểu “be fearful  when others are greedy, and greedy when others are fearful” (hãy tham lam mua chứng khoán lúc mọi người hoảng sợ bán, và hoảng sợ bán chứng khoáng khi mọi người tham lam mua) chính là sau khi ông từng trải thăng trầm nên thấu hiểu cả thị trường lẫn tâm lý con người. 

Dữ kiện, tài liệu và kiến thức có thể thu nhập từ học đường hay sách vở nhưng để trở thành khôn ngoan sáng suốt phải va chạm cọ sát với cuộc đời với đầu óc phản biện tra vấn. Trong ngôn ngữ Việt thì mọt sách nhằm mô tả những ai chỉ có kiến thức từ chương trong sách vỡ mà không thắc mắc vặn hỏi cũng như thiếu kinh nghiệm sống.

Theo Khổng Học thông tuệ tức là hoàn hảo về mặt tri thức và kinh nghiệm cuộc đời để hoàn thiện trong cách xử sự và xử thế – tiến trình này khởi đầu với câu viết quen thuộc “tam thập nhi lập…” Còn văn hoa chữ nghĩa thì “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý (knowledge), giữa thuận nhân hòa (wisdom).” Khổng Tử trọn đời học hỏi chuyên cần đến năm 60, 70 tuổi mới đạt đến mức hoàn thiện nhưng khuyết điểm của đạo Nho nơi trọng từ chương mà thiếu chuyên môn và phản biện. Trong khi đó nền giáo dục toàn diện (holistic) và khai phóng (Liberal Arts) của Tây Phương nhằm đặt nền tảng cho mỗi người tự phát triễn qua tiến trình nói trên.

Giáo dục bậc Đại Học ở Mỹ chia thành 2 nhánh: Professional Education dạy chuyên môn như Khoa Học, Y Học, Kỹ Thuật v.v… trong khi Liberal Arts bao gồm Triết Học, Lịch Sử, Văn Học, Kinh Tế, Chính Trị, v.v… Những công ty điện toán như Amazon, Facebook hay Google nhưng lại có tác động khổng lồ lên toàn bộ xã hội từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa nên các nhà lãnh đạo phải biết lượng định hậu quả của những sáng kiến kỷ thuật lên nhân loại. Tương tự như vậy, một chuyên viên kinh tế không thể quyết định tăng giảm lãi xuất chỉ dựa trên thống kê trừu tượng mà cần thấu hiếu đến ảnh hưởng lên đời sống và công ăn việc làm của người dân.

Nền giáo dục tổng hợp dạy nhân văn cho các kỷ thuật gia và khoa học kỷ thuật cho những nhà nhân văn với mục tiêu đào tạo các nhà tư tưởng và lãnh đạo trọn vẹn (well-rounded) trong cả chuyên môn lẫn kiến thức xả hội mang nề nếp tư duy tra vấn nghi hỏi (critical thinking) bên ngoài khuông khổ và định kiến (out of the box thinking) thì mới cách mạng, khai phóng và tiến bộ.

Nền giáo dục tổng hợp và khai phóng rất tốn kém nhưng được những đại học danh tiến của Mỹ áp dụng. Các trường này dù được cả thế giới tôn trọng như đạt tiêu chuẩn cao nhất về giáo dục vậy mà vẫn bị công kích kịch liệt. Phe hữu tố cáo các đại học lớn trở thành ổ độc tài cánh tả, trong khi phe tả lên án trường học phục vụ cho tầng lớp ưu tú (elite) mà bỏ rơi đa số chịu thiệt thòi (underprivileged) trong xã hội. Người Mỹ thực hiện phản biện một cách nghiêm chỉnh nên không xem cái gì là mẫu mực!

Giới trí thức cấp tiến trong các trường đại học đả phá những khuông khổ truyền thống vì tự cho nắm quy luật của tiến bộ mà bịt miệng các ý kiến trái chiều – cảnh nhà trường sa thải giáo sư đi ngược lề trái và sinh viên tẩy chay bạn bè lề phải là thường xuyên xảy ra. Con người dễ bị kẹt trong cái bẫy của lý luận, khi tôi nói “cái gì cũng phải hoài nghi chất vấn” thì đừng chất vấn điều tôi vừa nói!

Cánh tả tố cáo những đại học lớn thu nhận sinh viên xuất sắc trong khi học sinh giỏi chỉ đến từ khu nhà giàu nhờ cha mẹ có phương tiện dạy con từ nhỏ, tức là trường học phân biệt đối xử và kéo dài tình trạng bất công trong xã hội. Muốn bình đẳng thì phải nâng đỡ cho giới bị thiệt thòi, nhưng dành ghế cho da đen thì da vàng mất chổ nên biểu tình phản đối bị kỳ thị!

Một nghịch lý khác là trường dạy phản biện nhưng lại đào tạo lớp lãnh đạo suy nghĩ giống nhau! Từ thầy đến trò đều sống trong vỏ bọc (buble) trí thức, khi ra đời thành phần ưu tú làm việc chung đụng với nhau mà xa rời giới bình dân, thợ thuyền, dân nghèo v.v… Cụ thể là trong chiến tranh Việt Nam đám chuyên viên thượng thặng của Ngũ Giác Đài đến từ các đại học hàng đầu mà không hiểu biết về thực tế chiến trường nên thua anh du kích Việt Cộng! Hay vào năm 2007 giới lãnh đạo tài chánh xuất thân ở Harvard hay Columbia lại được giám sát bởi các chuyên viên luật danh tiến từ Yale, quen biết nhau cả đến lúc xảy ra cuộc Đại Khủng Hoảng khiến hàng triệu người mất nhà và thất nghiệp nhưng không một chủ ngân hàng nào bị bỏ tù mà còn được lãnh hàng trăm triệu đô-la tiền thưởng (bonus) trước khi hồi hưu!

Cuối cùng khi chất vấn mọi thứ thì ngay cả nhiều người giỏi nhất lại sa vào hoài nghi chủ nghĩa khi đánh mất cái neo luân lý phân biệt giữa đúng và sai (đúng hay sai chỉ là định kiến!); chối bỏ tự hào dân tộc bởi hổ thẹn cho những tội lỗi của lịch sử; vô thần khi không còn tin tưởng vào Trời Đất.

Cho nên nền giáo dục toàn diện và khai phóng dù hơn hẳn mẫu mực từ chương của Á Đông nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn không làm mọi người hài lòng!

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: cuộc chiến văn hóa*

Phan Thanh Hung

VNTB – Buổi chuyện trò ớn lạnh với ChatGPT

Do Van Tien

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 1: Mô hình kinh tế qua các mốc thời gian

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.