Âu Dương Thệ
Ý thức của người dân
Ngày 3.11 vừa qua hàng chục triệu cử tri Hoa Kỳ (HK) xếp hàng dài, có những nơi phải chờ suốt cả buổi để sử dụng quyền tự tay bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên mà mình tin tưởng. Họ có thể là đảng viên hay chỉ là cảm tình viên của hai chính đảng lớn ở Mỹ Dân chủ hay Cộng hòa. Họ đã tham gia tích cực vận động và bỏ phiếu cho hai ứng cử viên Tổng thống (TT) của hai đảng này với những lí do khác nhau. Nhiều người muốn ông Trump, TT đương nhiệm, tiếp tục chính sách thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Nhưng nhiều người khác lại muốn ứng cử viên (UCV) Biden lên thay để chấm dứt chính sách mà họ nhận thấy sai lầm và gây tai hại cho chính bản thân và lợi ích của cả dân tộc HK. Đa số công dân HK đã ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với đất nước theo trình độ hiểu biết của mỗi người.
Sở dĩ họ hào hứng tích cực tham gia bầu cử, vì các định chế chính trị dân chủ của HK công nhận và khuyến khích quyền của các công dân được tự do tham gia vào các công việc của cộng đồng. Từ các việc biểu tình ôn hòa, viết báo công khai ủng hộ hay phản đối các giới chức địa phương, các dân biểu, thượng nghị sĩ tới cả TT. Các quyền tự do cản bản này không có trong các chế độ độc tài như ở VN hay Trung quốc (TQ). Tại đó chỉ có „đảng cử dân bầu“, các công dân độc lập ứng cử đều bị loại, các cuộc biểu tình phản đối đảng đều bị kết án là chống chế độ, những người cầm đầu bị theo dõi hoặc bị tù đày!
Ở HK để thực hiện quyền công dân chính đáng này, ngoài những người bỏ phiếu theo thói quen cho một chính đảng nào đó, nhưng cũng có nhiều công dân HK đã quan tâm theo dõi hai ứng cử viên để đối chiếu xem nhân vật nào đáng tin cậy hơn, có đức độ và khả năng tốt hơn. Trong những xã hội dân chủ, chính những cử tri „khó tính“ này -hay nói đúng là những công dân có ý thức cao- thường đóng vai trò quyết định trong các cuộc bầu cử. Vì thế chúng ta thấy trong cuộc bầu cử TT vừa qua ở Mỹ có những tiểu bang từng được coi là truyền thống của đảng Cộng hòa hay Dân chủ, nhưng lần này đã có những thay đổi khiến kết quả bầu cử đã thay đổi , nhờ vậy UCV Dân chủ Biden đã đánh bại UCV Cộng hòa Trump.
Tiến trình thay đổi chính quyền trong trật tự và ôn hòa không chỉ diễn ra tại HK mà cũng diễn ra ở hầu hết các nước trong Liên minh Âu châu EU, cũng như nhiều nước khác ở Á châu và Mỹ châu, mặc dầu có thể có một vài khác biệt tùy theo điều kiện và trình độ dân chủ của mỗi nước.
Trong một xã hội dân chủ có trình độ cao, sự thay đổi chính quyền từ một chính đảng này sang chính đảng khác là một quy luật tự nhiên. Nó phản ảnh ý muốn của đa số nhân dân trong từng thời kỳ nhất định. Sau một thời gian cầm quyền, nhờ sự theo dõi và cảm nhận của chính bản thân mình, nên nhân dân sẽ nhận rõ khả năng, đức độ và cá tính của người cầm đầu chính quyền. Vì thế trong các cuộc bầu cử, các cử tri bằng lá phiếu của mình sẽ quyết định số phận của chính quyền hiện tại. Nếu vẫn còn tin thì họ sẽ tái bầu cho đảng cũng như người cầm đầu chính quyền hiện nay.
Nhưng nếu mất tin tưởng vào chính quyền này thì các cử tri sẽ bỏ phiếu chọn một chính đảng khác với những người lãnh đạo mới. Họ hi vọng và chờ đợi rằng, chính quyền mới sẽ giải quyết tốt những khó khăn hay sai lầm của nhà cầm quyền hiện nay, nhờ đó đất nước sẽ thoát ra những khó khăn và tiếp tục vươn lên.
