Loan Thảo
(VNTB) – “Tự trị” dường như là cụm từ nhạy cảm và có thể được xem là vi Hiến, vì ở Việt Nam, tất cả đều phụ thuộc vào đường lối – chính sách của đảng cộng sản, giáo dục đại học cũng không được phép nằm ngoài.
Cho đến nay, nhiều người ở cấp quản lý cao nhất trong “Đảng – Nhà nước” vẫn còn cho rằng, tự trị đại học là mô hình quản trị đại học của các nước phương Tây, chưa chắc đã phù hợp với Việt Nam vốn đeo đuổi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức từng làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát Hành Ngân Hàng Quốc gia của chế độ Sài Gòn trước tháng 4-1975, nói rằng phương Tây có một lịch sử phát triển đại học lâu đời, mà cốt lõi là các trường đại học tư nhân và của các hội đoàn tôn giáo rất nổi tiếng, có thương hiệu riêng, có uy tín quốc tế. Điều này trớ trêu thay lại hiện diện ở miền Nam Việt Nam thời gian trước tháng 4-1975.
Ngay từ buổi sơ khai, các trường đại học tự trị này đã hưởng một quy chế tự chủ về tài chính và quản trị, về chương trình đào tạo. Ngược lại, hệ thống đại học xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đều do Nhà nước xây dựng và quản lý, hoạt động bằng nguồn kinh phí được gọi là “từ ngân sách nhà nước”.
Nhân sự quản lý và giảng dạy do Nhà nước bổ nhiệm, trả lương, được giao nhiệm vụ chính trị cụ thể trong việc thực thi công tác tuyển sinh và đào tạo theo định hướng và mục tiêu do Nhà nước đề ra. Trong điều kiện đó, vấn đề tự trị đại học thậm chí còn là một điều cấm kỵ không được đề cập tới.
Sở dĩ cho đến nay, quan sát từ một số đóng góp ý kiến về dự thảo văn kiện Đảng lần thứ XIII, có thể nhận ra đang có sự lẫn lộn giữa hai khái niệm tự trị đại học về mặt tài chính và tổ chức, và tự do hàn lâm hay tự do dạy và học; trong đó, tự do hàn lâm được xem như là thành tố quyết định của giáo dục đại học, bất kể trường đại học ấy có được tự trị về mặt tài chính và tổ chức hay không, và điều này thì kể từ sau sự kiện chính trị tháng 4-1975, nền giáo dục đại học ở Việt Nam không chấp nhận ‘tự do hàn lâm’.
“Cần hiểu đang đối mặt thực tế như vậy, và tự trị đại học là một yếu tố quyết định giúp phát triển tư duy sáng tạo. Đại học không phải là nơi truyền thụ kiến thức sao chép mà là nơi truyền thụ phương tiện nhận thức. Nhờ đó, những kiến thức mới mẻ sẽ được sản sinh ra từ tư duy mang tính chất sáng tạo của con người.
Đại học cần một không gian mở cho sự tự do hàn lâm, và tư duy sáng tạo để thực sự là một cái nôi đào tạo cho nhiều thế hệ thanh niên ưu tú, hiện tại và tương lai, cho cộng đồng dân tộc Việt Nam và cho cả nhân loại” – ông Huỳnh Bửu Sơn nói.
Tự trị đại học được hiểu là sự tự chủ trong tài chính, nhân sự, chương trình học, tuyển sinh… Tuy nhiên, hiện tất cả những yếu tố này vẫn đang bị chi phối bởi các quy định của nhà nước. Và như vậy nếu sắp tới đây, ở nhiệm kỳ mới của Đảng, vẫn tiếp tục như cơ chế hiện nay, xem ra có thể tái khẳng định sẽ không bao giờ có được sự tự chủ cho các trường đại học.
Bởi, dù có bảo thủ với định hướng xã hội chủ nghĩa đến đâu đi nữa, thì cần phải nhận thấy rằng yếu tố tự trị mang lại thành công cho những trường đại học trên thế giới, điều này chưa hề có ngoại lệ.
Chất lượng một đại học được đánh giá qua danh tiếng và chất lượng của chương trình học, của đội ngũ giáo sư và cả sự linh hoạt trong việc thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của khoa học thế giới.
Tự trị đại học còn mang lại sự “tự do học thuật”, với việc cần phải làm được việc xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản và các đại học trực thuộc, mà thành lập duy nhất “Bộ Giáo dục Đại học” chẳng hạn, để quản lý tất cả các trường đại học trong nước.