Vì thế việc thay đổi chính quyền trong một xã hội dân chủ có thể ví như bệnh nhân muốn tìm bác sĩ khác để chữa trị, vì thấy bác sĩ cũ không trị hữu hiệu; hay thay thuốc mới hi vọng kiến hiệu hơn; hoặc như truyền máu mới cho bệnh nhân thay thế cho máu độc. Vì vậy sự thay đổi chính quyền là một tiến trình tự nhiên, hợp lý và cần thiết. Chính nó cũng tạo điều kiện để các chính đảng luôn luôn phải đặt dưới tình trạng chịu sự cạnh tranh gay gắt và thường xuyên.
Nếu làm tốt, giải quyết ổn thỏa các nhu cầu hoặc khó khăn cho nhân dân và đất nước thì chính đảng đó được dân tín nhiệm tiếp. Nếu không thì sẽ bị thay thế và trở về làm chính đảng và chính khách đối lập. Chính tôn trọng và thực hiện những điều kiện cạnh tranh lành mạnh này khiến cho xã hội luôn luôn sống động, mỗi lực lượng đều phải đấu tranh để tồn tại và phát triển. Nhờ vậy xã hội vươn lên đều đặn.
Những điều này không thể xẩy ra trong một xã hội độc đảng hay một cá nhân độc tài, như ở VN hiện nay dưới chế độ „Đảng cử dân bầu“! Vì tại đó đảng độc quyền hay cá nhân độc đoán suy nghĩ và làm thay chứ không để cho nhân dân được quyền tham gia quyết định. Vì thế các văn kiện các Đại hội của đảng hầu như giống hệt nhau rất nhàm chán, như Đại hội 13 của ĐCSVN. Còn về nhân sự ở cấp cao trong Bộ chính trị cũng đã được những người có quyền lực sàng lọc sẵn.
Cá nhân độc tài có thể thắng định chế dân chủ?
Quyền của cử tri được bầu người mình tin tưởng làm TT là truyền thống chính trị dân chủ đã được thực hiện ở HK từ 244 năm. TT thất cử có nhiệm vụ, theo Hiến pháp HK, phải chuẩn bị các bước cần thiết để trao quyền cho chính quyền mới do TT đắc cử nội trong vài tháng theo đúng trình tự luật pháp, ôn hòa và trật tự. Cho tới nay ở HK có một thông lệ tốt được hầu như các TT thất cử thực hành là, nhìn nhận sự thất cử của mình và chào mừng sự thắng cử của ứng cử viên đối lập.
Nhưng tập tục tốt này của Hoa Kỳ hiện nay đang đứng trước thử thách, vì ông Trump đang lạm dụng quyền lực, dùng các thủ đoạn độc tài để không chịu trao trả quyền lực cho TT đắc cử. Mặc dầu từ ngày 7.11 các đài và báo ở HK, kể cả một số đài từng ủng hộ Trump, đã thông tin UCV J. Biden đã chiếm được 273 phiếu cử tri đoàn. Nghĩa là đã đạt trên mức quá bán (270) theo luật bầu cử TT ở Mỹ.
Trong một xã hội dân chủ pháp trị cao như ở HK, người khởi kiện – ở đây là Trump – phải đưa chứng cứ rõ ràng, vì ông đã buộc tội là đã có gian lận trong bầu cử. Các cơ quan tư pháp HK căn cứ trên những qui định của luật pháp sẽ xét xem các bằng chứng đưa ra có đúng không hay chỉ bịa đặt và khẳng định suông. Nếu các bằng chứng đưa ra không đủ thuyết phục thì tòa án sẽ bác bỏ đơn kiện và khi ấy người thua kiện bắt buộc phải thực hiện theo luật.
Nghĩa là, trong trường hợp này, Trump sẽ phải thực hiện nghiêm túc các thủ tục trao quyền lại cho TT đắc cử theo đúng các thủ tục đã qui định trong luật. Ngày 14.12 các đại cử tri sẽ họp tại các tiểu bang và quyết định theo tỉ lệ phiếu bầu cho TT trong từng tiểu bang. Cho tới nay kết quả kiểm phiếu cuối cùng trên các tiểu bang cho thấy ông Biden đã chiếm được 306 đại cử tri, còn ông Trump chỉ có 232 đại cử tri.
Nhưng hiện nay trong dư luận Mỹ và quốc tế lo ngại là, liệu một người ngang ngạnh và bất trọng danh dự như ông Trump có dám tiếp tục liều lĩnh bất chấp luật pháp và dư luận không chịu trao lại quyền lực?
Thái độ ương ngạnh, tham quyền, bất chấp luật pháp, không biết trọng danh dự giống hệt như thái độ của Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội 12 (1.2016) đòi xếp bằng được để đưa mình vào „trường hợp đặc biệt“ để giữ ghế Tổng bí thư thêm một nhiệm kì 5 năm nữa. Nhưng VN là chế độ độc tài của một đảng, ông Trọng lại đứng đầu, nên không ai dám mở miệng chống lại. Còn HK là một chế độ dân chủ pháp trị. Như vậy việc ông Trump cũng rất tham quyền đang ương ngạnh tìm đủ mọi cách để tự xếp cho mình vào „trường hợp đặc biệt“ liệu có thể thành công hay không ở HK? Liệu ông Trump có đủ sức mạnh chống lại các định chế và luật pháp HK được không?
Ở đây cần phải mở một dấu ngoặc để phân biệt sự khác biệt căn bản giữa hai ĐỊNH CHẾ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ và ĐỊNH CHẾ ĐỘC TÀI (ĐẢNG TRỊ hay ĐỘC TÀI CÁ NHÂN). Về hình thức bề ngoài, trong các Định chế độc tài tuy cũng có lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng quyền hành thực sự trong mọi lãnh vực đều xuất phát từ một đảng hay một cá nhân có quyền lực cao nhất, quốc hội chỉ làm bù nhìn, các cuộc bầu cử chỉ theo hình thức đảng cử dân bầu, các tòa án xử theo lệnh của cấp trên, báo chí phải viết theo ý muốn của Ban Tuyên giáo. Tham vọng cá nhân, quyết định độc đoán của người thủ lãnh là luật pháp, những người dưới phải thi hành. Điển hình như khi ông Trọng muốn làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa, nên đã ra lệnh cho các đồng liêu trong Bộ chính trị phải xếp ông vào „Trường hợp đặc biệt“ tại ĐH 12 (1. 2016). Tiếp đến khi Trần Đại Quang mất, ông Trọng muốn nắm luôn ghế Chủ tịch nước nên đã ra lệnh QH bầu ông làm Chủ tịch nước (10.2018). Sau biến cố cực kỳ tàn bạo ở Đồng Tâm (1.2020) để tìm cách bịt miệng nhân dân, nên chỉ nội một, hai ngày sau ông Trọng đã kí lệnh „Truy tặng huân chương Chiến công hạng nhất“ cho ba công an mất, bất chấp các qui định của pháp luật. Các dẫn chứng trên cho thấy, trong chế độ độc tài nên Nguyễn Phú Trọng đã có thể xoay xở giành quyền lực tương đối dễ dàng như trở bàn tay.
Trong khi ấy ĐỊNH CHẾ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ ở Hoa Kỳ cũng như nhiều nước dân chủ có trình độ cao, qui định rất nghiêm ngặt sự độc lập và bình đẳng của ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các biểu quyết quan trọng của lưỡng viện phải được quá bán đồng ý. Các quyết định của toà án mọi người phải thi hành, kể cả TT. Báo chí và mọi công dân có quyền công khai phê bình TT….Sự khác biệt căn bản nữa giữa hai Định chế này là các tổ chức Xã hội Dân sự. Trong Định chế Độc tài các tổ chức dân sự chỉ là những cánh tay kéo dài của bộ máy chuyên chế, chỉ biết ngoan ngoãn vâng dạ, cụ thể như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức ngoại vi. Trong khi ấy, trong Định chế Dân chủ Pháp trị các Tổ chức Xã hội Dân sự là những đoàn thể độc lập trong mọi các ngành như nghiệp đoàn, báo chí, văn hóa và xã hội… Hệ thống các đoàn thể Xã hội Dân sự ở đây đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như tai, mắt, miệng theo dõi và lên tiếng thường xuyên, nhờ vậy toàn xã hội luôn luôn phát triển theo chiều hướng đi lên.
Như vậy cho thấy, trong Định chế Dân chủ Pháp trị quyền lực trong xã hội đã được phân chia rộng rãi, đồng đều, được kiểm soát thường xuyên và nghiêm túc. Cho nên hiện nay ông Trump tuy vẫn còn là TT, nhưng là một TT thất cử, vì thế uy tín và quyền uy của Trump đang như sợi chỉ treo ngàn cân. Điển hình như tối 4.11 trong khi cuộc bỏ phiếu mới vừa kết thúc, các nơi đang kiểm phiếu, nhưng ông Trump đã tuyên bố là cuộc bầu cử gian lận và ra lệnh ngưng kiểm phiếu. Nhưng các địa phương ở các tiểu bang Hoa Kỳ vẫn tiếp tục kiểm phiếu. Họ thi hành theo luật pháp chứ không theo ý chủ quan và độc đoán của Trump. Tối 5.11, nhiều đài truyền hình và phát thanh Hoa Kỳ đã cắt ngang phát biểu của Trump ngay trong cuộc họp báo ở tòa Bạch ốc. Vì ông đưa ra những nhận định chủ quan và kết án bầu cử không có chứng cớ. Ngày càng có nhiều thượng nghị sĩ và dân biểu Cộng hòa cũng phê bình thẳng thắn Trump về thái độ ngang ngạnh và bất chấp pháp luật của ông. Chúng ta không thể tưởng tượng có những trường hợp như vậy ở VN. Nhưng tại Hoa Kỳ, tinh thần dân chủ và thái độ dân chủ qua thời gian trên 200 năm đã trở thành những giá trị cao được đa số các giới tôn trọng và thực hiện. Đó là những giá trị mà nhiều người Mỹ từ các chính trị gia, nhà báo, công dân đã dám làm và dấn thân.
Trong những ngày sắp tới nếu Trump không đưa ra được các bằng chứng bảo là bầu cử gian lận thì ông đang tự rơi vào tình trạng cực kì khó khăn và nguy hiểm. Hoặc là phải công khai nhìn nhận thất bại và mời TT thắng cử tới tòa Bạch ốc để bàn việc chuyển giao quyền lực trật tự theo đúng luật pháp, như 44 TT tiền nhiệm của ông đã thực hiện. Hay Trump cố tình đạp lên luật pháp Hoa Kỳ và phá hủy các định chế và tập tục truyền thống tốt đẹp. Nếu như vậy Trump đã cố tình nhìn nhận mình là người độc tài đang chống lại nhân dân HK. Khi ấy Trump không thể chờ đợi sự ủng hộ của ngay đảng Cộng hòa. Vì khi đó ngay cả những nhân vật chính Cộng hòa cũng không thể ủng hộ những hành động phi pháp chống lại Hiến pháp HK!
Trong trường hợp này Trump đã đặt nhân dân HK, kể cả đảng Cộng hòa, đứng trước sự chọn lựa: Đứng về phía bảo vệ Hiến pháp và các định chế dân chủ, hay đứng về phía ủng hộ cá nhân độc tài suốt bốn năm qua đã từng phá hoại và chia rẽ dân tộc! Ngày 12.11 các cơ quan phụ trách bầu cử đã ra thông báo xác nhận, cuộc bầu cử TT ngày 3.11 vừa qua đã được tổ chức “an toàn nhất lịch sử Mỹ”. Nghĩa là các cơ quan pháp luật phụ trách bầu cử ở Hoa Kỳ đã phủ nhận toàn bộ những cáo buộc vô căn cứ của Trump. Ngày càng nhiều thượng nghị sĩ và dân biểu Cộng hòa công khai chống lại các tuyên bố cực kỳ sai trái và thái độ không biết tự trọng của Trump. Phần lớn những người này sống rất thực tế, không muốn tự đốt cháy tương lai chính trị của chính họ và của đảng Cộng hòa.
Nói tóm lại, Trump đang bơi ngược dòng trong đại dương của Định chế Dân chủ Pháp trị đã có truyền thống trên 200 năm.
Hoa Kỳ và thế giới phải chung lưng chống bành trướng Trung quốc!
Nhận định nghiêm túc và khách quan sẽ thấy là, trong những năm gần đây cả ở Hoa Kỳ lẫn trên thế giới đang phát sinh những điểm nóng, những nguy cơ trước mắt và lâu dài, cho nên cần có những giải pháp đúng đắn, thích hợp, kiên trì để ngăn chặn những hiểm họa chung, bảo vệ hòa bình, xây dựng thịnh vượng, kiến tạo dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Giữa khi đó Covid-19 bùng nổ ở Vũ Hán (TQ) và đang bùng nổ trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Riêng Hoa Kỳ hiện nay cùng một lúc phải đối đầu với hai nan giải ngay trong nội bộ Hoa Kỳ, đó là ngăn chặn bệnh dịch đang tràn lan để vực dậy các hoạt động kinh tế, giáo dục; đồng thời phải tìm cách hàn gắn lại những đổ vỡ sau 4 năm gây chia rẽ và phá hoại của ông Trump.
Về mặt đối ngoại, chính quyền mới của TT Biden cũng đang đứng trước thách đố rất nghiêm trọng, làm sao phục hồi thế siêu cường của Hoa Kỳ để có thể đương đầu hữu hiệu trước sự vươn lên của Trung quốc, một chế độ đảng trị cực kì độc tài, đàn áp nhân dân, nhưng đồng thời lại đang sử dụng sức mạnh kinh tế thương mại để thao túng thế giới và đưa ra những chiêu bài mị dân để thực hiện “giấc mơ vĩ đại của TQ” , đưa TQ trở thành siêu cường, ép buộc các nước phải theo “kiểu mẫu phát triển của TQ”!
Trước tình hình quốc nội và quốc thế như vậy, chính quyền của tân TT Biden cần có kế hoạch hành động như thế nào để không phụ lòng tin cậy của nhân dân, biến niềm tin thành sức mạnh để canh tân HK và cùng với các nước dân chủ xây dựng lại trật tự thế giới ?
Ngay trong buổi lễ mừng thắng cử ngày 7.11 và một số phát biểu trong dịp tranh cử, ông Biden đã nêu ra một số chính sách lớn cho chính quyền tương lai do ông lãnh đạo. Trong đó ưu tiên hàng đầu là phải tìm cách ngăn chặn thành công càng sớm càng tốt đại dịch Covid-19 trước hết là ngay tại Hoa Kỳ. Vì do sự cố tình thờ ơ của Trump nên Hoa Kỳ đang trở thành nước bị đại dịch hoành hành tồi tệ nhất trên thế giới, làm cho hàng trăm ngàn người bị chết và hàng chục triệu người đang bị lây nhiễm, khiến cho mọi sinh hoạt bị đình trệ, gây hoang mang và thất vọng rất lớn trong nhân dân.
Nhưng đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt ở riêng Hoa Kỳ mà phải là chính sách toàn cầu. Vì thế ưu tiên hàng đầu của Biden sẽ là cùng với thế giới hợp tác sớm chấm dứt nạn dịch. Trọng tâm khác có tính cách xuyên suốt toàn nhiệm kỳ 4 năm làm TT là tập trung đưa ra một sách lược khôn ngoan và hiệu quả để ngăn chặn chủ trương bành trướng của Bắc kinh thời Tập Cận Bình.
Trong điều kiện hiện nay là thế giới đa cực, sức mạnh của Hoa Kỳ đang bị giới hạn trên một số lãnh vực, cho nên một sách lược hữu hiệu để chống bành trướng của TQ thì Hoa Kỳ phải biết xốc lại và cải thiện các liên minh quân sự và kinh tế hiện nay, đồng thời mở rộng khuôn khổ đồng minh mới trên nguyên tắc cùng hợp tác cùng có lợi, đặc biệt ở châu Á-Thái bình dương, nhất là các nước láng giềng của TQ và nằm dọc theo biển Đông. Trong đó VN và Asean giữ vai trò then chốt.
Trong diễn văn 15 phút TT tương lai Biden đã kêu gọi toàn thể nhân dân HK, dù đã bỏ phiếu cho ông hay không, hãy cùng bắt tay nhau, đoàn kết lại, hàn gắn những đổ vỡ đã gây ra trong 4 năm qua. Ông cũng hứa sẽ gánh vác trách nhiệm làm TT cho tất cả công dân Hoa Kỳ, bất kể mầu sắc chính trị. Đối với các đối thủ chính trị trong đảng Cộng hòa, kể cả TT đương nhiệm Trump -dù không nhắc tên- ông Biden đã khẳng định, giữa họ với nhau „không phải là kẻ thù“ mà chỉ là „những đối thủ chính trị“. Nguyên văn: “Chúng ta phải ngừng đối xử với những đối thủ của mình như kẻ thù. Chúng ta không phải kẻ thù. Chúng ta là những người Mỹ.” Nghĩa là tôn trọng những khác biệt chính kiến và quan điểm của nhau.
Thời gian qua trong một phần chính giới và nhiều thức giả ở Hoa Kỳ đã nhận ra những thách đố nguy hiểm nhất của Thế kỷ 21 sau khi Liên xô và hệ thống CS tan rã, đó là âm mưu lợi dụng những sơ hở và cả tin của nhiều nước trên thế giới, nên các thủ lãnh độc tài Cộng sản TQ đã lấn lướt kinh tế, biến nó thành sức mạnh để thực hiện mưu đồ đế quốc kiểu mới. Chính Tập Cận Bình đã không úp mở nói thẳng là, quyết thực hiện „giấc mơ vĩ đại của TQ“, tới giữa thế kỷ này TQ sẽ trở thành siêu cường kinh tế, mô hình phát triển của TQ sẽ là mẫu mực cho thế giới. Vì thế từ gần một thập niên qua TCB đã ráo riết thực hiện kế hoạch chinh phục kinh tế thế giới với „một vành đai, một con đường“ và chiếm đóng các hải đảo, trên đó xây dựng các các pháo đài để kiểm soát và đe dọa toàn biển Đông….
Nhưng khi đi tìm những giải pháp để chặn đứng nguy cơ và tham vọng của BK một số người và tổ chức trong chính giới ở Hoa Kỳ đã hốt hoảng, nuôi ảo vọng nên đã chọn giải pháp sai lầm. Trong đó thậm chí chấp nhận cả những phần tử độc tài nhưng lại rất mị dân, lợi dụng sự hốt hoảng trong dư luận để mưu đồ xây dựng tham vọng cá nhân. Cụ thể ở đây là việc Trump đã thắng cử và làm TT Hoa Kỳ suốt 4 năm qua! Ông đã mượn danh “America First” để biến nó thành “Trump First”. Thay vì cùng với các đồng minh và các đối tác cùng nhau chung lưng chống bành trướng TQ, Trump lại muốn làm một mình và chỉ một mình! 4 năm qua giải pháp này đã được Trump triển khai như thế nào và kết quả tai hại và nguy hiểm cho Hoa Kỳ và thế giới như thế nào các giới đều có thể kiểm chứng được.
***
Chúng ta đang sống trong thời đại thế giới đa cực, sức mạnh của Hoa Kỳ đang bị giới hạn; trong khi đó TQ, một nước đông dân nhất thế giới và cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, đang vươn lên và theo đuổi tham vọng đế quốc. Trong điều kiện đó Hoa Kỳ không nên trở lại chủ trương làm cảnh sát thế giới, can thiệp tràn lan như thời kì Chiến tranh lạnh trước đây. Hoa Kỳ cũng không nên thực hiện chính sách một mình một chiếu America First như 4 năm vừa qua dưới thời Trump.
Trong điều kiện của Hoa Kỳ và thế giới đa cực hiện nay, một chính sách đối ngoại khôn ngoan là Hoa Kỳ nên cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với các đồng minh và với các đối tác thân hữu; bằng cách cải tổ các liên minh hiện có cho thích hợp và thiết lập những liên minh mới trong từng khu vực và trên toàn thế giới. Trong đó Hoa Kỳ nên đóng vai trò then chốt trong một số lãnh vực, nhưng phải biết chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với các đồng minh và đối tác trong những lãnh vực khác. Như vậy sẽ tạo được sự tin cậy và tín nhiệm lẫn nhau.
14.11.2020
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả